|
Theo nhiều đánh giá hậu tranh luận, Bà Harris đã qua mặt ông Trump trong lần tranh luận vừa qua (Ảnh: Getty) |
Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm, luật sư, nguyên Trưởng Khoa Triết của ĐH San Jose, California, Mỹ đã có cuộc trao đổi với VietTimes về cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Kamala Harris diễn ra trong hôm 10/9 vừa qua.
PV: Giáo sư nhận xét thế nào về cuộc tranh luận tối 10/9 (tức 11/9 giờ Việt Nam) giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ: cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris?
Giáo sư Nguyễn Hữu Liêm: Đây là một cuộc tranh luận sôi nổi, đầy kịch tính. Tuy nhiên nội dung về quan điểm và chính sách của hai ứng viên Harris và Trump không có gì mới lạ. Phần lớn họ lặp lại những điều mà cử tri Mỹ đã nghe nhiều lần trong hai tháng qua.
Nhưng sự kiện vừa qua cho thấy bà Harris cũng năng nổ, tấn công trực diện ông Trump khá mạnh, cả về nhân cách và lập trường chính sách, nhiều lần dồn ông Trump vào thế thủ. Nhiều đánh giá hậu tranh luận, ngay cả từ các cơ sở truyền thông ủng hộ ông Trump, cũng thừa nhận là bà Harris đã qua mặt ông Trump trong lần tranh luận vừa qua.
Một trong những vấn đề tranh luận được cử tri Mỹ quan tâm là chiến lược phát triển nền kinh tế Mỹ. Qua tranh luận, quan điểm của ông Trump và bà Harris dường như không có gì mới so với những những gì hai ứng viên từng tuyên bố tại các cuộc vận động tranh cử trước đó. Ông có nhận xét gì về vấn đề này?
Về kinh tế, bà Harris nêu ra những kế hoạch khá bình thường của phe dân chủ nhằm nâng đỡ thành phần nghèo khó, nhưng về vĩ mô thì thiếu. Ông Trump thì không có một chính sách gì rõ rệt mà chỉ nói mơ hồ về một số ý tưởng kinh tế vĩ mô và để dành thì giờ chỉ trích chính sách kinh tế của đương kim Tổng thống Joe Biden.
Đáng ra bà Harris nên nhấn mạnh đề án của bà về lạm phát, về di cư trái phép, về chỉ số thất nghiệp, về chính sách tiền tệ, về khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc. Tôi cảm thấy thất vọng về cả hai khi họ tranh luận về các vấn đề kinh tế.
Sự khác biệt tương đối rõ nét giữa hai ứng cử viên là về vấn đề Israel- Palestine và cuộc chiến Nga-Ukraine. Ông có thể nêu rõ hai ứng viên đã tranh luận với nhau về vấn đề này như thế nào không? Cử tri Mỹ và giới truyền thông đánh giá như thế nào về quan điểm của hai ứng viên?
Về Israel và Palestine, chính trị Mỹ bị khối ủng hộ Do Thái kiểm soát nên cả hai ứng viên rất cẩn thận khi nói về vấn đề này.
Bà Harris có quan điểm trung hòa hơn nhằm lấy phiếu khối cử tri cấp tiến, giới trẻ, khối gốc Arab. Trong khi đó, ông Trump tránh né hầu hết, chỉ tập trung chỉ trích đối thủ.
Về xung đột Nga-Ukraine, ông Trump không chịu trả lời là ông có ủng hộ Ukraine chống Nga hay không mà chỉ lặp lại quan điểm rằng cuộc chiến cần phải chấm dứt. Dường như ông Trump có lập trường thân Nga, chống NATO và bênh vực Tổng thống Putin trong cuộc chiến này.
Trong cuộc tranh luận trực tiếp, ông Trump nói: “Ở Springfield, họ (những người nhập cư) ăn thịt chó mèo, những người đến sống, họ đang ăn thịt mèo, họ ăn thú cưng của những người dân sống tại đó”. Giới truyền thông đã tiến hành kiểm chứng phát biểu của ông Trump và kết luận không có bằng chứng nào về chuyện này. Giới chức thành phố Springfield cũng nói không có thông tin như vậy. Ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
Về vấn đề ăn thịt thú cưng, ông Trump nêu lên để lấy phiếu phe bảo thủ da trắng như là một ví dụ điển hình về sự thất bại của chính sách nhập cư ở biên giới miền Nam nước Mỹ.
Tuy nhiên các giới chức địa phương như ở thành phố Springfield, bang Illinois lại phủ nhận tin đồn đó. Thực ra cá nhân tôi biết rằng đã từng có những cộng đồng di dân có làm thịt thú cưng để ăn nhậu bí mật, nhưng rất hiếm, và dân di cư họ cũng ý thức rằng chuyện ăn thịt thú nuôi như mèo và chó là không phù hợp, ít nhất là về văn hóa ở nước Mỹ.
Xã hội Mỹ thì đa dạng, nhiều tầng lớp phức tạp, và khối di cư trái phép cũng mang đến nước Mỹ nhiều vấn đề, nhất là tội phạm hình sự. Tuy nhiên, dân di cư trái phép cũng là nguồn lao động rẻ tiền và dồi dào cho các ngành nông nghiệp, nhà hàng, làm vườn, vệ sinh. Nhiều khối dân bản địa truyền thống đang là tác nhân cho tội phạm, tệ nạn xã hội còn cao hơn là dân di cư bất hợp pháp nhiều.
Nói chung, dân di cư, chính thức hay không, là con dao hai lưỡi cho nước Mỹ. Nó là một ân huệ nhưng cũng là một lời nguyền tùy theo góc độ và tầm nhìn của người quan sát và đánh giá.
Kinh nghiệm cho thấy, các cuộc thăm dò dư luận và kết quả bầu cử đôi khi không đồng nhất. Cuộc bầu cử 2016 là một ví dụ. Bà Hillary Clinton dẫn trước ông Trump ở hầu hết các cuộc thăm dò dư luận cho đến tận ngày cử tri bỏ phiếu, nhưng kết quả lại thua ông Trump. Cuộc thăm dò dư luận gần đây đều nghiêng về bà Harris. Liệu cuộc bầu cử năm nay có như vậy?
Ở Mỹ có một hiện tượng kỳ lạ kể từ khi có ứng viên Donald Trump: Đó là khối cử tri ủng hộ ông Trump bí mật, không ra mặt khi được thăm dò, vì họ biết rằng ông Trump là người có nhiều vấn đề về tính cách.
Thế nhưng họ lại thầm lặng ủng hộ ông về chính sách bảo thủ, nhất là vấn đề di cư. Khối "closet pro-Trump" (ủng hộ Trump giấu kín) chiếm khoảng 2-3% cử tri, và nó chính là yếu tố thắng bại ở các tiểu bang dao động. Điều này đã đúng ở kỳ tranh cử năm 2016 giữa bà Clinton và ông Trump.
Theo giáo sư, liệu cử tri Mỹ đã chuẩn bị tinh thần và tâm thế cho một Tổng thống nữ da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ?
Người dân Mỹ đã từng chấp nhận Tổng thống da đen là ông Obama rồi, suýt nữa đã có bà Clinton là Tổng thống nữ, thì bà Harris là bước kế tiếp không có gì ngạc nhiên, nhất là khi con số cử tri cấp tiến, phe tả, khối da màu ngày càng gia tăng.
Thực ra lãnh đạo nữ trên thế giới đã là điều hiển nhiên từ nhiều thập kỷ qua, ngay ở các quốc gia vốn trọng nam khinh nữ. Nước Mỹ vẫn là một quốc gia còn rất chậm về vấn đề chính trị giới tính này. Nhưng có vẻ như gió đang đổi chiều khá mạnh.
Cảm ơn ông!