Theo Sở Tài chính Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, thành phố cổ phần hóa 16 doanh nghiệp (DN) nhà nước, gồm 5 tổng công ty, 4 công ty mẹ và 7 công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND thành phố.
Những cái tên lớn phải cổ phần hóa đợt này là các Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị - UDIC, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội - Handico, Vận tải Hà Nội - Transerco, Thương mại Hà Nội - Hapro và Du lịch Hà Nội. Các công ty mẹ là Công ty TNHH MTV có: Chiếu sáng và Thiết bị đô thị, Nước sạch Hà Nội, Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội, Môi trường đô thị Hà Nội.
Đáng lưu ý, trong số 16 DN cổ phần hóa, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội có số vốn chủ sở hữu lớn nhất, khoảng 4.000 tỷ đồng, tính đến thời điểm cuối năm 2015. Trong khi đó, UDIC cũng có số vốn chủ sở hữu khoảng 2.718 tỷ đồng, Tổng công ty Handico có hơn 2.000 tỷ đồng, Tổng công ty Hapro có 1.372 tỷ đồng…
Vì vậy, ngoài nguyên tắc nhà nước chỉ nắm giữ cổ phần chi phối tại lĩnh vực cần thiết, huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng sức cạnh tranh… thì nguyên tắc công khai, minh bạch tình hình tài chính, tỷ lệ cổ phần để tạo niềm tin cho nhà đầu tư cũng rất quan trọng.
Ngoài DN cổ phần hóa, cũng trong giai đoạn này thành phố có kế hoạch thoái vốn tại 96 DN, với giá trị vốn theo sổ sách là 3.583 tỷ đồng. Trong đó, Dệt 19/5, Giầy Thượng Đình, Giày Thụy Khuê, Xích líp Đông Anh, Kim khí Thăng Long, Hanel... là những doanh nghiệp có thương hiệu nằm trong kế hoạch thoái vốn Nhà nước của UBND thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2020.
Trước đó, giai đoạn 2011-2015, UBND TP Hà Nội đã hoàn thành thoái vốn nhà nước tại 51 DN, tổng giá trị thực hiện theo sổ sách là 780 tỷ đồng nhưng giá trị thực tế bán được lên tới 1.654 tỷ đồng, chênh lệch tăng thêm gấp đôi. Không có DN thoái vốn dưới mệnh giá, kết quả thu được có thặng dư.