|
UAV vận chuyển hàng hóa. Ảnh minh họa DroneDJ. |
Trang Korea Herald đưa tin, thông báo báo chí của Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc cho biết: dự án mạng lưới hạ tầng hậu cần thông minh nhằm mục đích đạt được khả năng giao hàng nhanh chóng trong các thành phố lớn bằng robot vào năm 2026 và bằng máy bay không người lái (UAV) vào năm 2027. Tại thời điểm xuất bản bài báo này, thông cáo báo chí trích dẫn vẫn chưa có trên trang web tiếng Anh của Bộ, mô tả kế hoạch thiết kế một mạng lưới hậu cần tốc độ cao trên cơ sở các trung tâm thực hiện dịch vụ vi mô (MFC) ở các địa điểm quan trọng.
|
Chính quyền thành phố Seoul công bố bản đồ họa một trung tâm hậu cần vi mô tại một trạm xăng ở Nam Seoul. Ảnh Korea Bizwire. |
Các cơ sở này sẽ được trang bị những ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI), sử dụng các luồng dữ liệu dự đoán sự tăng giảm của nhu cầu đặt hàng, chủ động tổ chức điều phối vận chuyển hàng hóa nhanh chóng và tự động quản lý lượng hàng tồn kho.
Trọng tâm của dự án là thiết lập một cơ quan tư vấn công-tư, tạm thời được gọi là Hội đồng Phát triển Hậu cần Thông minh. Cơ quan này sẽ tập hợp các công ty, có những hoạt động kinh doanh liên quan như hậu cần, hệ thống vận tải, công nghệ thông tin và các nhà kinh doanh bán lẻ. Thông tin chi tiết và kiến thức chuyên môn của đại diện các ngành nghề tham gia cung cấp sẽ định hình phương án cấu trúc mạng lưới MFC được trang bị AI và tài nguyên dữ liệu lớn, cho phép xử lý và vận chuyển đơn hàng gần như ngay lập tức bằng phương tiện không người lái (robot) hoặc UAV ở các thành phố Hàn Quốc.
Mục tiêu đặt ra là giảm thời gian khách hàng đợi nhận đơn hàng xuống còn khoảng 30 đến 60 phút đồng thời thúc đẩy thương mại điện tử ở quốc gia này
Thông cáo báo chí cho biết: “Cơ quan nhà nước sẽ hỗ trợ phát triển các công nghệ để thương mại hóa việc giao hàng (không có người lái) và tạo ra một khu vực thử nghiệm dành riêng cho việc thực hành giao hàng bằng robot và UAV.”
Để khuyến khích sự phát triển nhanh chóng của hệ thống, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch tăng tốc độ phê duyệt cho những công ty tư nhân, có kế hoạch thành lập các MFC tại những địa điểm chiến lược, đồng bộ hóa hoạt động nhằm cắt giảm thời gian vận chuyển tới các điểm đến cuối cùng. Kế hoạch thực hiện cũng đưa vào biện pháp giảm thuế cho những doanh nghiệp tham gia dự án, chính phủ Hàn Quốc sẽ đưa ra những quy chuẩn pháp lý, được phát triển nhằm tạo ra khung an toàn cho hoạt động giao hàng bằng robot và UAV khi các dịch vụ tự động hóa ngày càng phát triển và tinh vi hơn.
Trong quá trình phát triển, mạng lưới chuyển giao hàng hóa sẽ từng bước tích hợp các nhà ga hàng hóa hiện có ở các thành phố, sân bay và trung tâm giao thông, đồng thời hiện đại hóa những nhà ga hàng hóa đó bằng công nghệ AI, cho phép xử lý và gửi đơn hàng về cho khách hàng tự động siêu nhanh. Các thành phố có tàu điện ngầm của Hàn Quốc dự kiến cũng sẽ thực hiện các bước để cho phép hệ thống tàu điện ngầm trở thành một phần của hệ thống hậu cần thông minh rộng lớn hơn, liên kết chặng cuối sẽ được đảm bảo bằng các phương tiện giao hàng robot và UAV.
Trong tầm nhìn tương lai, các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc cũng đưa hoạt động vận chuyển hàng hóa quốc tế vào chương trình phát triển mở rộng.
Kế hoạch dựa trên nền tảng Dữ liệu lớn, yêu cầu kết hợp thông tin hàng hóa, hiện trải rộng trên một số loại hệ thống hậu cần vào một hoạt động phân phối duy nhất. Mục đích đặt ra là cho phép tất cả các công ty, đang thực hiện các hoạt động vận tải, hậu cần và giao hàng chặng cuối, nắm vững được những thông tin về khối lượng vận chuyển hàng hóa trong nước và quốc tế, phân luồng vận chuyển và sự biến động đầu vào, lưu trữ và tồn đọng trong kho.
Lộ trình hoạt động của Hội đồng Phát triển Hậu cần Thông minh dự kiến sẽ bắt đầu trong giai đoạn nửa đầu năm 2023, các khu vực thử nghiệm giao hàng bằng robot và UAV dự kiến sẽ được chỉ định vào cuối năm 2023.
Theo DroneDJ