Hà Nội: CSDL về cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu tích hợp dữ liệu về CSDLQG

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Phần mềm, CSDL của Hà Nội cùng 9 tỉnh, thành khu vực trung du và đồng bằng sông Hồng đang sử dụng tính năng và nền tảng công nghệ cũ, chưa đáp ứng được việc kết nối, tích hợp dữ liệu về CSDLQG - theo Bộ Nội vụ.
Bộ Nội vụ cho rằng việc triển khai kết nối liên thông, đồng bộ dữ liệu CBCCVC của tỉnh, thành với CSDLQG về CBCCVC là hết sức cần thiết.
Bộ Nội vụ cho rằng việc triển khai kết nối liên thông, đồng bộ dữ liệu CBCCVC của tỉnh, thành với CSDLQG về CBCCVC là hết sức cần thiết.

Mới đây, Bộ Nội vụ phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý về Trật tự xã hội và nhiều cơ quan liên quan đã tổ chức đánh giá việc triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) nhằm đánh giá khả năng tích hợp, đồng bộ dữ liệu đối với CSDLQG về CBCCVC của các tỉnh, thành trung du và đồng bằng sông Hồng, gồm: Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Nguyên.

Theo ông Vũ Đăng Minh - Chánh Văn phòng Bộ, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06/CP của Bộ Nội vụ - việc cập nhật dữ liệu CBCCVC và người lao động đã được các tỉnh trung du và đồng bằng sông Hồng triển khai thực hiện. Đến nay, tổng số hồ sơ được cập nhập trên hệ thống phần mềm, CSDL của các tỉnh là 146.119 hồ sơ - số lượng ghi nhận của 5 tỉnh bao gồm: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên, Hòa Bình.

Về khả năng tích hợp, đồng bộ dữ liệu của phần mềm/CSDL về CBCCVC của các tỉnh với Bộ Nội vụ, các tỉnh trung du và đồng bằng sông Hồng đã xây dựng nền tảng phần mềm CSDL về CBCCVC - trừ tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên, chỉ có 2 trong số 11 tỉnh đã xây dựng phần mềm đáp ứng đủ 109 trường dữ liệu theo yêu cầu của Bộ Nội vụ, là tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Hưng Yên.

Bộ Nội vụ đánh giá các phần mềm/CSDL của 9 tỉnh thành còn lại, gồm Hà Nội, Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hòa Bình, đã qua nhiều năm sử dụng chưa được cập nhật giao diện, các tính năng và nền tảng công nghệ cũ, do đó chưa đáp ứng được việc kết nối, tích hợp dữ liệu về CSDLQG…

Bộ Nội vụ cũng đánh giá, dữ liệu thông tin về hồ sơ CBCCVC cập nhật trên hệ thống từ những năm trước, có sự thay đổi, biến động liên tục về công tác cán bộ và mẫu phiếu thu thập thông tin thông tin cũng có thay đổi (theo mẫu mới).

Vì thế, cần thời gian để tiếp tục cập nhật, hiệu chỉnh, bổ sung, chuẩn hóa dữ liệu của hồ sơ CBCCVC đã cập nhật trên phần mềm của các tỉnh, thành để đáp ứng đủ 109 trường dữ liệu thông tin và đảm bảo dữ liệu “Đúng - Đủ - Sạch - Sống” trước khi đồng bộ, chia sẻ dữ liệu lên hệ thống CSDLQG về CBCCVC do Bộ Nội vụ quản lý.

Đồng thời, việc triển khai kết nối liên thông, đồng bộ dữ liệu CBCCVC của tỉnh với CSDLQG về CBCCVC là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, khối lượng công việc cần thực hiện nhiều, trong thời gian ngắn dẫn tới khó khăn trong việc bố trí nguồn lực đảm bảo thực hiện các nội dung như nâng cấp hoàn thiện tính năng, chức năng phần mềm; rà soát, cập nhật, đối chiếu, xác thực thông tin hồ sơ, kết nối liên thông CSDLQG về CBCCVC theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ.

Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ yêu cầu các tỉnh, thành khu vực trung du và đồng bằng sông Hồng có trách nhiệm kết nối, chia sẻ dữ liệu những trường thông tin hiện có trong phần mềm quản lý hồ sơ CBCCVC với CSDLQG về CBCCVC do Bộ Nội vụ quản lý thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) hoặc kết xuất dữ liệu để cập nhật vào CSDLQG về CBCCVC.

Cùng với đó, các địa phương tổ chức nâng cấp phần mềm quản lý CBCCVC đáp ứng đủ 109 trường thông tin, cập nhật dữ liệu đảm bảo “Đúng - Đủ - Sạch - Sống”, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về CBCCVC thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu NDXP.

Theo Bộ Nội vụ, để CSDLQG về CBCCVC được khai thác và phát huy tính hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, tất cả các bộ, ngành, địa phương cần cập nhật, chuẩn hóa và đồng bộ về CSDLQG với đầy đủ thông tin, dữ liệu biến động về cán bộ, công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương theo thời gian thực.

Hệ thống cũng cần hoàn thiện việc kết nối liên thông với CSDL về BHXH và CSDLQG về Dân cư nhằm bổ sung, xác nhận dữ liệu để đảm bảo CSDLQG về CBCCVC là cơ sở dữ liệu gốc của quốc gia liên quan đến công tác cán bộ công chức viên chức; phục vụ mục tiêu sử dụng sơ yếu lý lịch hợp nhất điện tử thay thế các mẫu sơ yếu lý lịch giấy đang cùng tồn tại; xây dựng cổng tuyển dụng công chức viên chức quốc gia nhằm minh bạch, nhanh chóng, đồng bộ trong công tác tuyển dụng, phân công, sử dụng hiệu quả nguồn lực cán bộ công chức viên chức để phát triển đất nước.