LTS: Trong hội thảo khoa học “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050" diễn ra sáng nay, 29/9, vấn đề y tế Hà Nội trong tương lai được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
Hội thảo do Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội tổ chức. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải đã đến dự.
Đặc biệt, những nội dung trong tham luận “Quy hoạch mạng lưới y tế Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” do GS.TS. Tạ Thành Văn - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội - đã thu hút sự chú ý của hội thảo, khi mang đến những kết quả nghiên cứu khoa học mới nhất của Trường Đại học Y Hà Nội về thực trạng y tế Thủ đô. Những nghiên cứu đầy tâm huyết này đặc biệt có giá trị trong việc đưa ra tầm nhìn cho tương lai y tế của Thủ đô Hà Nội.
VietTimes xin trân trọng giới thiệu ý kiến của GS.TS. Tạ Thành Văn:
Bức tranh y tế Hà Nội hôm nay
Việc nghiên cứu, tổng hợp, phân tích hiện trạng hệ thống y tế Hà Nội đã cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống y tế của thành phố Hà Nội còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Ở hệ thống y tế công lập: Chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) của các cơ sở chưa đồng đều, chưa xứng tầm vị thế của Thủ đô. Công tác y tế dự phòng, đặc biệt là ở tuyến cơ sở, còn yếu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống y tế công, đặc biệt là tuyến huyện, xã, còn thiếu và xuống cấp.
Nguồn nhân lực y tế cũng thiếu với bằng chứng là tỷ lệ nhân viên y tế/10.000 dân của TP chưa cao: 14 bác sĩ/10.000 dân, so với 11,5 bác sĩ/10.000 dân của cả nước trong năm 2022 và thấp hơn nhiều so với các nước phát triển.
Bên cạnh đó là sự mất cân đối nghiêm trọng về nhân lực y tế giữa lĩnh vực y học lâm sàng và y học dự phòng; giữa các chuyên khoa - vấn đề tồn tại nhiều năm. Đang có những khoảng trống nhân lực y tế chuyên khoa chất lượng cao ở ngay các bệnh viện (BV) của Hà Nội. Các BV quận, huyện ngoại thành còn khó khăn hơn rất nhiều.
- Trên địa bàn Hà Nội có 19 BV trung ương, 2 BV trường đại học, 18 BV cấp thành phố, 23 BV quận huyện, 19 BV ngành, 43 BV tư nhân với 47.242 giường bệnh. Trong đó, TP Hà Nội quản lý 14.763 giường bệnh (chiếm 31%).
- Số lượng bác sĩ của Hà Nội chiếm 29,2% tổng số bác sĩ vùng đồng bằng sông Hồng và 5,8% tổng số bác sĩ cả nước. Năng lực điều trị của các BV trực thuộc TP chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân tăng gấp hơn 2 lần trong giai đoạn 2011 – 2022 (13,9 và 28). Tuy nhiên, mức tăng chỉ tiêu BS/vạn dân chưa tương ứng (từ 9,4 lên 14).
- Quy mô dân số đông, chiếm khoảng 8,4% dân số cả nước. Mật độ dân số cao gấp 8,2 lần so với cả nước. Tỉ lệ người cao tuổi tăng nhanh.
- Các cơ sở KCB tập trung ở khu vực nội đô, nhất là các BV tuyến trung ương. Chất lượng KCB của một số BV TP chưa xứng tầm.
- Mạng lưới cơ sở nuôi dưỡng người thuộc diện bảo trợ xã hội gồm cả công lập và ngoài công lập. Tính đến năm 2020, Hà Nội có 12 cơ sở bảo trợ xã hội công lập chăm sóc người khuyết tật, chăm sóc trẻ em và trẻ em khuyết tật… nhưng lại chưa có cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi và trung tâm tổng hợp công tác xã hội công lập.
Đặc biệt, Hà Nội chưa có các chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao thuộc các BV, trường đại học Y Dược đóng trên địa bàn, cũng chưa có các chính sách tổng thể, phân vai và phối kết hợp vai trò của 3 lĩnh vực: Cơ sở y tế trực thuộc trung ương; cơ sở y tế trực thuộc Hà Nội và cơ sở y tế tư nhân trong chiến lược chăm sóc sức khoẻ (CSSK) cho người dân trên địa bàn.
Hệ thống y tế ngoài công lập: Đang từng bước phát triển, thể hiện vai trò trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ (CS&BVSK) cho người dân.
Tuy nhiên, hệ thống y tế tư nhân hầu như hình thành tự phát, chưa nằm trong quy hoạch tổng thể của mạng lưới y tế thủ đô. Vai trò của các cơ sở y tế tư nhân còn quá nhỏ so với nhu cầu thực tiễn, đặc biệt trong lĩnh vực y tế dự phòng, và tập trung ở một số lĩnh vực chuyên khoa mang lại lợi nhuận cao. Điều này làm mất sự cân đối trong cung cấp các dịch vụ y tế CS&BVSK của người dân.
Hà Nội cũng chưa có các chính sách đặc thù cho y tế như: Chế độ đãi ngộ, cơ chế tài chính, quy định về KCB và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế (BHYT) phù hợp với địa bàn Thủ đô, để khuyến khích phát triển đội ngũ bác sỹ làm việc cho cơ sở y tế ngoài công lập.
Định hướng cho y tế Thủ đô Hà Nội
Hà Nội cần xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến, tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ khu vực và thế giới, hướng tới mục tiêu công bằng, chất lượng, hiệu quả. Hà Nội có thể chọn Singapore làm mô hình phát triển y tế.
Trong đó, thực hiện chiến lược xây dựng nền y tế hướng nâng cao sức khoẻ, phòng bệnh, thay cho chiến lược tập trung phát hiện và điều trị bệnh, xây dựng mạng lưới cơ sở y tế phù hợp với yêu cầu CS&BV, nâng cao sức khỏe của người dân. Tăng ngân sách đầu tư cho dự phòng, nâng cao sức khoẻ cho người dân Hà Nội với các nội dung trọng tâm:
Cần có những chính sách đặc thù cho y tế
Mặc nhiên được hưởng nguồn nhân lực chất lượng cao nhất của đất nước, thuộc các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn, trong tất cả các lĩnh vực, có cả y tế, nên Hà Nội cần có chính sách, cơ chế sử dụng nguồn nhân lực y tế chất lượng cao thuộc các BV, Trường đại học Y - Dược đóng trên địa bàn.
Điều này rất quan trọng, bởi dù là cơ sở y tế hay trường đại học nào, đã ở trên địa bàn Thủ đô, thì đối tượng phục vụ trước hết vẫn là người dân Hà Nội. Do đó, chính sách này không chỉ tạo động lực cho Thủ đô tận dụng được đội các chuyên gia y tế giỏi trong và ngoài nước tham gia quản lý, mà còn tiết kiệm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, tránh chồng chéo, lãng phí.
Thủ đô cũng cần xây dựng mạng lưới các các cơ sở đào tạo nhân lực y tế đặc thù của Thủ đô, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đào tạo nhân lực y tế tổng thể quốc gia.
Đầu tư ngân sách của Hà Nội cho các trường đại học nghiên cứu và ứng dụng KH&CN theo cơ chế đặt hàng, phục vụ các mục tiêu của Thủ đô. Thiết lập mạng lưới cơ sở y tế thực hành cộng đồng trên địa bàn Thủ đô cho các cơ sở đào tạo nhân lực y tế trung ương và Hà Nội nhằm thử nghiệm, triển khai, phát triển các mô hình CSSK cộng đồng theo chuẩn quốc tế.
Quản lý sức khoẻ người dân thủ đô theo quận, huyện, xã sẽ tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị chi phí-hiệu quả vì sức khoẻ người dân được nâng cao, chủ động chăm sóc gần nhà, giảm quá tải ở các BV.
- Hà Nội cũng cần có chế độ đãi ngộ, quy định về KCB và cơ chế chi trả bảo hiểm y tế (BHYT) phù hợp; quy định về cơ chế tài chính, dịch vụ KCB và thanh toán BHYT hợp lý, để khuyến khích đội ngũ bác sĩ làm việc cho cơ sở y tế ngoài công lập.
Ngân sách TP cũng cần bảo đảm cho hệ thống cơ sở y tế, cả công lập và ngoài công lập, đặc biệt trong lĩnh vực dự phòng và CSSK ban đầu. Việc đầu tư cho tuyến y tế cơ sở kết hợp với phát triển mạng lưới bác sĩ gia đình không chỉ góp phần giảm tải cho các BV tuyến trên, mà còn đảm bảo an sinh xã hội toàn diện, bền vững.
- Xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi, các loại hình dịch vụ CSSK cho người cao tuổi thích ứng với già hoá dân số. Xây dựng chính sách bảo hiểm chăm sóc người cao tuổi. Dịch vụ chăm sóc người cao tuổi nên tham khảo mô hình của Nhật Bản là dựa trên cộng đồng.
Coi trọng phát triển cả y tế công và tư
Hà Nội cần có các chính sách tổng thể, phân vai và phối kết hợp vai trò của 3 lĩnh vực: BV tuyến trung ương/Trường Đại học Y-Dược; cơ sở y tế trực thuộc Hà Nội và cơ sở y tế tư nhân trong chiến lược CSSK người dân thủ đô.
Sự phân bố các cơ sở y tế phải gắn với quy hoạch mạng lưới đô thị, TP vệ tinh và các khu dân cư đông người. Các ưu đãi đầu tư nên tập trung vào các chương trình, dự án cụ thể và khả thi tiếp cận thực tế và tiếp cận công nghệ hiện đại của các nước phát triển và nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể là những chuyên gia, nhà khoa học ở những nước tiên tiến, người có kinh nghiệm làm việc chuyên môn trong và ngoài địa bàn thủ đô.
Cần có tư duy thống nhất: Dù cơ sở y tế công lập hay ngoài công lập thì đều có chung một sứ mệnh CSSK cho người dân, để có chính sách công bằng cho sự phát triển của cả hai nhóm y tế này.
Bài học từ dịch COVID-19 đã cho thấy sự tham gia rất khiêm tốn của các cơ sở y tế ngoài công lập, trong khi toàn bộ hệ thống y tế công lập từ trung ương xuống cơ sở đều quá tải. Do vậy, cần đưa ra chính sách phù hợp để khuyến khích tham gia đầu tư các cơ sở y tế tư nhân trong y học dự phòng.
Xây dựng các Trung tâm CSSK tiên tiến, chất lượng cao, đến năm 2030 ngang bằng và có khả năng cạnh tranh với các nước tiên tiến, cung cấp dịch vụ KCB hiện đại, giảm số lượng người dân ra nước ngoài KCB, mở ra mô hình dịch vụ “Du lịch – Chữa bệnh – Chăm sóc sức khoẻ”.
Các trung tâm y tế cao cấp này còn là nơi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong cả nước và các chuyên gia nước ngoài, trao đổi chuyên môn, phối hợp điều trị người bệnh. Nâng cao sức mạnh của y học Phương Đông, cổ truyền, nhất là trong lĩnh vực nâng cao sức khoẻ và phục hồi chức năng.
Các BV lớn đóng trên địa bàn Thủ đô được đầu tư phát triển, là đơn vị dẫn đầu về chuyên môn, KCB từ xa cho các đơn vị y tế tuyến dưới; phát triển y tế số.
Vị trí của các BV lớn được phân bố cả trong nội đô và các khu đô thị mới, các khu vực ngoại ô, vùng y tế công nghệ cao theo qui hoạch phù hợp đáp ứng việc phân luồng người bệnh, kịp thời cấp cứu người bệnh và là cơ sở đào tạo của các trường đại học Y.
Chuyển đổi số y tế có vai trò quan trọng
Hà Nội cần thiết phải xây dựng trung tâm quản lý cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực y tế của Thủ đô. Cơ sở dữ liệu bao gồm:
Thông tin chung: Số lượng nhân viên y tế của từng khoa/phòng trong các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn Thủ đô; sự thay đổi và biến động hàng tháng; nhu cầu phát triển hàng năm; danh mục kỹ thuật chuyên môn đang và sẽ triển khai…
Thông tin cá nhân của từng nhân viên y tế chi tiết tới thời hạn của chứng chỉ hành nghề, lĩnh vực chuyên môn và số giờ tham gia đào tạo liên tục hàng năm...
Tất cả các thông tin trên sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn giúp cho các nhà quản lý đưa ra các chiến lược phát triển đội ngũ nhân viên y tế hàng năm của từng chuyên khoa, tại từng cơ sở y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của từng địa phương trong các giai đoạn phát triển của Thủ đô.
Việc xây dựng, thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử tới từng người dân với một trung tâm quản lý dữ liệu thống nhất và đồng bộ là cần thiết và sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho kinh tế, xã hội của Thủ đô.