Một trong số những ứng dụng bị gỡ là Honeycomb. Theo các nhà nghiên cứu từ Lookout, một nhà cung cấp bảo mật di động cho biết, ứng dụng Honeycomb đã đạt được hơn 1 triệu lượt tải trước khi bị gỡ bỏ.
Nhà nghiên cứu Chris Dehghanpoor của Lookout tiết lộ, ứng dụng trên đã vô tình khoe khoang lượng tải về , xếp hạng cao của người dùng và bị phát hiện. Nhưng có lẽ sự khoe khoang này chẳng hề chính đáng bởi đều dựa vào thủ đoạn xấu ép buộc tải tự động ứng dụng trên máy người dùng.
Danh sách các ứng dụng di động bị "vạch trần" do tự động cài đặt và yêu cầu quyền root máy của người dùng.
Trang Ars Technica từng đưa tin hồi tháng 11/2015 rằng, một số nhóm mã độc Shedun, Shuanet và ShiftyBug đã dấy lên những nguy hiểm tiềm tàng từ việc khai thác khả năng root máy của một số ứng dụng. Thủ đoạn tinh vi này khiến nhiệm vụ xóa bỏ cài đặt các ứng dụng đó dường như trở nên cực kỳ khó khăn. Nguyên nhân bởi các ứng dụng đã can thiệp khá sâu và biến chúng trở thành các ứng dụng hệ thống trong máy. Kết quả là người dùng khó có thể "nhổ cỏ tận gốc" các ứng dụng cứng đầu này chỉ bằng cách xóa cài đặt thông thường.
Năm ngoái, một số ứng dụng cũng được phát hiện cho thấy đều thuộc các kho ứng dụng bên thứ ba. Tuy nhiên, 13 ứng dụng được phát hiện mới đây lại xuất hiện ngay trong Google Play Store. Thủ đoạn càng lúc càng tinh vi và người dùng càng khó để nhận biết.
Chúng là một phần trong nhóm phần mềm độc hại có tên Brain Test. Các ứng dụng bị phát hiện chỉ thực hiện nhiệm vụ cài cắm tự động ứng dụng vào máy người dùng. Tuy nhiên ít ai biết rằng chúng còn được thiết kế để thực hiện một loạt các hành vi hắc ám, bao gồm cập nhật thông tin máy tới máy chủ của kẻ tấn công.
Cách loại bỏ tốt nhất Brain Test là sao lưu mọi dữ liệu có giá trị và up lại ROM gốc được cung cấp từ phía nhà sản xuất thiết bị. Tốt hơn hết, người dùng vẫn cần thận trọng và cảnh giác khi tải về các ứng dụng trên Google Play Store ngay cả khi ứng dụng đó nhận được nhiều lượt đánh giá tích cực.
Theo ArsTechnica, Tri thức trẻ