Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết: Hà Nội đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành (gồm Sở Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Xây dựng và các đơn vị có liên quan) rà soát toàn bộ dự án trên địa bàn liên quan việc cấp sổ đỏ cho cư dân và những vướng mắc xoay quanh việc cầm cố sổ đỏ của chủ đầu tư.
Theo ông Nghĩa, người dân mua nhà, đất bị treo sổ đỏ tại các dự án thiệt thòi rất lớn, vì không thể thực hiện được các quyền về mua bán, thế chấp, nhập hộ khẩu, cũng như không thể tạo lập được cuộc sống ổn định trong chính ngôi nhà của mình.
Có nhiều nguyên nhân khiến quá trình cấp sổ đỏ dây dưa, trong đó có thể kể đến như chủ đầu tư xây dựng trái phép, nợ thuế... “Đến thời điểm này, Hà Nội chưa có trường hợp nào chủ đầu tư cắm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại ngân hàng khiến người dân không làm được sổ đỏ. Nếu cư dân tòa nào phát hiện ra chủ đầu tư làm vậy nên báo ngay với Sở Tài nguyên và Môi trường để vào cuộc xử lý”, ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, việc thế chấp giữa chủ đầu tư và ngân hàng là quan hệ dân sự. Chủ đầu có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng bằng tài sản của mình; ngân hàng có trách nhiệm khi cho vay phải kiểm soát được việc sử dụng nguồn vốn vay để đảm bảo thu hồi vốn. Tuy nhiên, giao dịch giữa hai bên không thể để người mua nhà hợp pháp và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính lại không được quyền sở hữu đối với căn hộ của mình.
Còn theo luật sư Bùi Sinh Quyền, Trưởng Văn phòng Luật sư Phúc Thọ, một vấn đề nữa cần xem xét ở đây là trách nhiệm và đạo đức kinh doanh của chủ đầu tư trong trường hợp biết rõ ràng nhà đã được thế chấp ngân hàng nhưng vẫn cố tình bán cho người dân.
Theo luật sư Quyền, để tránh rủi ro, người mua nhà nên cân nhắc, xem xét kỹ và nắm rõ thông tin xem dự án đã đủ điều kiện được bán chưa. Đặc biệt, người dân không nên quá tin vào quảng cáo của các nhà môi giới kinh doanh bất động sản để bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo Tienphong