Hai kịch bản tác động của gói tín dụng 250.000 tỉ đồng

Chính phủ mới ban hành Chỉ thị 11 về giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19. Chỉ thị này đề cập đến gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỉ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ngân hàng Nhà nước chưa có các chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể liên quan đến gói tín dụng nói trên nên tại thời điểm này vẫn chưa thể khẳng định gói tín dụng có gồm các khoản cho vay mới hay không. Ảnh minh họa Thành Hoa.
Ngân hàng Nhà nước chưa có các chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể liên quan đến gói tín dụng nói trên nên tại thời điểm này vẫn chưa thể khẳng định gói tín dụng có gồm các khoản cho vay mới hay không. Ảnh minh họa Thành Hoa.

Nhìn chung, theo nhận định của giới chuyên gia và quan chức thì gói tín dụng này sẽ không gây ảnh hưởng (đáng kể) lên lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nhận định này được dựa trên những căn cứ như nguồn vốn cho gói tín dụng này không phải là từ ngân sách nhà nước, mà là của bản thân các ngân hàng thương mại (NHTM); NHTM tự chịu trách nhiệm cho vay, thu hồi nợ theo các điều khoản thương mại, và Nhà nước không bù lỗ.

Điểm đáng chú ý là tuy có sự nhất trí về tính “an toàn” của gói tín dụng này nhưng đang có sự bất nhất trong cách hiểu/diễn giải về hình thức giải ngân. Cụ thể, có người cho rằng gói tín dụng này không phải là tiền mới được bơm vào nền kinh tế dưới các hình thức là khoản vay mới hay khoản tín dụng mới, mà chỉ là tổng hợp dư nợ hiện tại, dưới hình thức như tái cơ cấu nợ, giảm lãi, phí...(1).

Ngược lại, người khác cho rằng gói này sẽ được sử dụng để cho vay mới hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh (nhằm hỗ trợ thanh khoản, nhu cầu vốn lưu động...(2) Tuy nhiên, cả hai luồng quan điểm thống nhất cho rằng số tiền giải ngân mới này (chắc chắn) sẽ được tính vào hạn mức tín dụng của NHTM.

Do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa có các chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể liên quan đến gói tín dụng nói trên nên tại thời điểm này vẫn chưa thể khẳng định gói tín dụng có gồm các khoản cho vay mới hay không. Tùy thuộc vào chỉ đạo của NHNN sẽ có một vài hàm ý khác nhau về tác động của gói tín dụng lên kinh tế vĩ mô.

Hai kịch bản tác động

Giả sử NHNN chỉ cho phép NHTM dùng gói tín dụng này để tái cơ cấu, giảm lãi, phí cho các khoản tín dụng hiện hữu, trong khi hạn mức tăng trưởng tín dụng của NHTM nói riêng, của ngành ngân hàng nói chung không thay đổi.

Kịch bản này sẽ có hàm ý là một số khoản vay mới dành cho các doanh nghiệp và hộ gia đình không thuộc dạng ưu tiên được vay vốn (gồm đối tượng chịu ảnh hưởng dịch bệnh) sẽ bị cắt giảm, bởi một lượng vốn cho vay đến hạn trả lại cho NHTM từ các khoản tín dụng hiện hữu cho các đối tượng chịu ảnh hưởng dịch bệnh sẽ bị “treo” trên sổ sách của ngân hàng, không về được NHTM để cho vay lại các đối tượng khác. Thiệt hại từ việc giảm lãi, phí cũng góp phần làm giảm nguồn vốn sẵn sàng cho vay đối với các đối tượng khác.

Cuối cùng, nếu nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn sụt giảm đáng kể do dịch bệnh, thể hiện khả năng là tổng cung của nền kinh tế sụt giảm mạnh (cũng do/như là hậu quả của dịch bệnh làm suy giảm tổng cầu), NHNN cần phối hợp chặt chẽ với các bộ để “kích cầu”, chủ yếu gia tăng chi tiêu của Chính phủ vào các dự án phát triển hạ tầng và an sinh xã hội, kể cả trợ cấp trực tiếp cho người thu nhập thấp và người bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Giả sử tiếp là tổng cầu tín dụng của nền kinh tế không thay đổi so với trước khi xảy ra dịch bệnh (và điều này được thể hiện ở sự giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN cho toàn ngành ngân hàng). Khi đó, NHTM buộc phải nâng lãi suất huy động để có thêm nguồn vốn cho vay các đối tượng, cũng tức là NHTM sẽ phải tăng lãi suất cho vay các đối tượng này để bù đắp sự sụt giảm về lợi nhuận tín dụng cũng như nguồn vốn cho vay.

Nói cách khác, khi NHTM phải tái cơ cấu nợ, giảm lãi, phí, còn NHNN không tăng cung tiền thì lãi suất sẽ chịu áp lực gia tăng, làm giảm động lực tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.

Đối phó với kịch bản thứ nhất này, NHNN cần theo dõi sát sao nhu cầu tín dụng của nền kinh tế trên thực tế để có phản ứng nới lỏng kịp thời khi cần (khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân vẫn tăng mạnh, bất chấp dịch bệnh).

Trong kịch bản thứ hai, NHNN cho phép NHTM còn dùng gói tín dụng hỗ trợ này để cho vay mới các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vẫn giả sử NHNN không thay đổi cung tiền, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Khi đó, có thể nói đây là kịch bản tương tự nhưng ở mức độ cao hơn kịch bản nêu trên, xét về mức độ gây ảnh hưởng lên mặt bằng lãi suất.

Cụ thể hơn, không chỉ chịu thiệt hại về nguồn vốn và lợi nhuận khi một phần nguồn vốn đã cho vay ra không thu hồi được, NHTM còn phải “căng mình” huy động vốn để tiếp tục cho vay mới đối với không chỉ các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh mà cả các đối tượng còn lại.

Cần nói thêm là nợ xấu (tiềm ẩn) trong kịch bản thứ hai sẽ còn lớn hơn kịch bản thứ nhất khi nợ xấu phát sinh không chỉ ở các khoản cho vay hiện hữu các đối tượng chịu ảnh hưởng dịch bệnh mà còn từ các khoản cho vay mới cho cùng các đối tượng này, với khả năng thu hồi vốn không thể khẳng định chắc chắn.

Do NHTM phải tăng lãi suất huy động đồng thời chịu thêm áp lực gia tăng nợ xấu nên kịch bản thứ hai sẽ có nhiều khả năng làm cho mặt bằng lãi suất chung tăng cao hơn, ảnh hưởng mạnh hơn đến triển vọng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn (so với kịch bản thứ nhất).

Để đối phó với kịch bản này, NHNN không chỉ phải sát sao trong việc theo dõi tổng cầu tín dụng của nền kinh tế mà còn phải tăng cường chỉ đạo, thanh tra các khoản vay mới cho các đối tượng chịu ảnh hưởng dịch bệnh. Nếu thấy các đối tượng này không có khả năng hồi phục thì tốt nhất NHTM phải (được phép) để cho các đối tượng này phá sản mà không được “nuôi nợ”, vốn chỉ càng làm tăng mức độ thiệt hại cho ngân hàng, cho nền kinh tế trong tương lai.

Cuối cùng, nếu nhu cầu tín dụng của nền kinh tế sụt giảm đáng kể do dịch bệnh, thể hiện khả năng là tổng cung của nền kinh tế sụt giảm mạnh (cũng do/như là hậu quả của dịch bệnh làm suy giảm tổng cầu), NHNN cần phối hợp chặt chẽ với các bộ để “kích cầu”, chủ yếu gia tăng chi tiêu của Chính phủ vào các dự án phát triển hạ tầng và an sinh xã hội, kể cả trợ cấp trực tiếp cho người thu nhập thấp và người bị ảnh hưởng dịch bệnh (như một số nước đã và sẽ thực hiện). Một phần nguồn vốn này tất nhiên cuối cùng sẽ là xuất phát từ NHNN.

Cần sẵn sàng đối phó với triển vọng nợ xấu “phục hồi”, và…

Và dù kịch bản nào xảy ra thì NHNN và NHTM vẫn phải sẵn sàng đối phó với triển vọng nợ xấu “hồi phục” và gia tăng mạnh trở lại trong và sau dịch bệnh. Những bất cập trong mô hình, cách thức và khuôn khổ pháp luật liên quan đến xử lý nợ xấu trong quá khứ cần được khẩn trương khắc phục ngay và triệt để nhằm giảm thiểu nợ xấu mới tích tụ.

Ngoài ra, nếu gói tín dụng hỗ trợ này được triển khai rầm rộ, thậm chí còn tăng về quy mô thì chắc chắn sẽ dẫn đến tình huống mới là NHTM quay sang “đòi” NHNN “chia sẻ” thiệt hại từ việc tái cơ cấu, giảm lãi, phí, và cho vay mới các đối tượng chịu ảnh hưởng dịch bệnh.

Trước yêu cầu không dễ chối bỏ này, nhất là khi nó mang danh hưởng ứng chủ trương hỗ trợ nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN sẽ có ít lựa chọn ngoài giải pháp hỗ trợ lãi suất cho vay hỗ trợ, cho vay tái cấp vốn, cho vay trực tiếp các NHTM tham gia gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi...

Đến bước này thì, về mặt kỹ thuật, có thể nói chủ trương không nới lỏng chính sách tiền tệ hay không dùng ngân sách nhà nước sẽ khó đứng vững!

(1) https://cafef.vn/dang-sau-goi-tin-dung-250000-ty-dong-va-goi-ho-tro-tai-khoa-30000-ty-dong-la-gi-2020030622431741.chn

Theo TBKTSG