Sẽ thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo
Cụ thể, theo quyết định mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về việc thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Đông Xuân 2014 - 2015 ở đồng bằng sông Cửu Long, sẽ mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo theo tỷ lệ quy đổi thóc: gạo là 2:1; bao gồm các loại thóc, gạo (kể cả gạo tẻ, nếp, thơm và tấm các loại). Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo một số ngân hàng thương mại cho vay mua tạm trữ thóc, gạo trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày mua tạm trữ đến hết ngày 31-8-2015. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ với thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 4 tháng kể từ ngày mua tạm trữ đến hết ngày 30-6-2015.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức việc phân giao cho các thương nhân trực tiếp sở hữu kho chứa thóc, gạo đúng quy chuẩn theo quy định thực hiện mua số thóc, gạo tạm trữ trên, đồng thời phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ và chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức mua tạm trữ thóc, gạo. "Các thương nhân thực hiện mua thóc, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh” – quyết định của Chính phủ nêu rõ.
Lâu nay, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo đã được thực hiện với mục tiêu hướng đến nâng cao thu nhập, nâng cao vị thế của người nông dân Việt Nam trong chuỗi giá trị lúa gạo. Việc thu mua tạm trữ gạo hầu như vụ mùa nào cũng được triển khai. Tuy nhiên, trong tất cả những lần Chính phủ thực hiện việc thu mua lúa gạo trước đây, mục tiêu hướng đến đối tượng chính là nông dân hầu như không khả thi. Ngược lại, người được hưởng lợi nhiều chủ yếu lại thuộc về đối tượng trung gian là thương lái.
Nông dân chưa hưởng lợi
Không ít lần các chuyên gia ngành nông nghiệp đã đưa ra nhận định, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo được thực hiện song hành với chính sách đảm bảo người nông dân có lãi ít nhất 30%. Song, trên thực tế, hiệu quả của chính sách này chưa thực sự rõ ràng. Nhóm các nhà nông nghiệp học đến từ Trung tâm nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (Casrad) – TS Đào Thế Anh, KS. Thái Văn Tình, Th.S Hoàng Thanh Tùng đưa ra nhận định: Người nông dân không được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này. So sánh với chính sách thu mua tạm trữ của Thái Lan, Ấn Độ, nhóm chuyên gia này cho rằng, nếu như ở các nước này, chính sách được thực hiện bằng việc các doanh nghiệp nhà nước thu mua lúa trực tiếp từ nông dân, thì ở Việt Nam, các doanh nghiệp lại thu mua lúa gạo tạm trữ từ thương lái. Do đó, chính sách này hiện nay chỉ mang lại lợi ích gián tiếp cho người nông dân nếu như giá lúa gạo tăng trở lại. Nhà nước không đủ nguồn vốn để thực hiện việc thu mua tạm trữ nên dự trữ lưu thông chủ yếu do các DN thực hiện và có sự hỗ trợ lãi suất của Nhà nước. Tuy nhiên, phân tích sâu xa hơn, nhóm chuyên gia cho rằng, cơ chế này đang không phù hợp với các DN bởi việc thực hiện thu mua buộc các DN phải sử dụng vốn kinh doanh vào thu mua tạm trữ, làm tăng thêm chi phí (phí thu mua, phí lưu trữ…). Các chi phí này sau đó lại được tính vào giá thành khiến cho sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam trên thị trường bị giảm mạnh.
Nhấn mạnh hơn về tính không hiệu quả của chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo hiện nay của Việt Nam, TS Đào Thế Anh cho rằng, lượng thu mua lúa gạo gia tăng thêm từ chính sách dự trữ thực chất không nhiều. Giá thu mua vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng ký được hợp đồng xuất khẩu của DN. Và đây chính là lý do tại sao trong bốn lần thu mua tạm trữ từ năm 2009 đến năm 2013 (vụ hè thu vào các năm 2009, 2020 và vụ đông xuân vào các năm 2001 và 2012) thì có đến 2 lần thất bại: Giá lúa thu mua tiếp tục giảm thay vì tăng trở lại.
Trước những bất cập của chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo hiện nay, nhóm chuyên gia của Casrad cho rằng, cần phải sửa đổi chính sách tạm trữ lúa gạo theo hướng: Khi giá lúa trên thị trường xuống thấp hơn giá lúa ấn định thì Nhà nước nên cho phép các hợp tác xã vay tiền theo khối lượng lúa của các xã viên đang tạm trữ lúa được ứng trước một số tiền để đáp ứng cho nhu cầu cấp bách của nông hộ. Đến khi giá lúa tăng trở lại họ sẽ bán lúa và trả lại tiền tạm ứng của Nhà nước. Số lượng lúa tạm trữ sẽ được hỗ trợ tối đa 100% lãi suất cho hợp tác xã của Nhà nước. Như vậy, người nông dân sẽ được hưởng hoàn toàn sự hỗ trợ của Nhà nước. Còn như hiện nay, người nông dân đang là đối tượng được hưởng lợi ít nhất từ chính sách này.
Ngoài ra, nhóm chuyên gia cũng nhấn mạnh một thực trạng lâu nay, đó là việc tồn tại quá nhiều tác nhân trung gian trong chuỗi giá trị gạo nội địa dẫn đến hiệu quả kinh tế của chuỗi bị giảm sâu. Cụ thể, do phải phân chia chi phí và giá trị gia tăng qua nhiều gia đoạn khiến cho giá gạo tăng, đặc biệt là giá gạo trong thị trường nội địa, làm giảm năng lực cạnh tranh của lúa gạo trên thị trường.
Theo ĐĐK