|
Goldman Sachs chính thức thông báo sẽ trả 5,1 tỉ đô la Mỹ trong một thỏa thuận dân sự liên quan tới vụ khủng hoảng tài chính năm 2007-2008. Ảnh: NBC NEWS |
Bán hàng chất lượng kém
Trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các ngân hàng lớn của Mỹ vẫn kinh doanh “chứng khoán mua nhà trả góp”. Họ mua lại các khoản vay mua nhà của các ngân hàng bán lẻ và các nhà môi giới thế chấp trên cả nước, rồi bán chúng cho những người khác. Các công ty tài chính mua nhà trả góp được chính phủ tài trợ như Fannie Mae và Freddie Mac đã trở thành người mua lại một số khoản thế chấp này.
Nhưng rất nhiều các khoản vay mà các ngân hàng bán ra là xấu. Nhiều khoản cho vay dưới chuẩn (subprime), chẳng hạn cho những người có điểm tín dụng yếu kém vay. Nhiều hơn nữa là những khoản vay gọi là “Alt-A”, nghĩa là có chất lượng tốt hơn nợ dưới chuẩn (subprime), nhưng tệ hơn nợ chuẩn (prime).
Các công ty mua khoản thế chấp biết rằng họ đầu tư vào tín dụng rủi ro và chất lượng thấp. Nhưng họ không biết rõ chúng có chất lượng thấp như thế nào. Chẳng hạn, những người vay tài sản trả góp không kiếm được nhiều tiền như họ khai báo, hoặc có những dấu hiệu cho thấy họ không có khả năng quản lý tài sản mà họ đã thế chấp.
Kết quả là, những người mua lại cuối cùng, trong đó có cả Fannie Mae và Freddie Mac, các nhà đầu tư tư nhân... đã bị mất tiền khi người vay không thể thanh toán các khoản trả góp của họ. Đây là một phần nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở Mỹ năm 2007-2008.
Nhiều ngân hàng, trong đó có Goldman Sachs và các đại gia như Bank of America, JPMorgan Chase... đã bị các cơ quan chức năng kiện, cáo buộc gian dối vì đã bán các khoản vay mua nhà trả góp có độ rủi ro cao hơn so với mô tả trong tài liệu chào bán.
Ví dụ, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã khởi kiện dân sự Goldman Sachs về tội lừa đảo nhà đầu tư bằng cách không cung cấp thông tin thiết yếu về một sản phẩm tài chính có liên quan tới nợ vay dưới chuẩn.
Xóa bỏ tiếng xấu
Sau nhiều năm theo đuổi các vụ kiện, cuối tuần trước, Goldman Sachs chính thức thông báo sẽ trả 5,1 tỉ đô la Mỹ trong một thỏa thuận dân sự với các công tố viên liên bang, các nhà quản lý, nhằm giải quyết các cáo buộc liên quan tới gian dối trong bán chứng khoán thế chấp.
Thông báo của Goldman Sachs được đưa ra vào lúc đóng cửa thị trường hôm thứ Năm tuần trước. Các điều khoản cuối cùng của thỏa thuận vẫn đang được đàm phán, nhưng báo The New York Times trích nguồn tin từ Goldman Sachs cho biết, ngân hàng đầu tư Phố Wall này sẽ nộp một khoản tiền phạt dân sự 2,4 tỉ đô la, kèm theo đó là 875 triệu đô la tiền mặt và các khoản hỗ trợ khác lên đến 1,8 tỉ đô la Mỹ để đền bù cho những người thiệt hại.
Ngay sau khi thông báo trên được đưa ra, cổ phiếu của Goldman lập tức giảm 0,4% trong phiên giao dịch ngày 14-1. Chốt phiên trước đó, cổ phiếu Goldman đã tăng bất ngờ 1,5%, lên đến 161,39 đô la.
Goldman cho biết, việc giải quyết vụ kiện dân sự sẽ khiến doanh thu của hãng sụt giảm khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ trong quí 4-2015. Trong quí 3, công ty báo cáo lợi nhuận đạt mức 1,3 tỉ đô la, tương đương 2,9 đô la Mỹ một cổ phiếu.
“Chúng tôi rất vui mừng đã đạt được thỏa thuận về nguyên tắc để giải quyết những vấn đề này”, Lloyd C. Blankfein, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Goldman, tuyên bố.
Goldman là một trong những công ty cuối cùng đạt được thỏa thuận dân sự với tổ công tác đặc biệt gồm các công tố viên liên bang, luật sư và cơ quan quản lý. Tổ công tác này được lập ra để điều tra vai trò của các ngân hàng Phố Wall trong việc bán chứng khoán mua nhà trả góp xấu. Các nhà đầu tư, gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng, đã chịu tổn thất nặng nề, một số công ty thậm chí còn phá sản, khi giá trị của chứng khoán này trượt dốc thảm hại theo sự sụp đổ của thị trường nhà đất.
Theo đánh giá của các chuyên gia, vai trò của Goldman trong vụ việc này nhỏ hơn nhiều so với các ngân hàng khác như Bank of America hay JPMorgan Chase. Bank of America đã phải chi trả khoảng 16,6 tỉ đô la Mỹ năm 2014, JPMorgan Chase cũng phải trả khoảng 13 tỉ đô la năm 2013 trong các vụ dàn xếp tương tự với các cơ quan liên bang và tiểu bang. Tổng cộng, đến nay các ngân hàng đã trả hơn 40 tỉ đô la để giải quyết khiếu nại được điều tra bởi tổ công tác đặc biệt.
Trong các khoản chi trả đó, có một số tiền nhất định gọi là tiền mềm, dùng để hỗ trợ chủ sở hữu những căn nhà đã bị các ngân hàng tịch thu gán nợ. Trong trường hợp của Goldman, tiền mềm là 1,8 tỉ đô la; của Bank of America, con số này là 7 tỉ đô la.
Với việc thông báo thỏa thuận vào thời điểm trước khi công bố doanh thu quí 4, Goldman đang muốn xây dựng một hình ảnh mới tươi đẹp để bước vào năm 2016.
Theo The New York Times, The Washington Post, TBKTSG