‘Gói hỗ trợ mạnh mẽ nhất, hiệu quả nhất vẫn là vaccine!’

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo chuyên gia MBS, gói hỗ trợ bền vững và mạnh mẽ nhất vẫn là việc đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 để nền kinh tế Việt Nam sớm mở cửa trở lại.
Toàn cảnh hội thảo MBS Talk 20 với chủ đề “Cơ hội thị trường giai đoạn bình thường mới”
Toàn cảnh hội thảo MBS Talk 20 với chủ đề “Cơ hội thị trường giai đoạn bình thường mới”

Quan điểm trên được ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng MBS, nhấn mạnh tại buổi hội thảo MBS Talk 20 với chủ đề “Cơ hội thị trường giai đoạn bình thường mới” vào chiều nay (30/9).

Chia sẻ về gói hỗ trợ lãi suất khoảng 3.000 tỉ đồng của NHNN, vị chuyên gia của MBS cho rằng đây là gói hỗ trợ có quy mô vừa phải. “Nên so sánh dư nợ 100.000 tỉ đồng được giảm lãi suất của gói hỗ trợ này với tổng dư nợ khoảng 9 triệu tỉ đồng của nền kinh tế”, ông Tuấn nói.

Ông Hoàng Công Tuấn cho rằng NHNN đã tỏ ra thận trọng, đặc biệt là sau những bài học kinh nghiệm từ quá khứ.

Nhìn lại năm 2009, sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cơ quan quản lý tiền tệ cũng đã tung ra các gói hỗ trợ, cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng tạo áp lực lạm phát cho các năm sau, gây ra tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô.

“Gói hỗ trợ mạnh mẽ nhất, hiệu quả nhất vẫn là vaccine”, ông Tuấn nêu quan điểm. Theo vị chuyên gia này, tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 càng được đẩy nhanh thì nền kinh tế càng sớm được mở cửa. Từ đó, tiềm năng và sức bật của nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm được thể hiện trong các năm tới.

Đưa ra dự báo mặt bằng lãi suất khó có khả năng tăng nhiều vào năm 2022, ông Hoàng Công Tuấn kỳ vọng thị trường chứng khoán vẫn giữ được sức hấp dẫn, đặc biệt là so với các kênh đầu tư truyền thống như gửi tiết kiệm, bất động sản hay đầu tư ngoại hối.

Chỉ số VN-Index có thể lên tới vùng 1.600 - 1.700 điểm vào năm 2022?

Chỉ số VN-Index có thể lên tới vùng 1.600 - 1.700 điểm vào năm 2022?

Đồng quan điểm, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc nghiên cứu khối KHCN MBS, cho hay thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã ở mức ngang bằng so với một số nước trong khu vực.

Về ngắn hạn, ông Sơn đánh giá thị trường đang chịu ảnh hưởng từ các ‘làn gió ngược’ và nhà đầu tư đang đón chờ kết quả kinh doanh quý 3/2021 sau khi các thông tin về kinh tế vĩ mô đã được công bố.

“Chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu sẽ được định giá lại”, ông Sơn nói. Vị chuyên gia này cũng dự báo các cú sốc lớn đối với thị trường chứng khoán trong năm 2022 là gần như không có.

Tiếp tục duy trì quan điểm VN-Index đang hình thành mẫu hình sóng Elliott đi lên, ông Trần Hoàng Sơn cho rằng chỉ số này đang ở sóng 4 và mức biến động đang được thu hẹp dần.

“Đây là cơ hội để tích luỹ cổ phiếu cho kết quả kinh doanh quý 4 và năm sau. Nếu xu hướng này tiếp tục duy trì, VN-Index có thể vượt ngưỡng 1.444 điểm. Đỉnh sóng 5 sẽ rơi vào vùng 1.600 – 1.700 điểm trong năm 2022”, ông Sơn cho biết.

Trong kịch bản thanh khoản thị trường duy trì ở mức 18.000 tỉ đồng, các chuyên gia MBS dự báo chỉ số VN-Index sẽ dao động trong vùng từ 1.200 tới 1.400 điểm./.