Hà Nội coi công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hà Nội đặt mục tiêu trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước, tạo nền tảng vững chắc, động lực quan trọng thúc đẩy xây dựng “Thành phố sáng tạo” trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại tọa đàm
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại tọa đàm

Nội dung trên được bàn thảo tại Tọa đàm “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, do Thành ủy Hà Nội chỉ đạo tổ chức, Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan thường trực tham mưu thực hiện.

Là thủ đô, trung tâm đầu não về chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế của cả nước, Hà Nội luôn xác định văn hóa là trung tâm trong chính sách phát triển. Năm 2019, Hà Nội đã trở thành thành phố đầu tiên của cả nước và một trong 3 thủ đô đầu tiên của khu vực Đông Nam Á nằm trong mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Với tiềm năng, lợi thế trong việc phát triển sức mạnh mềm văn hóa cùng mong muốn xây dựng diện mạo văn hóa mới, Hà Nội đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Trong đó, giai đoạn đầu thành phố sẽ tập trung khảo sát, đánh giá thực trạng, những thuận lợi, khó khăn, đồng thời tham vấn sáng kiến của các chuyên gia.

Bà Bùi Huyền Mai - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy - phát biểu tại sự kiện.

Bà Bùi Huyền Mai - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy - phát biểu tại sự kiện.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Bùi Huyền Mai - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy - khẳng định: “Hà Nội quyết tâm chuyển hóa các nguồn lực thành sức mạnh mềm của văn hóa, đảm bảo việc thúc đẩy mạnh mẽ sự kế thừa và phát triển về văn hóa sáng tạo của thủ đô ngàn năm văn hiến. Đây cũng là nhiệm vụ đặt ra sau khi Hà Nội chính thức được công nhận là thành phố sáng tạo để hiện thực hóa, phát triển các ngành văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có sự phát triển cả về chất và lượng, đóng góp vào tăng trưởng chung của thủ đô”.

Bên cạnh tiềm năng, cơ hội, bà Bùi Huyền Mai còn chỉ ra những khó khăn còn tồn tại trong việc phát triển công nghiệp văn hóa tại thủ đô. Cụ thể là các vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thách thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, văn hóa số. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng kinh tế chưa ổn định, việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, giáo dục sáng tạo, đào tạo trên các lĩnh vực công nghiệp văn hóa vẫn chưa cập nhật sự phát triển chung của thế giới. Việc thiếu cơ chế phối hợp bền vững giữa các lĩnh vực công nghiệp văn hóa cùng tình trạng vi phạm bản quyền ở nhiều lĩnh vực sáng tạo còn diễn ra khiến thị trường văn hoá phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thủ đô.

Tọa đàm sẽ lấy ý kiến của các chuyên gia về phát triển công nghiệp văn hóa (cultural industry), còn gọi là kinh tế sáng tạo (creative economy) tại Hà Nội.

Tọa đàm sẽ lấy ý kiến của các chuyên gia về phát triển công nghiệp văn hóa (cultural industry), còn gọi là kinh tế sáng tạo (creative economy) tại Hà Nội.

Để đánh giá cụ thể các vấn đề đặt ra, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức các tọa đàm thu thập ý kiến đóng góp, tham vấn của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, trong 13 lĩnh vực được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ. Các lĩnh vực nêu trên gồm Điện ảnh, Nghệ thuật biểu diễn, Quảng cáo, Thủ công mỹ nghệ, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Truyền hình và phát thanh, Thời trang, Du lịch văn hóa, Kiến trúc, Thiết kế, Xuất bản, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, không gian sáng tạo.

Cụ thể, các buổi tọa đàm sẽ tập trung vào 4 vấn đề chính. Thứ nhất là nhận diện tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, từ đó đánh giá nguồn lực liên quan có thể đóng góp vào tăng trưởng GRDP của Thủ đô.

Thứ hai là những lĩnh vực mà các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia lĩnh vực công nghiệp văn hóa quan tâm, đi sâu vào thuận lợi và khó khăn trong quá trình phát triển hiện nay.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội

Thứ ba là những sáng kiến tham vấn, gợi mở, đề xuất với thành phố về các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

Thứ tư là sự vào cuộc, đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong quá trình thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết.

Ông Lê Bá Ngọc, Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam
Ông Lê Bá Ngọc, Tổng thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam
Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam
Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam
Ông Đinh Văn Hải (giữa) - Chủ nhiệm Tạp chí điện tử VietTimes
Ông Đinh Văn Hải (giữa) - Chủ nhiệm Tạp chí điện tử VietTimes

Nắm bắt xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, Việt Nam nhận thức tầm quan trọng của phát triển công nghiệp văn hóa sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt, dài lâu cho đất nước. Điều này được thể hiện qua các Nghị quyết Trung ương Đảng.

Gần đây nhất, Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định quyết tâm “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học kỹ thuật, công nghệ của thế giới".

Trao đổi với phóng viên VietTimes, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội – cho hay, Ban chỉ đạo Nghị quyết phát triển công nghiệp văn hóa hiện đang làm hết sức cẩn trọng. Theo quy trình 3 buổi tọa đàm như dự kiến, buổi thứ nhất sẽ xin ý kiến các văn nghệ sĩ, chuyên gia không gian sáng tạo và văn hóa. Buổi thứ hai sẽ xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị có yếu tố nước ngoài như đại diện UNESCO, các trường đào tạo, tổ chức quốc tế. Buổi thứ ba là tọa đàm xin ý kiến các địa phương, các sở, ban, ngành.

Đánh giá về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh: “Các vấn đề liên quan đến môi trường số là vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là văn hóa khi đưa vào môi trường số sẽ tăng sức lan tỏa. Sự tuyên truyền đến độc giả, người dân sẽ được nhanh nhất. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa là vấn đề vô cùng cấp bách. Trong Nghị quyết này cũng có nội dung đề cập đến việc đưa văn hóa lên môi trường số, sẽ được triển khai trong đề án sắp tới”.