|
Tình trạng khô cạn tới đáy của sông Gia Lăng, một nhánh của sông Dương Tử, ở Trùng Khánh ngày 21/8 (Ảnh: Shutterstock) |
Những đợt hạn hán nghiêm trọng xảy ra trên khắp Bán cầu Bắc – trải dài từ các trang trại ở California cho tới các tuyến hàng hải ở châu Âu và Trung Quốc – đang khiến cho các chuỗi cung ứng chịu sức ép lớn hơn, làm tăng giá thực phẩm và năng lượng, tác động tiêu cực tới hệ thống thương mại toàn cầu vốn đã chịu sức ép.
Nhiều phần của Trung Quốc đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhất kể từ năm 1961, theo Trung tâm Khí tượng Quốc gia nước này, dẫn tới nhiều cơ sở sản xuất phải đóng cửa do thiếu thủy điện.
Đợt hạn hán đang hoành hành Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp và Italy cũng có thể trở thành đợt nghiêm trọng nhất trong vòng 500 năm, theo Andrea Toreti, một nhà khoa học khí tượng làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chung của Ủy ban châu Âu.
Ở phía Tây nước Mỹ, một đợt hạn hán bắt đầu từ 2 thập kỷ trước giờ bắt đầu trở thành đợt tồi tệ nhất trong 1.200 năm, theo một nghiên cứu được thực hiện bởi ĐH California, Los Angeles.
Các nhà nghiên cứu so sánh các đợt hạn hán bằng cách đo lường mức độ tăng trưởng thường niên của vân gỗ, thứ phản ánh các đợt khô hạn và nhiệt độ theo năm ở các khu vực cụ thể. Các nhà khoa học khí hậu nói rằng đợt hạn hán năm nay một phần là do hiện tượng La Nina, khiến cho nhiều phần của châu Âu, Mỹ và châu Á có ít mưa hơn. Mỹ cho hay, số lượng đợt hạn hán trên toàn thế giới đã tăng 29% kể từ năm 2000 do suy thoái đất đai và biến đổi khí hậu.
Đối với một số nền kinh tế lớn nhất thế giới, các đợt hạn hán trong mùa Hè năm nay đã gây tổn hại tới nhiều ngành công nghiệp của họ, bao gồm sản xuất điện năng, nông nghiệp, chế tạo và du lịch. Điều này càng làm gia tăng sự căng thẳng vốn có do sự gián đoạn trong các chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19, sức ép đối với giá thực phẩm và năng lượng do cuộc chiến ở Ukraine.
|
Một khu vực bị hạn hán nặng ở Mecca, California (Ảnh: Getty) |
Ở Mỹ, các chuyên gia dự báo ngành nông nghiệp cho rằng các hộ nông dân sẽ mất hơn 40% sản lượng vụ bông, trong khi sản lượng dầu ô liu ở Tây Ban Nha dự kiến sẽ giảm tới 1/3 do nắng nóng và khô hạn.
Ở châu Âu, nhiều con sông như Rhine và Po vốn được coi là huyết mạch thương mại có mực nước xuống thấp kỷ lục, buộc nhiều hãng sản xuất phải cắt giảm các chuyến hàng. Mực nước giảm trên các con sông cũng làm ảnh hưởng tới công suất thủy điện trên khắp lục địa này, tác động tới một nguồn năng lượng thay thế cho khí đốt, vốn đang thiếu hụt do Nga giảm nguồn cung.
|
Lượng mưa bất thường được ghi nhận trong tháng 7/2022 (Ảnh: Columbia Climate School) |
Nắng nóng buộc Pháp phải giảm công suất một số lò phản ứng hạt nhân bởi nước sông để làm mát chúng giờ quá nóng. Và Đức, nước tiêu thụ khí đốt của Nga nhiều nhất, có kế hoạch đốt thêm than đá thay vì sử dụng khí đốt để sản xuất điện, nhưng mực nước thấp trên sông Rhine lại đang làm chậm các chuyến hàng.
Lượng tuyết rơi nghèo nàn ở đầu nguồn con sông trên núi Alps của Thụy Sĩ cùng với lượng mưa giảm đã khiến lượng nước đổ tới châu thổ sông Rhine ở Hà Lan bị giảm. Điều này khiến nước biển thấm vào hệ thống đập của nước này, làm chậm tuyến giao thông trên các con sông và còn tràn vào các hồ dự trữ nước được sử dụng để uống và phục vụ nông nghiệp. Hạn hán cũng làm khô và suy yếu nhiều con đập bằng đất bảo vệ nhiều khu vực trũng của Hà Lan.
“Mọi thứ đang gây tổn hại tới nước Đức hơn bất kỳ đâu khác, đó là đề tài chung,” Andrew Kenningham, trưởng kinh tế gia về châu Âu tại hãng Capital Economics ở London, nói.
Ở Mỹ, lượng tuyết trên dãy núi Sierra Nevada của California giảm cũng làm giảm mạnh nguồn cung nước cho khu vực, vốn là nơi có ngành nông nghiệp phát triển nhất cả nước.Giới chức của khu vực Westlands Water ở Central Valley, vùng nông nghiệp quan trọng nhất của bang, cho hay gần 1/3 trong tổng số 600.000 mẫu Anh đất trồng trọt đang bị bỏ trống trong năm nay do thiếu nước.
Sông Colorado có mực nước giảm nhiều đến mức Cục Khai hoang Mỹ vào ngày 16/8 phải tuyên bố về đợt khô cạn trong năm thứ hai liên tiếp, và bắt buộc phải cắt giảm lượng nước sử dụng đối với các bang Arizona, Nevada và Mexico.
|
Hồ Mendocino, bang California trong đợt hạn hán khiến lượng nước cung cấp cho các nông trại và thành phố bị giảm (Ảnh: Bloomberg) |
Tại hạt Yuma, bang Arizona – nơi sản xuất lượng lớn rau diếp và nhiều loại rau khác – các hộ nông dân có thể mất tới 10% trong tổng số doanh thu 3,4 tỉ USD mỗi năm, Wade Noble, quan chức chịu trách nhiệm 4 khu vực tưới tiêu tại đây, cho hay.
“Khu vực này sẽ có ít thu nhập hơn,” ông Noble nói. “Có ít hoạt động mua và bán hơn.”
Ở khu vực trung tâm và Tây Nam Trung Quốc, chính quyền tuyên bố một đợt hạn hán xảy ra ở 6 khu vực hành chính cấp tỉnh, mà tất cả các khu vực này gộp lại đã đóng góp tới 1/4 tổng sản lượng hạt ngũ cốc của Trung Quốc trong năm ngoái.
Tỉnh Tứ Xuyên được cho là chịu ảnh hưởng nặng nhất do lượng mưa thấp, bởi tỉnh này chủ yếu sử dụng thủy điện trong sản xuất. Nhiệt độ tăng cao cũng làm tăng nhu cầu sử dụng điều hòa nhiệt độ, có rủi ro gây quá tải cho mạng lưới điện.
Chủ nhật vừa qua, chính quyền địa phương đã phải kích hoạt phản ứng khẩn cấp mức độ cao nhất do thiếu điện, gia hạn chỉ thị mà họ đưa ra cách đó một tuần, yêu cầu các nhà máy đóng cửa hoặc giảm năng suất để “tiết kiệm điện cho người dân” cho đến thứ Năm tuần sau, thời điểm mà nhiệt độ dự kiến sẽ giảm xuống một lần nữa.
Những biện pháp này, mặc khá hạn chế, đã ảnh hưởng tới một số lượng các nhà sản xuất toàn cầu như Apple Inc, hãng sản xuất thiết bị Foxconn Technology Co. Ltd., Volkswagen AG và Toyota Motor Group, ngoài ra còn có các nhà sản xuất muối lithium, phân bón và thiết bị quang điện ở Tứ Xuyên. Tesla Inc. đã yêu cầu chính quyền Thượng Hải giúp đảm bảo rằng các bên cung ứng của họ tại đây có đủ nguồn cung điện để sản xuất, nói rằng 16 trong số các nhà cung ứng không thể sản xuất với công suất đầy đủ.
|
Một khúc cạn khô của sông Dương Tử ở Trùng Khánh (Ảnh: Bloomberg) |
Mực nước ở một số đoạn của sông Dương Tử - con sông dài nhất Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực thủy điện, vận tải và nước tưới tiêu – đã giảm tới mức thấp nhất kể từ khi nước này bắt đầu ghi nhận mực nước. Tại Hankou, thuộc thành phố Vũ Hán, mực nước trong hôm thứ năm tuần trước ở mức 4,7 m, bằng một nửa so với mức trung bình từ trước tới nay.
Các nhà khoa học khí hậu của Mỹ và châu Âu nói rằng tình trạng nóng lên toàn cầu đã làm tăng mức độ trầm trọng của La Nina. Bầu khí quyển ấm hơn hút thêm độ ẩm từ đất đai, làm tăng nguy cơ xảy ra hạn hán, Isla Simpson, nhà khoa học khí hậu đến từ Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia ở Boulder, bang Colorado, nói.
La Nina thông thường kéo dài từ 9 – 12 tháng, nhưng đợt này đã kéo dài sang năm thứ hai và được dự báo sẽ kéo dài ít nhất là đến tháng 2/2023, theo một báo cáo mới đây của Cơ quan Khí tượng và Đại dương Quốc gia Mỹ.
Tác động của đợt hạn hán và nắng nóng kéo dài đối với các lĩnh vực như du lịch, sản xuất và nông nghiệp có thể kéo tụt mức xếp hạng tín nhiệm dài hạn của chính phủ các nước Nam Âu, theo Moody’s Investor Services. Báo cáo về khí hậu mới nhất của LHQ nói rằng tình trạng nóng lên toàn cầu làm tăng nguy cơ xảy ra hạn hán trên khắp khu vực Địa Trung Hải.
Từ bỏ than đá, Trung Quốc đầu tư mạnh vào khí đốt
Người giàu Trung Quốc bán tháo đồng hồ Rolex, túi xách Hermès xa xỉ
[ĐỌC CHẬM] Đằng sau niềm tin vào 'Fed put' của Phố Wall
Nguồn: Wall Street Journal