|
Cấp cứu bệnh nhân COVID-19 ở thành phố Daegu (Ảnh: DPA) |
Theo thông báo của cơ quan y tế Trung Quốc, trong ngày 19/2, số trường hợp mắc COVID-19 mới được xác nhận tại tỉnh Hồ Bắc là 349 ca, giảm đáng kể so với 1.693 trường hợp vào ngày hôm trước (tuy nhiên đây là con số đã được loại bỏ các trường hợp xác định qua chẩn đoán lâm sàng); có 108 trường hợp tử vong mới ở tỉnh này trong ngày, giảm nhẹ so với 132 người của ngày hôm trước.
Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc thông báo rằng 394 trường hợp mới được chẩn đoán và 114 người chết trong ngày 19/2. Cho đến nay, có 74.500 trường hợp được xác nhận bị COVID-19 và 2.118 trường hợp tử vong trên toàn quốc.
Mặc dù điều này có thể là tín hiệu tốt cho việc làm dịu dịch bệnh, nhưng các chuyên gia bên ngoài Trung Quốc đều cho rằng không thể xem nhẹ tình hình dịch bệnh.
|
Nhân viên phòng dịch phun thuốc khử trùng bên ngoài nhà thờ của giáo phái “Shincheonji” ở Daegu, phía sau là ap-phich quảng cáo cho cuộc cầu nguyện của giáo phái (Ảnh: Reuters)
|
Nguy cơ ập đến từ một phụ nữ 61 tuổi
Trong khi đó, Hàn Quốc đã có thêm 20 ca mắc bệnh mới trong ngày 19 và 31 trường hợp trong ngày 20/2, với tổng số 82 trường hợp bị mắc COVID-19 đã được xác nhận trên toàn quốc. Ít nhất 38 người trong số 82 bệnh nhân này có liên quan đến một phụ nữ 61 tuổi ở thành phố Daegu, người là thành viên của giáo phái mang tên “Shincheonji” (Tân Thiên Địa) bị nghi là đã lây nhiễm chéo khi tụ tập cầu nguyện cùng nhau.
Một bộ phận bệnh nhân được xác nhận không có tiền sử đi du lịch đây đó và không hề tiếp xúc với các bệnh nhân COVID-19 đã biết. Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Park Neung-hoo cho biết trong một báo cáo trước Quốc hội đã nói rằng các cơ quan chính phủ đã bắt đầu chuẩn bị cho khả năng COVID-19 lây truyền trong cộng đồng. Người phụ nữ, tín đồ của giáo phái “Shincheonji” này ngày 7/2 đã xuất hiện triệu chứng sốt cao, nhưng bà ta từ chối cách ly và hai lần tham gia các cuộc cầu nguyện tập trung cùng khoảng 500 người khác trong một căn phòng ở Daegu mà không đeo khẩu trang. Theo báo chí mô tả lại, những người này quỳ trên mặt đất với khoảng cách chỉ 20-30cm để cầu nguyện, thỉnh thoảng lại kêu lên “Amen!”. Sau buổi cầu nguyện, họ còn tụ tập ăn chung cùng nhau. Báo chí địa phương cảnh báo, đây là cái nôi để nCoV lây lan.
|
Nhà thờ của giáo phái “Shincheonji” tại Daegu đã trở thành ổ dịch COVID-19 ở Hàn Quốc (Ảnh: Reuters)
|
Thành phố Daegu chỉ sau một đêm đã trở thành rốn dịch COVID-19. Hiện nay giáo phái “Shincheonji” tuy đã ngừng hoạt động cầu nguyện, nhưng tình hình đã trở nên báo động. Có bệnh viện trong thành phố đã đóng cửa phòng cấp cứu, phong tỏa tất cả các cửa ra vào, hạn chế người lui tới, tất cả người đến bệnh viện đều phải đo thân nhiệt. Không khí căng thẳng lan truyền khắp thành phố. Có nhà hàng gần bệnh viện dán thông báo bằng chữ Trung Quốc nội dung “không chào đón khách hàng người Trung Quốc”. Chính quyền thành phố cũng đang thảo luận việc có nên tuyên bố đóng cửa các trường học để ngăn chặn nCoV phát tán.
Iran vào thứ Tư (19/2) đã thông báo hai trường hợp COVID-19 đầu tiên được phát hiện. Trong vòng vài giờ sau đó, cả hai bệnh nhân được tuyên bố là đã chết, những cái chết đầu tiên vì COVID-19 ở Trung Đông.
|
Du thuyền 5 sao Diamond Princess quốc tịch Anh mang lại tai họa cho Nhật Bản (Ảnh: AP)
|
Ai chịu trách nhiệm về dịch COVID-19 trên tàu Diamond Princess?
Mặc dù thời gian cách ly của những người trên tàu Diamond Princess đã kết thúc và đợt 500 hành khách đầu tiên không bị chẩn đoán mắc COVID-19 và không có triệu chứng bị bệnh được phép rời khỏi tàu, đồng thời; nhưng cùng lúc chính phủ Nhật Bản đã thông báo có thêm 79 trường hợp được xác nhận bị bệnh mới được phát hiện trên tàu và đưa toàn bộ số người bị lây nhiễm COVID-19 trên tàu Diamond Princess tăng lên tới 620 người. Tốc độ bùng phát và lan rộng dịch bệnh trên tàu Diamond Princess đã khiến khả năng phòng chống dịch bệnh của Nhật Bản bị chỉ trích và đe dọa việc tiến hành Đại hội Olympic Tokyo sắp tới.
Giáo sư Kentaro Iwata, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kobe, Nhật Bản, đã đăng một video lên Youtube vào thứ ba (19/2), nói ấn tượng đầu tiên của ông khi lên tàu Diamond Princess là “thực sự quá khủng khiếp”. Ông nói rõ, là một chuyên gia đã từng đối phó với nhiều bệnh truyền nhiễm như virus Ebola châu Phi và SARS ở Trung Quốc, luôn tự tin rằng mình đã không bị nhiễm virus trong 20 năm qua và cũng biết cách làm cho mọi người không bị lây nhiễm bệnh. Nhưng khi lên tàu Diamond Princess, những lỗ hổng lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh trên tàu khiến ông thực sự cảm thấy sợ hãi: “Tình hình trên tàu Diamond Princess thật bi thảm. Tôi sợ hãi từ tận đáy lòng. Tôi cảm thấy mình bó tay không thể làm gì được, chắc tôi bị nhiễm COVID-19 mất!”.
|
Giáo sư Kentaro Iwata nói về tình cảnh trên tàu Diamond Princess và nguy cơ dịch bệnh đối với nước Nhật (Ảnh CNA)
|
Ông đã đưa ra ví dụ, một điều rất cơ bản nhưng quan trọng trong công tác phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm là phải tách biệt các khu vực có khả năng có virus (khu vực màu đỏ) và khu vực an toàn không có virus (khu vực màu xanh lá cây). Khi đi vào khu vực màu đỏ thì phải mặc quần áo phòng hộ trong khu vực, nhưng vào khu vực màu xanh lá cây thì không. Thế nhưng, trên tàu Diamond Princess, các khu vực màu đỏ và màu xanh lá cây gần như bị trộn lẫn vào nhau, các tiếp viên khi đeo mặt nạ khi không, quần áo phòng hộ cũng khi mặc khi không. Bệnh nhân bị sốt cũng có thể tự đi đến phòng y tế.
Giáo sư Kentaro Iwata, lo lắng mình bị lây bệnh, hiện ông đang trải qua tự cách ly tại nhà. Sau khi đoạn video được công khai trên Internet, nó đã đạt được 500.000 lượt xem chỉ sau nửa ngày.
Ông Kentaro Iwata đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg trước khi xóa video rằng Nhật Bản hiện đang ở vào giai đoạn then chốt trong việc đối phó với dịch bệnh và cần ngăn chặn việc xuất hiện “Vũ Hán thứ hai”.
|
Hành khách rời khỏi tàu Diamond Princess sau khi kết thúc 14 ngày cách ly nhưng nguy cơ vẫn còn đó với Nhật Bản (Ảnh:DPA/AP)
|
Sau khi vấn đề bùng nổ, các quan chức chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng bác bỏ, nói rằng muốn cấu trúc không gian trên con tàu giống như một bệnh viện với các khu vực tách biệt rõ ràng là rất hạn chế. Ngay khi chịu trách nhiệm đưa các bệnh nhân được xác nhận bị bệnh ra khỏi tàu, cũng phải mất rất nhiều nỗ lực để ngăn những người khác xuất hiện cùng lúc trong hành lang.
Theo tin của Đài NHK, Bộ trưởng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, kể từ ngày 5/2, đã yêu cầu nghiêm ngặt các thành viên thủy thủ đoàn đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và khử trùng bằng cồn để tránh lây nhiễm. Nếu một thành viên thủy thủ đoàn đi khám, các thành viên ở cùng phòng cũng phải ở lại chờ trong phòng; Nhật Bản đã cố gắng hết sức để ngăn chặn sự lây lan rộng của dịch bệnh.
Tờ Nihon Keizai Shimbun đã đăng bài “Nhật Bản không có nghĩa vụ phải ứng phó với tàu du lịch Diamond Princess”. Nội dung đề cập rằng tàu Diamond Princess mang quốc tịch Anh và nCoV được cho là đã xuất hiện và lây lan trong hành trình của nó. Đối với con tàu trên vùng biển quốc tế này, theo luật pháp quốc tế Nhật Bản không có quyền hạn hoặc nghĩa vụ thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của nCoV. Nghĩa vụ thuộc về Vương quốc Anh nơi con tàu mang quốc tịch.