Hàng loạt "hổ lớn" ngã ngựa, Trung Quốc quyết chống tham nhũng

VietTimes -- Gần đây, Trung Quốc tiếp tục phát đi tín hiệu cứng rắn đối với tội phạm tham nhũng khi bắt giữ quan tham cấp ủy viên Quốc vụ viện Dương Tinh, đồng thời chuẩn bị cho ra đời cơ quan phòng chống tham nhũng mới.
Ông Dương Tinh, ủy viên Quốc vụ kiêm Tổng thư ký Quốc vụ viện Trung Quốc đã ngã ngựa. Ảnh: Takungpao.

Theo báo chí Trung Quốc ngày 24/2, ông Dương Tinh, ủy viên Quốc vụ kiêm tổng thư ký Quốc vụ viện đã bị lập hồ sơ điều tra do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”, điều này ám chỉ ông Dương Tinh đã có các hành vi tham nhũng.

Ông Dương Tinh năm nay 64 tuổi, là Bí thư Ban bí thư Trung ương khóa 18, nhưng ông không trúng cử đại biểu Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc – việc này đã lập tức đặt ra dấu hỏi lớn trong dư luận.

Tân Hoa xã Trung Quốc chỉ ra, vấn đề của ông Dương Tinh là vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, từ lâu “qua lại không chính đáng” với chủ doanh nghiệp và người ngoài xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho đối phương tận dụng vai trò ảnh hưởng từ chức vụ của mình để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tìm kiếm lợi ích lớn, để người thân nhận tiền của đối phương.

Trên cơ sở đó, ông Dương Tinh bị “lưu Đảng” xem xét 1 năm, bị giáng chức xuống ngang cấp Bộ trưởng. Quyết định này đã được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc xem xét phê chuẩn.

Theo tờ Caixin Trung Quốc ngày 26/2, đợt thanh tra đầu tiên của Trung ương khóa XIX đã khởi động toàn diện, nhiều quan chức cấp cao đã ngã ngựa sau Tết Nguyên Đán 2018 như nguyên chủ tịch tỉnh Phúc Kiến Tô Thụ Lâm, nguyên chủ nhiệm chính trị Bộ Tư pháp Lư Ân Quang, nguyên tổng giám đốc Tập đoàn bảo hiểm nhân dân Trung Quốc Vương Ngân Thành.

Ngoài ra, 15 tổ thanh tra Trung ương đợt đầu tiên khóa XIX đã sẵn sàng triển khai hành động, trong 3 tháng tới sẽ tiến hành thanh tra đối với 30 địa phương, đơn vị trong đó có các tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây, Liêu Ninh, Hắc Long Giang.

Ông Triệu Lạc Tế, bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương, Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành điều tra nghiên cứu ở tỉnh Sơn Tây. Ảnh: Takungpao.

Trước đó, ngày 19/1 Trung Quốc đã công bố Sách xanh chống tham nhũng, do Viện khoa học xã hội Trung Quốc đứng đầu biên soạn. Sách xanh này đã tiến hành đánh giá về tình hình công tác chống tham nhũng và xây dựng tác phong trong sạch ở Trung Quốc từ Đại hội XVIII đến nay, đồng thời đưa ra các kiến nghị, đối sách giải quyết những vấn đề hiện có.

Thời gian tới, Trung Quốc chủ trương tiếp tục duy trì trạng thái sức ép cao trong xây dựng tác phong và chống tham nhũng, đi sâu chống tham nhũng trên các lĩnh vực như các tổ chức xã hội, tài chính, xóa đói giảm nghèo; đi sâu cải cách thể chế giám sát quốc gia, gia tăng mức độ xét xử, tấn công đối với tham nhũng trong nội bộ doanh nghiệp tư nhân; đẩy mạnh chống tham nhũng ở cơ sở, nhất là tham nhũng vặt ở nông thôn; hoàn thiện các cơ chế có hiệu quả để kích thích tính tích cực của cán bộ; tập trung chống chủ nghĩa quan liêu và chủ nghĩa hình thức, tăng cường giáo dục tính Đảng cho cán bộ đảng viên.

Tại “Lưỡng hội” của các tỉnh, thành, khu tự trị tổ chức gần đây, ủy ban giám sát đã được thành lập toàn bộ ở 31 địa phương, do bí thư ủy ban kiểm tra kỷ luật kiêm chủ nhiệm ủy ban giám sát.

Tại “Lưỡng hội” toàn quốc tổ chức vào tháng 3/2018 sắp tới, Trung Quốc sẽ thành lập Ủy ban giám sát quốc gia để tiến hành giám sát đối với toàn bộ công chức nhà nước, thống nhất lãnh đạo công tác của ủy ban giám sát các cấp.

Kỳ họp mới của Quốc hội khóa 13 Trung Quốc sẽ khai mạc vào ngày 5/3/2018, sẽ xem xét thông qua Luật giám sát, thành lập Ủy ban giám sát quốc gia, công bố thành viên Ủy ban giám sát quốc gia, đưa nội dung liên quan đến thể chế giám sát quốc gia vào trong Hiến pháp.

Sách xanh chống tham nhũng 2017 của Trung Quốc vừa công bố vào tháng 1/2018. Ảnh: Sohu.

Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả chống quan tham chạy ra nước ngoài, nhất là truy tìm tang vật (tài sản tham nhũng), Trung Quốc sẽ không thừa nhận hai quốc tịch song song. Bất cứ người Trung Quốc nào trở thành công dân của nước khác thì phải từ bỏ hộ chiếu Trung Quốc.