|
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân (Ảnh - Minh Thuý) |
Đây là nội dung chính trong phương án triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn TP. Hà Nội do ông Chu Ngọc Anh – Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ký.
Huy động toàn lực để tiêm vaccine cho người dân
Theo UBND TP. Hà Nội, hệ thống tiêm chủng của Thủ đô được xây dựng trên nền tảng phục vụ chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã giữ vai trò chủ yếu trong công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; việc tổ chức tiêm chủng được thực hiện tại các Trạm Y tế và một số bệnh viện. Ngoài ra còn có các điểm tiêm chủng vaccine dịch vụ tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
Theo thống kê, toàn thành phố có 604 dây chuyền tiêm chủng tại các cơ sở đã công bố đủ điều kiện tiêm chủng đảm bảo hoạt động, trong đó có: 547 dây chuyền tại cơ sở công lập đủ điều kiện (504 tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn; 18 tại Phòng khám đa khoa thuộc Trung tâm Y tế huyện; 25 tại các bệnh viện công lập), 57 dây chuyền tại cơ sở tư nhân đủ điều kiện (18 tại bệnh viện tư nhân, 39 tại Phòng khám đa khoa tư nhân và cơ sở tiêm chủng dịch vụ tư nhân).
|
Hộp bảo quản vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - BYT) |
Về năng lực tiếp nhận, bảo quản vaccine, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và Trung tâm Y tế các quận, huyện có 31 tủ bảo quản TCW3000, 9 tủ bảo quản TCW30AC, 37 hòm lạnh loại 25 lít, 3 hòm lạnh loại 12 lít. Tại 579 Trạm Y tế xã, phường có 1.185 phích vaccine.
Theo UBND TP. Hà Nội, trong năm nay, thành phố sẽ triển khai chiến dịch ngay khi tiếp nhận vaccine đảm bảo đúng tiến độ yêu cầu. Thời gian cụ thể theo các đợt phân bổ vaccine của Bộ Y tế và nguồn cung ứng vaccine phòng COVID-19 (nhập khẩu và sản xuất trong nước) của TP. Hà Nội.
Để đáp ứng yêu cầu tiêm 200.000 mũi tiêm/ngày, thành phố cần ít nhất 1.000 dây chuyền tiêm chủng. Để dự phòng trong trường hợp có dây chuyền tiêm chủng không hoạt động được vì các lý do khác nhau, thành phố cũng đã chuẩn bị thêm 200 dây chuyền dự phòng.
Nhằm đáp ứng đủ nhân lực cho các dây chuyền tiêm, bên cạnh lực lượng thường trực của ngành y tế, Hà Nội sẽ huy động thêm 1.995 người (5 cán bộ/dây chuyền tiêm), trong đó: Nhân lực huy động để tập huấn Cấp chứng nhận an toàn tiêm chủng (mỗi dây chuyền tiêm chủng có 3 người) là 1.097 cán bộ y tế (390 bác sĩ và 798 điều dưỡng) từ các bệnh viện, viện, trường cao đẳng, đại học, cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn thành phố.
Nhân lực hỗ trợ cho các dây chuyền (2 người/dây chuyền) gồm 798 sinh viên các trường y trên địa bàn. Để đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng, nhất là trong tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn cần phải huy động các tổ cấp cứu cơ động để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp xảy ra các sự cố tiêm chủng, qua rà soát hiện toàn thành phố có thể huy động 100 tổ cấp cứu cơ động để thực hiện nhiệm vụ này. Sở Y tế sẽ điều phối các tổ cấp cứu cơ động phù hợp với các điểm tiêm chủng theo từng khu vực.
Mở rộng đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19
Theo quyết định của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm vaccine phòng COVID-19, đối tượng tiêm chủng là người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào liệt kê trong thành phần của vaccine.
Hiện, Việt Nam đang sử dụng các loại vaccine phòng COVID-19 của các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Sinopharm. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế các vaccine này đều được chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên, riêng vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca, theo hướng dẫn của nhà sản xuất được tiêm cho người từ 18-65 tuổi (người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền, bệnh mạn tính cần thận trọng trong tiêm chủng).
Vì thế, UBND TP. Hà Nội căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và nhà sản xuất để điều chỉnh độ tuổi tiêm chủng phù hợp theo từng thời điểm.
|
Người dân tiêm vaccine phòng COVID-19 (Ảnh - Minh Thuý) |
Về thứ tự ưu tiên đối tượng tiêm, theo chỉ đạo của Chính phủ, Hà Nội sẽ mở rộng đối tượng tiêm vaccine và đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong việc tiếp cận vaccine. Các đối tượng được tiêm vaccine gồm:
Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, người làm việc trong các cơ sở y tế công lập và tư nhân, người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ COVID cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...); lực lượng Quân đội; lực lượng Công an.
Nhân viên, cán bộ Ngoại giao của Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
Cán bộ, người lao động của các cơ quan, đơn vị đã tích cực tham gia vào các hoạt động phòng chống dịch, các đơn vị hỗ trợ cho công tác phòng chống dịch bệnh.
Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước, ngân hàng, kho bạc, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống, cơ sở chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế, người dân ở vùng/khu du lịch.
Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, các tổ chức thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
Công nhân tại các Khu Công nghiệp, khu chế xuất, Cụm Công nghiệp, điểm công nghiệp.
Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.
Người sinh sống ở các khu vực có dịch, các chức sắc, chức việc tôn giáo.
Các đối tượng là lao động phổ thông thường xuyên tiếp xúc với nhiều người tại những nơi tập trung đông người như: nhóm người lao động tự do, thường xuyên tiếp xúc với nhiều người như lái xe tắc xi, xe ôm, bốc vác, đánh giầy, bán hàng rong.
Người làm việc trong các trại giam, trại tạm giam và phạm nhân.
Người dân không nằm trong các nhóm đối tượng nêu trên, nhưng có thể ưu tiên theo yêu cầu của công tác phòng chống dịch tại từng thời điểm cụ thể theo diễn biến tình hình dịch bệnh.
|
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine (Ảnh - Minh Thuý) |
Theo số liệu của Cục thống kê Hà Nội, dân số Hà Nội, tính đến ngày 31/12/2020, Hà Nội có 8.317.640 người và 605.698 người ngoại tỉnh lưu trú trên địa bàn thành phố, tỷ lệ người dân trong độ tuổi từ 18-65 tuổi là độ tuổi có chỉ định tiêm vaccine AstraZeneca theo hướng dẫn của nhà sản xuất chiếm 62,3%. Tuy nhiên, theo thống kê nhanh từ các đợt tiêm vaccine AstraZeneca vừa qua, tỷ lệ tiêm đạt khoảng 70% (có 30% đối tượng có chống chỉ định tiêm hoặc không đến tiêm). Do đó, phụ thuộc vào lượng vaccine được cung ứng, phạm vi triển khai sẽ phân bổ vắc xin cho các quận huyện theo nguyên tắc:
Khi nguồn vaccine chưa đủ, thành phố sẽ phân bổ số lượng vaccine cho các quận, huyện, thị xã theo thứ tự ưu tiên: có ca F0 mới, có nhiều khu công nghiệp, có mật độ dân cư cao, có nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, giáp ranh các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông đi lại, có khu cách ly tập trung...
Khi có đủ vaccine, thành phố sẽ triển khai tiêm đồng loạt với nguyên tắc: Tiêm mũi một bằng loại vaccine nào thì tiêm trả mũi 2 bằng loại vaccine đó. Với người được tiêm mũi một bằng vaccine của AstraZeneca, có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine của Pfizer, khoảng cách từ 8 - 12 tuần sau tiêm mũi một. Vaccine có hạn sử dụng ngắn sẽ được cấp phát trước.
Để triển khai tiêm chủng, UBND TP. Hà Nội cho biết: Lực lượng chức năng sẽ triển khai chiến dịch tiêm chủng theo 2 hình thức tổ chức điểm tiêm gồm: Tổ chức tại các điểm tiêm chủng cố định đã đủ điều kiện tiêm chủng (bao gồm: trạm y tế, bệnh viện, cơ sở tiêm chủng dịch vụ, phòng khám đa khoa cả trong và ngoài công lập). Dự kiến bố trí 604 điểm cố định.
Cùng với đó, thành phố sẽ thiết lập các điểm tiêm chủng lưu động để triển khai tiêm chủng với số lượng lớn: tiêm cho công nhân tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu vực có nhiều cơ quan, đơn vị, các trường đại học, cao đẳng, hoặc khu vực đô thị có mật độ dân cư lớn, trong khi các điểm tiêm cố định không đáp ứng được yêu cầu (diện tích không đảm bảo cho giãn cách với số lượng người đông trong cùng một thời điểm). Dự kiến bố trí 596 điểm lưu động.