Hàng chục bệnh nhi đến viện mỗi ngày
Bác sĩ khám cho trẻ mắc bệnh cúm tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn.
|
Tại Khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn đang có khoảng 200 trẻ điều trị bệnh cúm. Mỗi ngày, Khoa khám cho khoảng 50 – 60 trẻ, chủ yếu bị sốt cao 39 – 40 độ C và có các triệu chứng ho, nhức đầu, sổ mũi... Đặc biệt, nhiều trẻ dưới 2 tuổi bị viêm phế quản.
Theo bác sĩ Phạm Thị Như Hoa - Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, ô nhiễm không khí cùng với thời tiết thay đổi thất thường là nguyên nhân chính khiến cho virus cúm phát triển, trẻ mắc bệnh nhiều.
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng Khoa Nhi của Bệnh viện – cho biết chỉ trong vài ngày thời tiết biến đổi thất thường, các phòng khám tiếp đón từ 100 – 200 bệnh nhi/ngày. Đa số các bệnh nhi mắc bệnh cúm nhẹ, không có biến chứng nên chỉ cần khám, kê đơn thuốc, hướng dẫn điều trị tại nhà; bệnh nhi không phải nhập viện, tránh được nguy cơ nhiễm chéo hoặc bội nhiễm các bệnh khác.
Cảnh báo của bác sĩ
Trước tình trạng bệnh cúm vào mùa, thời tiết thuận lợi cùng với ô nhiễm môi trường khiến nhiều trẻ mắc bệnh hơn, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng trấn an các bậc phụ huynh và gia đình không nên quá lo lắng quá khi trẻ mắc bệnh. Bởi, bệnh cúm không gây nguy hiểm tới tính mạng, sẽ tự khỏi ở người khỏe mạnh sau 1-2 ngày.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về bệnh cúm ở trẻ nhỏ.
|
Nếu trẻ mắc cúm, bố mẹ nên bình tĩnh, đưa trẻ tới bệnh viện khám và tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để điều trị bệnh.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cũng khuyến cáo, bố mẹ tránh tự ý cho trẻ sử dụng các thuốc điều trị bệnh cúm, ví dụ Tamiflu, khi thấy con có triệu chứng hắt hơi, ho nhiều. Việc tự ý sử dụng thuốc không chỉ gây thiệt hại cho người sử dụng mà còn khiến cho vi khuẩn kháng thuốc, dẫn đến vô hiệu hóa thuốc điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, để chủ động phòng ngừa bệnh cúm cho trẻ, bố mẹ có thể đưa con đi tiêm vaccine phòng cúm hàng năm. Bên cạnh đó, bố mẹ cần giữ ấm, cho trẻ uống đủ nước khi thời tiết trở lạnh hoặc có diễn biến nhiệt độ thất thường.
Nếu trẻ đi học hoặc tới các môi trường tập trung đông người, bố mẹ cần lưu ý các phương án bảo hộ như đeo khẩu trang, sử dụng khăn quàng cổ, mũ để tránh lây bệnh. Nếu có biểu hiện sốt, cha mẹ phải lưu ý để cách ly trẻ, tránh để bệnh lây lan.
Bên cạnh đó, vì ô nhiễm không khí đang vượt ngưỡng, các bậc phụ huynh cần lưu ý hạn chế cho trẻ ra đường vào thời điểm ô nhiễm đỉnh điểm.
Chăm sóc tại nhà cho trẻ bị cúm như thế nào? Khi chăm sóc cho trẻ mắc cúm tại nhà, bố mẹ chú ý hạ sốt cho trẻ khi thân nhiệt trẻ cao hơn 38,5 độ C; sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol với liều 10-15 mg/kg cân nặng, uống thuốc nhắc lại từ 4-6 tiếng. Bố mẹ cũng có thể kết hợp các cách hạ sốt vật lý, ví dụ chườm nước ấm cho trẻ ở vùng trán, nách, bẹn. Bên cạnh đó, bố mẹ chú ý vệ sinh đường hô hấp cho trẻ ở đường mũi, mắt bằng dung dịch Natriclorid 0,9%; vệ sinh họng bằng cách súc miệng với nước muối pha loãng cho trẻ lớn. Người chăm sóc và trẻ cần thường xuyên rửa tay kỹ bằng xà phòng với nước sạch, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Để giúp trẻ nhanh chóng khỏi bệnh, bố mẹ lưu ý cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, ví dụ cháo, sữa, hoa quả. Nếu trẻ còn bú mẹ, cần tăng cường bú. Nếu trẻ sốt cao liên tục trên 39 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt, co giật, li bì, mệt mỏi, ăn kém, nôn trớ nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, chân tay lạnh, khó thở nhanh, cần đưa tới cơ sở y tế để được điều trị trong thời gian sớm nhất. (Theo Bệnh viện Nhi Trung ương) |