Từ đợt giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố về tình hình sử dụng đất của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trên địa bàn thành phố, vấn đề đặt ra là phải có biện pháp xử lý cương quyết để công tác quản lý, sử dụng đất đai thực sự hiệu quả.
Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có khoảng 500 dự án đã được phê duyệt, giao đất nhưng đang "đắp chiếu" hoặc triển khai chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích. Hệ lụy là Nhà nước thất thu tiền sử dụng đất, người lao động thiếu việc làm. Những dự án này không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn làm khó chính quyền thành phố khi thu hồi đất để triển khai các dự án mới.
Dự án "quây tôn để đấy"...
Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Tứ cho biết, trên địa bàn có 53 dự án (ở 10 phường) được thành phố giao đất, cho thuê đất cho các tổ chức nhưng chậm triển khai, chậm GPMB. Trong đó có 31 dự án (khoảng 70ha đất) đang quây tôn để đấy, gây mất mỹ quan đô thị.
Những khu vực này trở thành địa điểm "lý tưởng" để người dân đổ phế thải hoặc trở thành "bãi đáp" của các loại tệ nạn xã hội. Đáng lưu ý, nhiều dự án sử dụng sai mục đích, khiến người dân bức xúc vì cho rằng chính quyền không thực hiện đúng lời hứa sau khi thu hồi đất, để cho các tổ chức sử dụng đất sai mục đích.
Có thể điểm mặt một số dự án đang "quây tôn" trên địa bàn quận Nam Từ Liêm như: Trung tâm Quỹ đất quận Nam Từ Liêm giao 70.000m2 tại phường Mễ Trì cho Tập đoàn Kinh Bắc xây dựng khách sạn 5 sao đã quá 24 tháng kể từ khi có quyết định đầu tư nhưng vẫn chưa thực hiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Công ty Tu tạo và Phát triển nhà Hà Nội được giao dự án ô đất cây xanh đô thị và ô đất NT trong Khu đô thị Mễ Trì Hạ với diện tích 10.000m2 cũng trong tình trạng tương tự, từ khi trao quyết định đầu tư vẫn chưa xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Công ty cổ phần Sông Hồng được giao dự án xây dựng Khu văn phòng và Khách sạn tại phường Mỹ Đình 1 với diện tích 1.600m2… cũng chưa đầu tư xây dựng.
Đáng lưu ý, Trường Mầm non tư thục Vườn Xanh lô NT tại Mỹ Đình 1 là dự án xin thuê đất để đầu tư xây dựng với diện tích hơn 4.000m2, tuy nhiên kể từ thời điểm nhận mặt bằng năm 2009, chủ đầu tư mới xây tường bao xung quanh, chưa đầu tư xây dựng theo quy định.
Quận Tây Hồ cũng có 20 dự án chậm triển khai. Trong đó, UBND quận đã có văn bản trình UBND thành phố thu hồi 3 dự án; đề xuất Sở TN&MT thanh tra 9 dự án, còn lại 8 dự án vẫn chưa được thanh, kiểm tra. 3 dự án quận có văn bản kiến nghị thành phố có chung thực trạng là: sau khi bàn giao đất, các đơn vị chỉ thực hiện một phần diện tích, còn lại để hoang hóa, đồng thời không có biện pháp quản lý chống lấn chiếm.
Đó là Công ty TNHH nhà nước MTV Công viên cây xanh Hà Nội thuê hơn 31.000m2 từ năm 1999 tại số 17 và 19 Thụy Khuê với mục đích sản xuất, nhưng dự án không triển khai. Năm 2014, UBND thành phố đã quyết định thu hồi 1.400m2 tại khu đất này giao lại cho Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để quản lý, sử dụng vào mục đích quốc phòng. Tuy nhiên, sau GPMB, diện tích còn lại hiện nay Công ty TNHH nhà nước MTV Công viên cây xanh Hà Nội vẫn là khu đất bỏ hoang (chỉ có một phần diện tích công ty sử dụng để ươm cây xanh).
Dự án Khu an dưỡng, nhà nghỉ CLB, văn phòng công ty do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam được giao đất tại tổ 27, cụm 4, phường Nhật Tân từ năm 2002 hay dự án bãi đỗ xe chuyên dùng tại địa chỉ cụm 7, phường Phú Thượng do Công ty TNHH nhà nước MTV Môi trường Đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư được giao đất từ năm 2007… đến nay vẫn chưa đầu tư.
Khảo sát tại địa bàn quận Hai Bà Trưng và Cầu Giấy cũng cho thấy, nhiều tổ chức được giao đất nhưng không triển khai dự án hoặc sử dụng sai mục đích. Quận Hai Bà Trưng có 382 tổ chức đang được giao sử dụng 476 thửa đất, trong đó có 46 tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai. Quận Cầu Giấy có 24 dự án vi phạm, chậm triển khai từ 12 đến 24 tháng kể từ khi bàn giao mặt bằng, trao quyết định đầu tư, gây bức xúc trong dư luận.
Và những hệ lụy…
Đánh giá về tình trạng các tổ chức được giao đất, thuê đất không triển khai hoặc chậm triển khai dự án, các địa phương đều cho rằng có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Ngoài việc các văn bản hướng dẫn, ban hành chậm, nhiều thay đổi, nội dung khó triển khai trong thực tiễn (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư) còn có nguyên nhân do tình hình kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, nguồn vốn đầu tư giảm, dẫn đến nhiều dự án chậm triển khai hoặc kéo dài thời gian thực hiện.
Thêm nữa là việc một số chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính thực hiện dự án nhưng vẫn tìm mọi cách để được chấp thuận đầu tư nhằm chuyển nhượng kiếm lời trên danh nghĩa liên doanh, liên kết. Nhưng khi thị trường bất động sản chạm đáy, các chủ đầu tư "lực bất tòng tâm" dẫn đến các dự án bị dở dang, bỏ hoang hóa.
Cũng vì tình trạng vi phạm đất đai diễn ra phổ biến, trong khi công tác quản lý còn hạn chế đã gây khó khăn cho việc triển khai dự án mới. Chủ tịch UBND phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) Đào Tăng Quýnh cho biết, tình trạng nhiều dự án "treo" đã gây khó khăn cho chính quyền cơ sở trong việc vận động các hộ dân bàn giao mặt bằng để triển khai các dự án mới.
Trên thực tế, việc GPMB không đơn giản, có dự án lực lượng chức năng phải tổ chức cưỡng chế, nhưng sau khi mặt bằng được bàn giao cho chủ đầu tư lại bỏ không, trong khi người dân thiếu đất sản xuất. Cùng với đó là những dự án GPMB dở dang, chủ đầu tư không có năng lực tài chính để chi trả cho người dân theo quy định, dẫn đến khiếu nại tố cáo. Việc chậm thực hiện dự án đã tác động không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Nhiều dự án để hoang hóa trở thành địa điểm hoạt động của các ổ nhóm tiêm chích ma túy, nơi đổ phế thải, rác thải gây ô nhiễm môi trường…
Theo Hà Nội Mới