Hậu IPO Lọc dầu Dung Quất: Bắt đầu “cuộc chiến” nhà đầu tư chiến lược

VietTimes – Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (chủ sở hữu Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) đã có một phiên IPO thực sự thành công. Với giá đấu thành công bình quân 23.043 đồng/cổ phần, Nhà nước sẽ thu về hơn 5.566 tỷ đồng cho 7,79% cổ phần vừa bán. Sau IPO sẽ là “cuộc chiến” của nhà đầu tư chiến lược...
Hậu IPO Lọc dầu Dung Quất: Bắt đầu “cuộc chiến” nhà đầu tư chiến lược. (Ảnh: BSR)
Hậu IPO Lọc dầu Dung Quất: Bắt đầu “cuộc chiến” nhà đầu tư chiến lược. (Ảnh: BSR)

Có thể nói rằng Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã có một phiên IPO thành công.

Toàn bộ 241.556.969 cổ phần (tương đương 7,79% cổ phần BSR) đem ra đấu giá đã bán hết veo, với mức giá vượt xa giá khởi điểm (ấn định ở 14.600 đồng/cổ phần). Thực tế, lượng cầu đã vượt 2,7 lần cung, với tổng khối lượng cổ phần đăng ký đạt 651.789.522 cổ phần.

Kết quả công bố cho thấy, mức giá trúng đấu giá thấp nhất là 20.800 đồng. Cá biệt còn có nhà đầu tư đặt giá tới 14.800.000 đồng/cổ phần, gấp hơn 1.000 lần giá khởi điểm – và đây chính là mức giá đấu thành công cao nhất.

Tính bình quân, mỗi cổ phần BSR đã được IPO thành công với giá 23.043 đồng. Với mức giá này, dự kiến, Nhà nước thu về hơn 5.566 tỷ đồng sau đợt IPO.

Phiên đấu giá đã diễn ra thực sự gay cấn và kéo dài mãi đến cuối giờ chiều ngày 17/1. Số lượng nhà đầu tư tham gia đấu giá cũng đạt mức kỷ lục, với con số 4.079 nhà đầu tư, gồm 115 tổ chức (48 tổ chức trong nước và 67 tổ chức nước ngoài) và 3.964 cá nhân.

Tất nhiên, chỉ một phần nhỏ trong số đó – 623 nhà đầu tư - được thỏa nguyện, gồm 62 tổ chức, 561 cá nhân.

Đáng chú ý, các nhà đầu tư nước ngoài đã trúng gần 148 triệu cổ phần, trong số 241,6 triệu cổ phần BSR IPO, chiếm 61%.

Sau đợt đấu giá này, BSR sẽ bán tiếp cho nhà đầu tư chiến lược 49% cổ phần (bao gồm cả nhà đầu tư trong và ngoài nước). Nhà nước sẽ chỉ nắm giữ 43% cổ phần tại BSR.

“Cuộc chiến” nhà đầu tư chiến lược

Đã có nhiều nhà đầu tư bày tỏ mong muốn trở thành cổ đông chiến lược của BSR. Và “cuộc chiến” sở hữu 49% cổ phần này hứa hẹn cũng gay cấn không kém những gì đã diễn ra trong phiên IPO. Những “cá mập” trong ngành công nghiệp xăng dầu thế giới không giấu diếm tham vọng sở hữu nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam.

Tại buổi roadshow được BSR tổ chức hôm 05/01/2018 ở Hà Nội, ông Darrell Ec, đại diện Tập đoàn Vitol (Thụy Sỹ), đã bày tỏ thẳng thắn rằng rất mong muốn được hợp tác với BSR, cũng như được trở thành nhà đầu tư chiến lược của BSR khi công ty cổ phần hóa. “Việc trở thành nhà đầu tư chiến lược của BSR là cơ hội rất tốt để Vitol tham gia vào thị trường xăng dầu Việt Nam”, vị đại diện của tập đoàn giao dịch năng lượng và hàng hóa đa quốc gia do Henk Vietor thành lập vào năm 1966 không giấu diếm.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thanh Phượng, đại diện Tập đoàn SNT (Mỹ) cũng thể hiện: “Với hoạt động kinh doanh khả quan hiện nay và tiềm năng phát triển mạnh của BSR trong những năm tới, chúng tôi đánh giá đây là cơ hội đầu tư rất tốt và hi vọng trở thành đối tác chiến lược của BSR với khả năng sở hữu đến 49% cổ phần”.

Thậm chí, đại diện SNT còn nêu rõ lộ trình: “Nếu trở thành đối tác chiến lược của BSR mục tiêu của SNT như sau: Nâng cấp mở rộng nhà máy, mở rộng khu bồn chứa dầu thô, bồn chứa các sản phẩm lọc hóa dầu, xây dựng kho ngoại quan và bồn chứa để tham gia phương án cho thuê kho chứa về dầu phục vụ các đối tác tạm nhập tái xuất; bao tiêu các sản phẩm do BSR sản xuất”.

Nhưng “cuộc chiến” tỷ đô để trở thành cổ đông lớn nhất của BSR không chỉ có SNT và Vitol. Tập đoàn Macron Petroleum (châu Phi), Tập đoàn Năng lượng Repsol (Tây Ban Nha) cũng đã sẵn sàng tham chiến. Như chia sẻ, Repsol mong muốn không chỉ sở hữu cổ phần tại BSR mà còn tham gia sâu hơn vào công tác quản trị, điều hành, thương mại, mua bán dầu thô…của NMLD Dung Quất.

Thực lực có thể chưa bằng, nhưng với ưu thế am hiểu thị trường nội địa và hệ thống phân phối sẵn có, nhiều nhà đầu tư trong nước cũng sẵn sáng ngáng chân các “cá mập” quốc tế.

Petrolimex - với sự hậu thẫn của “gã khổng lồ” Nhật Bản X Nippon Oil & Energy – đã đánh tiếng sẽ ưu tiên tiêu thụ tối đa sản phẩm xăng dầu của NMLD Dung Quất.

Trước Petrolimex, Tín Thành Group – tập đoàn gây tò mò với việc thâu tóm ngân hàng lâu đời nhất nước nước Mỹ Oakwood State Bank – cũng đã đến thăm và làm việc tại NMLD Dung Quất, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trong quá trình cổ phần hóa BSR.

Tại buổi làm việc, Tín Thành cho biết sẽ xem xét mua cổ phần của BSR đến 5% (khoảng 2.000 tỷ đồng) trong năm 2017. Trong vòng 12 tháng sau khi IPO, Tín Thành đề xuất BSR trình Thủ tướng Chính phủ phương án trở thành cổ đông chiến lược và được mua đến 55% cổ phần của BSR.

Tất nhiên, những Vitol, SNT, Repsol, Macron, Petrolimex... sẽ là đối thủ. Nhưng nếu dàn xếp tốt, họ cũng có thể là cộng sự, bởi, trong BSR không bắt buộc nhà đầu tư chiến lược chỉ là một cái tên duy nhất.

Nhà đầu tư chiến lược cần có gì?

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1978/QĐ-TTg phê duyệt phương bán cổ phần hóa BSR ban hành ngày 08/12/2017, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho BSR phải tuân theo 7 tiêu chí.

Nhà đầu tư chiến lược đó phải có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật; Có ngành nghề hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí; Có năng lực tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 2 năm gần nhất đã kiểm toán tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần có lãi, không có lỗ lũy kế; Có vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính kiểm toán tại năm tài chính gần nhất so với thời điểm chào bán tối thiểu là từ 10.000 tỷ đồng trở lên; Có cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền khi đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược của doanh nghiệp cổ phần hóa trong việc tiếp tục duy trì ngành kinh doanh chính và thương hiệu của doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian ít nhất là 05 năm kể từ thời điểm chính thức trở thành nhà đầu tư chiến lược, không chuyển nhượng cổ phần được mua trong thời hạn 05 năm kể từ ngày công ty cổ phần được cấp GCN ĐKDN cổ phần lần đầu, cam kết tiếp tục thu xếp vốn theo tỷ lệ góp vốn để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của  doanh nghiệp sau cổ phần hóa, bao gồm Dự án Đầu tư nâng cấp mở rông NMLD Dung Quất; Ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược có kinh nghiệm vận hành nhà máy lọc dầu và/hoặc có tiềm lực về thị trường/có hệ thống phân phối xăng dầu để hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phẩn hóa;...

Quyết định không nêu cụ thể về giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Song nêu rõ, giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thực hiện theo quy định tại thời điểm thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.

Trường hợp thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược từ thời điểm Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần có hiệu lực thì thực hiện theo quy định tại Nghị định 126/2017/NĐ-CP.

Hậu IPO Lọc dầu Dung Quất: Bắt đầu “cuộc chiến” nhà đầu tư chiến lược ảnh 1Quy trình lựa chọn Nhà đầu tư chiến lược cho BSR.

Theo tiền lệ cổ phần hóa tại nhiều doanh nghiệp nhà nước trước đây, thì giá chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược thường được quy định không thấp hơn mức giá đấu thành công thấp nhất trong phiên IPO. Chẳng hạn như trong phiên IPO BSR vừa qua là 20.800 đồng/cổ phần.

Tuy nhiên, với việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược cho BSR lần này, thì “giá bán cho NĐTCL không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá công khai (IPO)”. Nội dung này được nêu rõ trong Thư mời tham gia quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược mà BSR đã gửi cho các đối tác tiềm năng vào ngày 10/01/2018.

Như vậy, giá khởi điểm để trở thành nhà đầu tư chiến lược của BSR sẽ là 23.043 đồng/cổ phần. Với mức giá này, dự kiến Nhà nước sẽ thu về tối thiếu thêm 35.000 tỷ đồng từ việc bán 49% cổ phần BSR cho nhà đầu tư chiến lược.

Cũng theo Thư mời, số lượng nhà đầu tư chiến lược được mua cổ phần tối đa không quá 03 nhà đầu tư (theo quy định tại Thông tư số 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011). Trong đó, “khối lượng sở hữu tối đa của NĐTCL nước ngoài = (49 - X)% Vốn điều lệ, trong đó X là số phần trăm Vốn điều lệ đã được bán thành công cho Nhà đầu tư nước ngoài thông qua IPO”.

Được biết, tại Quyết định số 1978/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chủ động tìm kiếm đối tác, tiến hành đàm phán với nhà đầu tư chiến lược trên cơ sở phương án cổ phần hóa được phê duyệt và các quy định có liên quan, gửi Bộ Công Thương xem xét, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả bán cổ phần theo quy định.

Theo phương án cổ phần hóa, BSR sẽ có vốn điều lệ 31.005 tỷ đồng. Lưu ý là mức vốn điều lệ này chưa bao gồm vốn đầu tư cho Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Trong đó, PVN nắm giữ 43%; cổ phần bán đấu giá công khai 7,79%; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 49%; phần nhỏ còn lại là cổ phần ưu đãi bán cho người lao động./.