Hải quân Nga hiện đang rất hứng thú với các hoạt động phô trương sức mạnh. Mới đây, Nga đã tập trận chung với Hải quân Trung Quốc trên biển Baltic và đã cử tàu chiến lớn nhất là tàu tuần dương hạt nhân Peter Đại đế và tàu ngầm lớn nhất thế giới Dmitry Donskoi từ Hạm đội phía bắc đến Baltic để tham gia vào cuộc diễu hành Ngày hải quân vào 30/7.
Một hành động khác cũng mang tính biểu tượng cao là ông Putin đã phê chuẩn học thuyết hải quân mới của Nga. Học thuyết này bề ngoài dường như thúc đẩy tầm nhìn về một lực lượng hải quân đã hồi phục, có thể duy trì ưu thế vượt trội và thậm chí còn có thể đe dọa nghiêm trọng đến Mỹ ở một số khu vực nhất định. Tuy nhiên khoảng cách giữa thực tế và mong muốn vẫn còn tương đối lớn.
Waronrocks đã tìm hiểu rốt cuộc học thuyết hải quân mới của Nga gồm những nội dung gì và nhằm mục đích gì?
Học thuyết này nêu bật nhiều mối đe dọa và mối nguy hiểm đối với Nga.
Mối nguy hiểm đầu tiên là "tham vọng của một loạt các quốc gia, và nhất là Mỹ và các đồng minh mong muốn thống trị các vùng biển sâu, bao gồm cả Bắc Cực, và khẳng định ưu thế vượt trội của hải quân các nước này.”
Các mối đe dọa khác bao gồm các tuyên bố chủ quyền lãnh hải đối với các vùng biển và ven biển, nỗ lực hạn chế Nga tiếp cận các nguồn tài nguyên trên biển, và nỗ lực làm suy yếu sự kiểm soát của Nga ở tuyến đường Biển Bắc.
Tuy nhiên học thuyết này chỉ liệt kê ba mối đe dọa tiềm tàng với Nga. Đầu tiên là sự suy giảm đột ngột về tình hình chính trị- quân sự, dẫn tới việc sử dụng quân đội ở các khu vực hàng hải nắm giữ lợi ích chiến lược đối với Nga. Thứ hai là việc triển khai các vũ khí chính xác phi hạt nhân chiến lược cùng các hệ thống tên lửa đạn đạo ở các vùng lãnh thổ và vùng biển gần Nga. Và cuối cùng là việc các nước triển khai quân đội theo hướng đe dọa lợi ích quốc gia Nga.
Ngoài khu vực Bắc cực, học thuyết này còn nêu bật tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền tiếp cận các nguồn năng lượng ở Trung Đông và Biển Caspi, đồng thời bày tỏ quan ngại về tác động xấu của các cuộc xung đột ở Trung Đông, Nam Á và châu Phi đến an ninh thế giới.
Bên cạnh đó, học thuyết hải quân Nga cũng ghi nhận mối nguy hiểm của cướp biển ở Vịnh Guinea, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Việc củng cố quân đội Nga ở Crimea và Hạm đội Biển Đen, cũng như duy trì sự hiện diện liên tục ở Địa Trung Hải đươc coi là ưu tiên địa chiến lược hàng đầu của Hải quân Nga trong tương lai.
Học thuyết nêu ra các ưu tiên và mục tiêu của chính sách hải quân Nga. Sau khi khái quát về việc bảo vệ Nga trong trường hợp xảy ra xung đột và ngăn chặn kẻ thù không gây ra các hành động thù địch, học thuyết tập trung vào sự kiểm soát các tuyến đường liên lạc trên biển, tăng cường hiệu quả của việc bảo vệ đường biên giới trên biển, cả trên mặt nước lẫn dưới nước, và cải thiện các hệ thống chỉ huy và kiểm soát hải quân.
Ngoài khía cạnh quân sự, khía cạnh chính trị như các cuộc tập trận và các hoạt động chung như các cuộc thăm cảng và việc tham gia của Hải quân Nga vào các diễn đàn hợp tác an ninh hàng hải với các nước bạn bè thân thiết của Nga cũng là một phần của chính sách.
Ngoài ra còn có một phần tương đối dài bàn về những ưu tiên hàng hải ở những lĩnh vực phi quân sự bao gồm vai trò của hải quân trong việc đảm bảo an ninh kinh tế Nga, vai trò của hải quân trong chính sách đối ngoại, khoa học, giáo dục và bảo vệ môi trường.
Điều thú vị nhất là học thuyết cho thấy các lĩnh vực ưu tiên trong phát triển hải quân Nga, bao gồm đảm bảo Hải quân Nga giữ vị thế lực lượng hải quân hùng mạnh thứ hai trên thế giới. Do Nga không có ý đồ vượt mặt Mỹ nên học thuyết chỉ tập trung vào việc tiếp tục duy trì sức mạnh vượt trội hơn so với Hải quân Trung Quốc hiện đang phát triển chóng mặt. Đồng thời, Nga cũng sẽ tìm cách củng cố hơn nữa khả năng tấn công mục tiêu trên đất liền bằng cả tên lửa thông thường lẫn tên lửa hạt nhân.
Học thuyết cũng cho rằng Nga cần nâng cao tính bền vững của hải quân để đảm bảo sự hiện diện liên tục ở các khu vực hàng hải có ý nghĩa chiến lược trong khu vực và trên thế giới, dù cho khoảng cách từ Nga đến đó là bao xa. Trong thời chiến, học thuyết nhấn mạnh rằng Hải quân Nga sẽ phải đủ khả năng để tự bảo vệ mình và bảo vệ lãnh thổ của Nga khỏi kẻ thù được trang bị những vũ khí tiên tiến có độ chính xác cao, dưới mọi hình thức tác chiến hải quân (gồm chống máy bay, chống tàu, chống tàu ngầm, chống ngư lôi), ở cả vùng ven biển và vùng biển khơi.
Học thuyết dường như đặc biệt tập trung vào vai trò răn đe của Hải quân Nga. Lãnh đạo Nga dường như rất lo lắng về khái niệm Prompt Global Strike (tấn công toàn cầu ngay lập tức) của Mỹ. Khái niệm này có nghĩa là Mỹ sẽ triển khai các phương tiện siêu âm để tấn công các mục tiêu ở bất cứ nơi nào trên thế giới khoảng một giờ sau khi triển khai. Những thiết bị này được coi là để trực tiếp vô hiệu hóa khả năng răn đe của Nga.
Hải quân Nga lại được mô tả là hết sức hiệu quả trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công chính xác bằng vũ khí thông thường trên toàn cầu dạng này. Tính hiệu quả của lực lượng này được thể hiện ở cả khả năng sẵn sàng cao lẫn khả năng triển khai tới bất kỳ nơi nào trên thế giới và duy trì lực lượng ở đây trong một khoảng thời gian dài mà không cần các nước khác cho phép.
Với những vũ khí thông thường tầm xa có độ chính xác cao mới được phát triển gần đây, Hải quân Nga có thể đe dọa những mục tiêu có giá trị. Học thuyết cũng cho rằng khả năng này sẽ cho phép Nga ngăn chặn các cuộc tấn công toàn cầu hoặc các cuộc tấn công thông thường nhằm vào nước Nga.
Để đạt được những mục tiêu này, học thuyết khẳng định nhiệm vụ của Hải quân Nga là xây dựng một lực lượng cân bằng, vừa duy trì được thế mạnh hiện tại của Nga trong lĩnh vực tàu ngầm tên lửa đạn đạo vừa phát triển chất lượng cho các lực lượng thông thường để có thể hoàn thành nhiệm vụ răn đe chiến lược thông thường.
Để thực hiện sứ mệnh này trong khi vẫn sẵn sàng cho các nhiệm vụ chiến đấu hải quân thường xuyên, học thuyết kêu gọi Nga mua sắm đầy đủ các thiết bị hải quân bao gồm tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường đa chức năng, tàu chiến đa năng, lực lượng phòng vệ ven biển và các phương tiện hiệu quả trên bộ.
Vũ khí siêu thanh và chính xác tầm xa
Học thuyết nhấn mạnh rằng trong khi đến năm 2025, kho vũ khí thông thường của Hải quân phải có cả các tên lửa hành trình độ chính xác cao tầm xa, sau đó sẽ được bổ sung các tên lửa siêu thanh và các hệ thống tự động khác như phương tiện lặn không người lái.
Tuy nhiên kế hoạch này có một vấn đề đã được nhiều nhà phân tích Nga chỉ ra, đó là học thuyết này hết sức phi thực tế. Hiện nay, việc xây dựng tàu trên mặt nước của Nga còn đang rất chậm. Không một tàu chiến lớn nào ngoài tàu khu trục nhỏ được xây dựng kể từ năm 1990 đến nay, và cũng không có tàu nào có khả năng được hoàn thành trong vòng 10 năm tới.
Trong khi việc xây dựng tàu ngầm hạt nhân vẫn còn phù hợp thì việc phát triển thế hệ tàu ngầm phi hạt nhân thế hệ mới lại khó khăn hơn do thiếu hệ thống động lực yếm khí, khiến đội tàu ngầm vẫn phải phụ thuộc vào các thiết kế động cơ chạy bằng diesel hiện nay. (Một hệ thống nhiên liệu yếm khí không đòi hỏi phải tiếp xúc với oxy, do đó không yêu cầu nổi lên mặt nước nhiều, do đó hoạt động sẽ yên lặng và bí mật hơn).
Một thách thức nữa là môi trường kinh tế hiện nay đồng nghĩa với việc chi phí đóng tàu cho quân đội sẽ giảm xuống trong thập kỷ tới.
Hơn nữa, tất cả những bài phân tích về vai trò răn đe thông thường của Nga có thể đều nhằm mục đích khỏa lấp việc nước này đang thiếu tàu chiến cỡ lớn vì bản chất các hoạt động của Nga cơ bản chỉ để phòng thủ. Do đó, cho dù một học thuyết mới được phê chuẩn chỉ ra rằng Nga chuẩn bị tái xây dựng hạm đội tàu chiến trên mặt nước thì Nga cũng vẫn phải cố gắng rất nhiều nếu muốn duy trì vị thế là nước mạnh thứ hai về hải quân sau Mỹ cho đến năm 2030.