Nhập khẩu than của Việt Nam chủ yếu là các loại than đá, cám dùng cho các nhà máy nhiệt điện. Các thị trường nhập khẩu than chính của Việt Nam là Nga, Úc và Trung Quốc.
Điều đáng nói là nhập khẩu than từ Trung Quốc đang gia tăng. Đây là nước vốn là thị trường xuất khẩu than của Việt Nam các năm trước. Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, 9 tháng đầu của năm 2014, cả nước đã nhập khẩu hơn 356.000 tấn than đá từ Trung Quốc, với tổng giá trị kim ngạch hơn 92,5 triệu USD.
Theo dự báo trong Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến 2020, có xét triển vọng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 60/2012/QĐ-TTg thì nhu cầu than trong nước thời gian tới sẽ tăng rất cao, cụ thể là năm 2015 là 56,2 triệu tấn, năm 2020 là 112,3 triệu tấn, năm 2025 là 145,5 triệu tấn, năm 2030 là 220,3 triệu tấn. Bên cạnh đó, sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành than năm 2020 chỉ đạt 60-65 triệu tấn và năm 2030 là hơn 75 triệu tấn. Than trong nước sản xuất không chỉ cung cấp cho điện mà còn cho các ngành kinh tế quốc dân khác cũng như xuất khẩu.
Cũng theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), để đáp ứng nhu cầu điện của đất nước theo kịch bản cơ sở năm 2020 là 330 tỷ kWh và năm 2030 là 695 tỷ kWh thì ngoài các nguồn thủy điện, nhiệt điện chạy dầu – khí, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân, cần xây dựng nguồn nhiệt điện chạy than.
Hiện, số lượng các dự án nhiệt điện than phải xây dựng của Quy hoạch điện VII là 61 dự án với tổng công suất là 71.710MW, từ đó tính ra nhu cầu than của ngành điện năm 2020 là 67,3 triệu tấn, năm 2030 là 171 triệu tấn.
Theo Dân trí