Giữa lúc căng thẳng, Đài Loan tung phim về “Pháo chiến Kim Môn”, tuyên bố đánh đến người lính cuối

VietTimes – Vào lúc quan hệ hai bên bờ eo biển Đài Loan cực kì căng thẳng, phía Đài Loan đã tung ra bộ phim tuyên truyền về trận “Pháo chiến Kim Môn” nổi tiếng và tuyên bố sẽ chiến đấu đến người lính cuối cùng.
Ngày 23/8/1958,Trung Quốc đã phát động chiến dịch "Pháo chiến Kim Môn" kéo dài đến năm 1979 mới hoàn toàn chấm dứt. Trong ảnh là cảnh pháo binh Đài Loan bắn trả sang Trung Quốc đại lục trong bộ phim của Đài Loan (Ảnh: Đông Phương).
Ngày 23/8/1958,Trung Quốc đã phát động chiến dịch "Pháo chiến Kim Môn" kéo dài đến năm 1979 mới hoàn toàn chấm dứt. Trong ảnh là cảnh pháo binh Đài Loan bắn trả sang Trung Quốc đại lục trong bộ phim của Đài Loan (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 23/8, đúng ngày này 62 năm trước, vào ngày 23/8/1958, Trung Quốc đại lục đã phát động chiến dịch pháo kích đảo Kim Môn của Đài Loan nằm cách cận kề thành phố Hạ Môn, sau đó kéo dài dai dẳng đến 1979 mới hoàn toàn chấm dứt. Sáng Chủ nhật (23/8) là ngày kỷ niệm 62 năm trận “Pháo chiến 23/8” (hay Pháo chiến Kim Môn); người đứng đầu chính quyền Đài Loan, bà Thái Anh Văn đã đến Nghĩa trang Thái Vũ Sơn ở Kim Môn để chủ trì sự kiện tưởng niệm. Ông William Brent Christensen, Giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) lần đầu tiên đã cùng tham dự hoạt động này. Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã phát hành một bộ phim tuyên truyền nói quân đội Đài Loan “có sứ mệnh lịch sử bảo vệ Trung Hoa Dân Quốc” và tuyên bố: “Dù có phải chiến đấu đến người lính cuối cùng, cũng quyết không để kẻ thù đạt được mục đích”.

Bà Thái Anh Văn và ông William Brent Christensen, Giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) cùng các quan chức cấp cao Đài Loan viếng những binh sĩ tử trận trong trận "Pháo chiến Kim Môn" (Ảnh: Đông Phương).
Bà Thái Anh Văn và ông William Brent Christensen, Giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) cùng các quan chức cấp cao Đài Loan viếng những binh sĩ tử trận trong trận "Pháo chiến Kim Môn" (Ảnh: Đông Phương).

Đông Phương cho biết, mở đầu hoạt động tưởng niệm, bà Thái Anh Văn đã cùng đại diện các cựu chiến binh từng tham gia chiến dịch, gia quyến những người tử trận và đại biểu ba quân chủng thắp hương, đặt vòng hoa tại đền thờ và khu mộ ở Thái Vũ Sơn. Các quan chức tham dự sự kiện còn có Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Đài Loan Cố Lập Hùng, Bộ trưởng Quốc phòng Nghiêm Đức Phát, Tổng tham mưu trưởng Hoàng Thử Quang. Sau sự kiện, bà trở về Đài Loan bằng chuyên cơ Air Force One. Trang web theo dõi các chuyến bay cho thấy chuyến bay của Air Force One không có mã nhận dạng, một máy bay nghi của PLA đã lượn vòng ở phía đông đường trung tâm eo biển Đài Loan trong suốt 173 phút.

Hình ảnh máy bay Đài Loan diễn tập tấn công kẻ thù trong bộ phim tuyên truyền (Ảnh: Đông Phương).
Hình ảnh máy bay Đài Loan diễn tập tấn công kẻ thù trong bộ phim tuyên truyền (Ảnh: Đông Phương).

Bộ Quốc phòng Đài Loan đã tuyên bố trong bộ phim tuyên truyền có tựa đề “Gối giáo chờ sáng (ý nói sẵn sàng chiến đấu), chung vận mệnh với đảo”, trong phim nói “lịch sử đã chứng minh, hòa bình không thể dựa vào thiện chí của kẻ thù; an ninh phải được xây dựng trên sức mạnh của chính mình. Vì vậy, trước mối đe dọa quân sự hiện tại của PLA, quân đội Đài Loan với nguyên tắc “không khiêu khích, không tỏ ra yếu thế”, tăng cường khả năng chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu để đạt được mục tiêu “Đừng trông chờ kẻ thù không đến, hãy chờ đợi chúng bằng thứ ta có”. Quân đội Đài Loan có đủ tự tin và khả năng buộc kẻ thù xâm phạm Đài Loan phải thất bại”.

Hình ảnh tàu chiến Đài Loan phóng tên lửa trong bộ phim tuyên truyền (Ảnh: Đông Phương).
Hình ảnh tàu chiến Đài Loan phóng tên lửa trong bộ phim tuyên truyền (Ảnh: Đông Phương).

Phim chỉ ra rằng quân đội Đài Loan “trong thời bình có thể ứng cứu thiên tai và chiến đấu trong thời chiến.” Chìa khóa để phát huy sức mạnh chiến đấu không nằm ở độ dài thời gian, mà là quyết tâm bảo vệ tự do và dân chủ. Bộ Quốc phòng Đài Loan nhấn mạnh rằng những người lính năm xưa đã sử dụng mạng sống của họ để bảo vệ quê hương dưới sự uy hiếp của hỏa lực; ngày nay phải để cho người dân Đài Loan được hưởng thành quả hòa bình khó khăn lắm mới có được này.

Ngân sách quốc phòng của Đài Loan được công bố trước đó, được tăng thêm 15,6 tỷ Đài tệ, tức tăng thêm 44%, bị coi là một con số không mấy ý nghĩa. Bộ Quốc phòng Đài Loan đã trả lời vào Chủ nhật, nói "để đối phó mối đe dọa ngày càng gia tăng của kẻ thù".

Bà Thái Anh Văn thị sát một đơn vị pháo binh Đài Loan vào tuần trước khi Trung Quốc đang tiến hành diễn tập thực binh ở hai đầu đảo Đài Loan (Ảnh: CNA).
Bà Thái Anh Văn thị sát một đơn vị pháo binh Đài Loan vào tuần trước khi Trung Quốc đang tiến hành diễn tập thực binh ở hai đầu đảo Đài Loan (Ảnh: CNA).

Cũng trong tuần này, PLA đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự tập trung tại hai đầu phía bắc và nam của Đài Loan. Ngoài các hoạt động quân sự lớn ở vùng biển phía Đông từ Thanh Đảo đến Liên Vân Cảng trên Hoàng Hải từ 20 đến 22/8, theo Cục An toàn Hàng hải Quảng Đông, từ 0 giờ ngày thứ Hai (24/8) đến 24 giờ đêm thứ Bảy (29/8), PLA sẽ tiến hành diễn tập trên Biển Đông ở vùng biển phía đông tỉnh Quảng Đông. Cục An toàn Hàng hải Đại Liên cũng cho biết, các nhiệm vụ quân sự sẽ được thực hiện ở eo biển Bột Hải từ 8 giờ sáng thứ Hai (24/8) đến 18 giờ chiều thứ Ba (25/8). Cục An toàn Hàng hải Đường Sơn cũng cho biết từ 0 giờ ngày thứ Hai (24/8) đến hết tháng 9, các hoạt động bắn đạn thật sẽ được PLA thực hiện tại một số vùng trên biển Bột Hải.

Cũng theo Đông Phương, Kim Môn chỉ cách Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến) 2,3 km, trong khi cách đảo Đài Loan 210 km nên được mệnh danh là tiền tuyến của Đài Loan. Ngày 23/8/1958, Trung Quốc đại lục bất ngờ phát động chiến dịch pháo kích Kim Môn, PLA đã bắn hơn 470.000 quả đạn pháo lên đảo Kim Môn. Chiến sự ác liệt nhất diễn ra liên tục 44 ngày, sau đó kéo dài dai dẳng đến tận 1979.

Loại pháo xe kéo cỡ nòng 203mm Đài Loan đã tham gia bắn trả sang Hạ Môn trong thời gian diễn ra chiến dịch "Pháo chiến Kim Môn" (Ảnh: Đông Phương).
Loại pháo xe kéo cỡ nòng 203mm Đài Loan đã tham gia bắn trả sang Hạ Môn trong thời gian diễn ra chiến dịch "Pháo chiến Kim Môn" (Ảnh: Đông Phương).

Trận chiến này là cuộc xung đột quân sự lớn cuối cùng giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản sau khi chính phủ Quốc Dân Đảng chạy ra Đài Loan. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đài Loan Du Đại Vi cũng bị thương vì pháo. Sau khi bị thương, ông Du đã đích thân yêu cầu Mỹ viện trợ loại pháo khổng lồ để chống lại Đại Lục. Kết quả là Quân đội Hoa Kỳ đã vận chuyển các cỗ lựu pháo tự hành 203mm uy lực mạnh đến Kim Môn và đặt tại Sư Tử Sơn bắn trả, buộc PLA phải ngừng pháo kích.

Thống kê cho thấy, trong cuộc chiến này, quân đội Đài Loan đã bị chết gần 500 binh sĩ và hơn 2.000 người bị thương. Ngoài ra 80 người người dân Kim Môn chết và hơn 200 người bị thương. Trận đấu pháo ở Kim Môn cũng là cuộc xung đột quân sự quy mô lớn gần đây nhất giữa hai bên bờ eo biển.

Cho đến cuối ngày 23/8 chưa thấy có phản ứng gì từ phía Trung Quốc đại lục về những động thái này của Đài Loan./.