CTCP Đầu tư Xây dựng Bưu điện (Mã CK: PTC) vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 (AGM 2022) với sự tham dự của 8 cổ đông, đại diện cho 15 triệu cổ phiếu, tương ứng với 87,79% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Chương trình nghị sự đại hội có 11 tờ trình, với một số nội dung đáng chú ý như: thay đổi tên và địa chỉ trụ sở, tăng vốn điều lệ.
AGM 2022 được tổ chức trong bối cảnh cơ cấu thượng tầng ở PTC có sự thay đổi căn bản, khi vợ chồng Chủ tịch HĐQT Phạm Thị Thu Hà vừa qua đã thoái hơn 13 triệu cổ phần, tương đương 70% vốn và cũng gần như toàn bộ cổ phần tại PTC, với lý do tài chính cá nhân. Doanh nghiệp này cũng đã hoàn tất bán 1,7 triệu cổ phiếu quỹ vào nửa đầu tháng 1/2022.
Sau các giao dịch trên, chủ sở hữu mới của PTC chưa lộ diện, song ở chuyển động đáng chú ý, các kế hoạch kinh doanh trong năm 2022 cho thấy PTC vẫn phát triển theo hướng một công ty đầu tư.
Thực tế, trong 3 năm qua, PTC đã dừng hoàn toàn hoạt động xây lắp, chuyển hẳn sang mô hình công ty đầu tư, đến nay đã thu hồi hết công nợ trong quá khứ; tạm ứng công trình, công nợ khó đòi đã trích lập dự phòng 100%. Ban lãnh đạo PTIC cũng đã tinh giảm bộ máy xuống còn 5 người, bổ sung nhân lực phù hợp với hoạt động mới của doanh nghiệp.
Quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ đã mang tới nhiều kết quả tích cực cho PTC. Giai đoạn 2019-2021, EPS của doanh nghiệp duy trì trên 3.500 đồng, với lãi sau thuế thực hiện luôn vượt xa kế hoạch.
Năm 2022, PTC đặt mục tiêu doanh thu đạt 127,5 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 96,5 tỉ đồng, trả cổ tức dự kiến từ 15 – 20%.
Tăng vốn, đẩy mạnh đầu tư tài chính
Báo cáo hoạt động của HĐQT PTC cho biết ban lãnh đạo doanh nghiệp nhìn thấy nhiều cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng phát triển tốt như điện gió, bất động sản đầu tư...Tuy nhiên vốn điều lệ thấp dẫn đến nguồn vốn hạn chế, giảm cơ hội cạnh tranh.
Trên cơ sở đó, HĐQT PTC sẽ trình AGM kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ từ 180 tỉ đồng lên 501 tỉ đồng, thông qua chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 80% và phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1 với giá 10.000 đồng/CP.
Nguồn vốn bổ sung dự kiến được sử dụng để mua thêm 36% cổ phần tại CTCP Điện gió Hướng Linh 8 nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 65%, một phần tiếp tục đầu tư tài chính có chọn lọc nhằm mang lại lợi ích cho cổ đông.
Điện gió là mảng đầu tư chủ lực của PTC. Trong năm ngoái, PTC đã hoàn tất nâng sở hữu tại CTCP Điện gió Hướng Linh 7 từ 20% lên 32,81%, và đầu tư 29% vào CTCP Điện gió Hướng Linh 8.
Trong đó, Hướng Linh 8 là chủ đầu tư dự án điện gió cùng tên tại Quảng Trị, với công suất 25MW, vốn đầu tư 888 tỉ đồng, được hưởng ưu đãi giá FIT toàn phần. Năm 2022, Hướng Linh 8 đặt kế hoạch doanh thu 172 tỉ đồng, lãi sau thuế 80 tỉ đồng. Về phần mình, Hướng Linh 7 là chủ dự án điện gió cùng tên cũng tại Quảng Trị, với công suất 30MW, vốn đầu tư dự kiến 1.012 tỉ đồng. Dự án đã COD một phần trước ngày 1/11/2021./.