Hàn Quốc mua UAV, thả đá ngầm, cho phép nổ súng nếu buộc phải đối phó tàu cá Trung Quốc

VietTimes -- Một dự luật sửa đổi cho phép nổ súng đang được thảo luận, thiết bị bố trí ở đá ngầm sẽ xé rách lưới đánh cá của tàu cá Trung Quốc, UAV sẽ truyền tin nhanh chóng để Cảnh sát biển Hàn Quốc tấn công...
Tàu cảnh sát biển Hàn Quốc. Ảnh: guancha
Tàu cảnh sát biển Hàn Quốc. Ảnh: guancha

Tờ Người quan sát Trung Quốc ngày 21/12 đăng bài viết của tác giả Liêu Chí Hồng cho rằng Hàn Quốc có kế hoạch áp dụng biện pháp ngày càng nghiêm ngặt để "tấn công" các tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển chủ quyền do Hàn Quốc quản lý.

Trong đó, cơ quan an biển Hàn Quốc sẽ cấp 47,5 tỷ won (khoảng 270 triệu nhân dân tệ) để mua sắm máy bay không người lái cỡ vừa và cỡ lớn, thành phố Incheon Hàn Quốc sẽ đầu tư 7 tỷ won (khoảng 40 triệu nhân dân tệ) để bố trí thêm cho rạn san hô nhân tạo.

Vào thứ Bảy vừa qua, nghị sĩ đảng cầm quyền Saenuri Hàn Quốc còn đệ trình một dự luật muốn dành "quyền nổ súng miễn trừ trách nhiệm" cho cảnh sát biển Hàn Quốc.

Cảnh sát biển có thể nổ súng

 
Theo tờ The Korea Herald Hàn Quốc ngày 17/12, căn cứ vào dự luật được đệ trình vào thứ Bảy của nghị sĩ đảng Saenuri, khi tấn công hành vi đánh bắt cá phi pháp, Lực lượng bảo vệ bờ biển (Cảnh sát biển) Hàn Quốc chỉ cần sử dụng vũ lực trong phạm vi quy định của pháp luật thì có thể nhanh chóng nổ súng mà không phải chịu trách nhiệm.

Căn cứ vào luật sửa đổi do đảng Saenuri đệ trình, nếu một chiếc tàu 3 lần không tuân thủ mệnh lệnh phải chấm dứt (đánh bắt) hoặc rút khỏi khu vực này, Lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc sẽ được phép nổ súng.

Cảnh sát biển Hàn Quốc tiến hành huấn luyện bắn. Ảnh: Guancha
Cảnh sát biển Hàn Quốc tiến hành huấn luyện bắn. Ảnh: Guancha

Khi tàu bị tình nghi đánh bắt cá phi pháp hoặc có các hành vi vi phạm quy định khác, hoặc thuyền viên của tàu sử dụng bạo lực để chống đối công tác kiểm tra, sẽ cho phép Cảnh sát biển Hàn Quốc lập tức sử dụng vũ lực.

Theo tờ The Korea Herald, vào tháng 10/2016, khi tàu cá Trung Quốc đánh bắt cá phi pháp ở vùng biển Hàn Quốc, sau khi một chiếc tàu tuần tra bị chìm thì Lực lượng bảo vệ bờ biển Hàn Quốc mới nổ súng. Việc sửa đổi lần này rõ ràng là để tạo cơ sở pháp lý cho Cảnh sát biển Hàn Quốc được phép sử dụng vũ lực khi tiến hành thực thi pháp luật.

Phó Chủ tịch đảng Saenuri cho rằng nếu luật này được ban hành thì bất cứ thiệt hại nào mà Cảnh sát biển Hàn Quốc dùng vũ lực đối phó với tàu hoặc thuyền viên (Trung Quốc) sẽ được miễn trách nhiệm pháp lý.

Ông cho hay: "Lực lượng bảo vệ bờ biển có thể sử dụng vũ lực căn cứ vào pháp luật hiện hành, nhưng do vấn đề pháp lý, họ thường không sẵn sàng làm như vậy.

Việc sửa đổi sẽ có lợi cho tăng cường chủ quyền trên biển của Hàn Quốc, cho phép Lực lượng bảo vệ bờ biển đưa ra phản ứng mạnh mẽ hơn đối với những người xâm phạm lãnh hải của Hàn Quốc".

Trung Quốc muốn Hàn Quốc kiềm chế

Theo hãng tin Yonhap Hàn Quốc, ngày 1/11/2016, Cảnh sát biển Hàn Quốc bắt giữ 2 tàu cá Trung Quốc đánh bắt phi pháp ở vùng biển Incheon, đã sử dụng súng máy M60 để bắn.

Trong quá trình này không xảy ra thương vong cho người và không gây thiệt hại cho tàu. Đây là lần đầu tiên Cảnh sát biển Hàn Quốc sử dụng vũ khí như vậy đối với tàu cá Trung Quốc.

Ngày 2/11/2016, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oanshh đã bày tỏ "vô cùng bất mãn" đối với hành động này của Hàn Quốc, yêu cầu Hàn Quốc phải "kiềm chế, chuẩn hóa hành vi thực thi pháp luật, không áp dụng các biện pháp quá khích gây thiệt hại cho an toàn của người Trung Quốc, thiết thực bảo đảm an toàn và quyền lợi hợp pháp của người Trung Quốc".

Đá ngầm nhân tạo do Hàn Quốc bố trí. Ảnh: Guancha/Yonhap
Đá ngầm nhân tạo do Hàn Quốc bố trí. Ảnh: Guancha/Yonhap

Mua UAV để tấn công tàu cá Trung Quốc

Theo tờ The Herald Business Hàn Quốc ngày 20/12, cơ quan an ninh biển Hàn Quốc cùng ngày tuyên bố sẽ cấp 47,5 tỷ won mua sắm máy bay không người lái (UAV) để ứng phó tàu cá Trung Quốc.

Cảnh sát biển Hàn Quốc cho biết ngày 1/12/2016 đã thành lập tổ công tác mua sắm UAV để tiến hành các công việc điều tra nghiên cứu có liên quan.

Cảnh sát biển Hàn Quốc đã có vài máy bay không người lái cỡ nhỏ, nhưng thường không thể sử dụng do yếu tố thời tiết. Vì vậy Cảnh sát biển Hàn Quốc có kế hoạch mua máy bay không người lái cỡ vừa và lớn không bị ảnh hưởng bởi điều kiện khí tượng, đồng thời bắt đầu từ năm 2017 sẽ đưa vào sử dụng ở vùng đặc quyền kinh tế của Hàn Quốc.

Những máy bay không người lái này cũng sẽ trang bị máy quay hồng ngoại, máy nhận dạng tàu cá, chuyên dùng để tấn công các tàu cá đánh bắt phi pháp.

Tờ The Herald Business dẫn lời một nguồn tin từ Cảnh sát biển Hàn Quốc tiết lộ, đang nghiên cứu phương án thực thi pháp luật của máy bay không người lái, Cảnh sát biển Hàn Quốc sẽ nhanh chóng điều động lực lượng thực thi pháp luật sau khi máy bay không người lái nắm được hành tung của tàu cá đánh bắt phi pháp.

Bố trí thêm rạn san hô nhân tạo

Ngoài tấn công trên không, Hàn Quốc sẽ còn bố trí thêm rạn san hô nhân tạo ở đáy biển để cắt đứt lưới đánh cá của tàu cá Trung Quốc.

Theo báo chí Hàn Quốc, để ngăn chặn đi vào "giới tuyến phía bắc" (NLL) ở vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên và ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá phi pháp thường xuyên của tàu cá Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ bố trí thêm rạn san hô nhân tạo (đá ngầm) ở đáy biển.

Ngày 8/10/2014, các tàu cảnh sát biển Hàn Quốc tiến hành bao vây một chiếc tàu cá Trung Quốc. Ảnh: Guancha
Ngày 8/10/2014, các tàu cảnh sát biển Hàn Quốc tiến hành bao vây một chiếc tàu cá Trung Quốc. Ảnh: Guancha

Theo tờ Dong-a Ilbo, Hàn Quốc ngày 19/12, sau khi thành phố Incheon Hàn Quốc đầu tư 10 tỷ won (kế tiếp đảo Yeonpyeong và đảo Taechong), vào năm tới sẽ tiếp tục đầu tư thêm 7 tỷ won.

Cùng với việc rạn san hô nhân tạo cung cấp môi trường cư trú cho loài cá, trên rạn san hô nhân tạo sẽ bố trí "móc" có chức năng xé rách lưới đánh cá của tàu cá Trung Quốc.

Tính tới các nhân tố như độ sâu và tác chiến của Quân đội Hàn Quốc, thành phố Incheon có kế hoạch cố định rạn san hô bằng tổ hợp đá ở đáy biển dài 13,2 m, rộng 8,2 m (trọng lượng 53,5 tấn). Ngoài ra còn quyết định thả xuống đá ngầm dài 10 m, rộng 5 m (trọng lượng 16,7 tấn).

Lãnh đạo thành phố Incheon cho biết "chi phí cho mỗi rạn san hô nhân tạo (đá ngầm) bố trí ở vùng biển NLL là 100 triệu won, lớn và nặng hơn đá san hô thông thường", đồng thời cho hay "một khi bố trí rạn san hô nhân tạo ở vùng biển mà tàu cá Trung Quốc thường xuyên đánh bắt cá phi pháp, sẽ có lợi cho giảm tổn thất đối với ngư dân Hàn Quốc, bảo vệ nguồn thủy sản của Hàn Quốc".

Tiếp tục mạnh tay với tàu cá Trung Quốc

Theo hãng tin Newsis Hàn Quốc ngày 20/12, cơ quan an ninh biển thuộc đảo Jeju Hàn Quốc cùng ngày cho biết 2 tàu cá lớp 180 tấn của Đại Liên, Trung Quốc đã bị bắt giữ do tình nghi báo cáo sai về lượng đánh bắt cá.

2 tàu cá Trung Quốc chiều ngày 19/12 lần lượt đánh bắt 10,5 kg và 13,2 kg cá ở vùng biển cách Marado 56 km về phía tây nam, nhưng số lượng ghi trong sổ lại là 8.900 kg và 11.000 kg, vi phạm quy định của Hàn Quốc.

Hiện nay, Cảnh sát biển Hàn Quốc đang tiến hành điều tra đối với các thuyền trưởng tàu cá liên quan đến vụ này.