Hà Nội xem xét thông qua chủ trương cơ chế và nguồn vốn đầu tư 3 tuyến đường sắt đô thị

VietTimes -- UBND TP Hà Nội vừa xem xét nghị quyết thông qua chủ trương cơ chế và nguồn vốn đầu tư 3 dự án đường sắt đô thị ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025.
Theo quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị.
Theo quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị.

Cổng thông tin điện tử TP Hà Nội vừa đưa tin, sáng nay 23/4 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã chủ trì phiên họp tập thể UBND TP thường kỳ tháng 4 nhằm xem xét, biểu quyết thông qua nghị quyết về 8 nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP. Trong đó có nội dung xem xét nghị quyết thông qua chủ trương cơ chế và nguồn vốn đầu tư 3 dự án đường sắt đô thị ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025.

Mới đây, UBND TP Hà Nội cũng đã có Tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về chủ trương, cơ chế đầu tư 3 dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố ưu tiên đầu tư giai đoạn đến năm 2025.

Các tuyến bao gồm: tuyến đường sắt đô thị số 2 (Trần Hưng Đạo - Thượng Đình), số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc), số 3 (Ga Hà Nội - Hoàng Mai).

Theo tờ trình, tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình) có chiều dài gần 6 km. Đoạn đường sắt này được thiết kế đi ngầm với 6 ga ngầm với tổng mức đầu tư hơn 25.700 tỷ đồng, khai thác vào năm 2025.

Tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai) dài 8,7 km với 7 ga ngầm tổng mức đầu tư hơn 38.600 tỷ đồng, dự kiến khai thác vào năm 2026. Tuyến thứ 3 là đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc) dài 38,4 km, tổng kinh phí hơn 66.800 tỷ đồng, dự kiến đưa vào vận hành năm 2025.

TP Hà Nội có thể huy động được khoảng 135.000 tỷ đồng trong 8 năm từ 2018 đến 2025 để thực hiện. Số tiền này đủ để cân đối xây dựng 3 tuyến đường sắt trên.

Trong trường hợp các nguồn lực nói trên chưa huy động đủ hoặc không kịp thời, Hà Nội sẽ phát hành trái phiếu bổ sung với tổng giá trị 20.000 - 25.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, thành phố mong muốn được để lại các khoản vượt thu hàng năm, số thu từ cổ phần hóa từ trước năm 2017 để đầu tư các dự án.

UBND Hà Nội đưa ra 3 phương án đầu tư. Trong đó, phương án 1 đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BT nhưng có kết hợp đầu tư trả một phần bằng ngân sách thành phố và kết hợp nguồn đấu giá quyền sử dụng đất hoặc trả một phần quỹ đất đối ứng.

Phương án 2, đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BT, thanh toán bằng toàn bộ đất đối ứng nhưng nhà đầu tư thực hiện ứng vốn để thực hiện các dự án BT.

Phương án 3, đầu tư hoàn toàn bằng ngân sách đầu tư công của thành phố và hình thức áp dụng theo mô hình đối tác thực hiện dự án PDP. Phương án này học tập theo mô hình của Malaysia, nhà thầu được chủ đầu tư chỉ định thực hiện dự án.

Do 3 dự án đường sắt đô thị đều có quy mô vốn lớn, nên UBND Hà Nội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Hội đồng Thẩm định Nhà nước ưu tiên tổ chức thẩm định sớm để có thể báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 6/2018.

Theo quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, thành phố sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài là 417,8 km, trong đó 342,2 km sử dụng cầu cạn và cầu cạn kết hợp đi bằng, 75,5 km đi ngầm.

Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,056 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn đầu tư từ 2017 - 2020 là 7,55 tỷ USD; từ 2021 - 2025 là 7,6 tỷ USD; từ 2026 - 2030 là 3,56 tỷ USD; sau năm 2031 là 21,3 tỷ USD.

Dự kiến 10 tuyến đường sắt đô thị được Hà Nội quy hoạch gồm: tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh), tuyến số 2 (Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi), tuyến số 2A (Cát Linh - Hà Đông - kéo dài đến Xuân Mai), tuyến số 3 (Trôi - Nhổn - Yên Sở), tuyến số 4 (Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà), tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc), tuyến số 6 (Nội Bài - Ngọc Hồi), tuyến số 7 (Mê Linh - Hà Đông), tuyến số 8 (Sơn Đồng - Mai Dịch - Dương Xá), tuyến Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai.