|
Có quá nhiều cholesterol trong máu ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tim mạch. |
Kiểm soát mức cholesterol
Cholesterol không hoàn toàn xấu. Chất này giúp duy trì tính toàn vẹn và sự linh hoạt của màng tế bào. Khi hiện diện ở mức độ vừa phải, cholesterol cực kỳ quan trọng để duy trì cấu trúc tế bào. Nhưng khi xuất hiện quá mức, chất này khiến nguy cơ mắc bệnh tim tăng lên. Vì vậy, việc kiểm soát mức cholesterol rất quan trọng trong hành trình giữ trái tim khỏe mạnh.
Cách tốt nhất để kiểm soát cholesterol là hạn chế sử dụng các thực phẩm như thịt, phô mai, các sản phẩm từ sữa, dầu hydro hóa, thực phẩm chiên và những loại thực phẩm chỉ giàu chất béo, không cung cấp dinh dưỡng nào khác. Hãy sử dụng thực phẩm chứa ít cholesterol, ví dụ yến mạch, đậu, cà tím, đậu bắp, lúa mạch, đậu nành, các sản phẩm từ đậu nành, trái cây, thực phẩm giàu chất xơ...
Bên cạnh đó, tăng cường tập thể dục, ăn uống lành mạnh, kiểm tra cân nặng của bạn, không hút thuốc cũng sẽ giúp kiểm soát mức độ cholesterol có trong cơ thể.
Quản lý mức độ đường trong cơ thể
|
Tương tự với cholesterol, đường là chất cần thiết để cung cấp năng lượng cho cơ thể ở mức độ vừa phải. Một phần đường sẽ chuyển đổi thành các phân tử năng lượng, phần còn lại sẽ được lưu trữ trong cơ thể dưới dạng chất glycogen.
Tuy nhiên, khi các tế bào đã chứa đầy glycogen, đường bắt đầu tích tụ trong máu, dẫn đến lượng đường trong máu cao. Insulin – chất tự nhiên trong cơ thể có nhiệm vụ chuyển hóa đường – sẽ không thể thực hiện vai trò của mình, khiến bạn mắc bệnh tiểu đường. Dần dần, các mạch máu sẽ mất tính linh hoạt, trở nên cứng nhắc, khiến bạn mắc bệnh tim mạch.
Để tránh cơ thể mắc các bệnh nghiêm trọng, hãy tiêu thụ thực phẩm ít đường, thực phẩm có nhiều chất xơ, tích cực uống nước và tập thể dục thường xuyên. Bên cạnh đó, dù bạn ăn gì, hãy chú ý đến các phần ăn để thay đổi cơ thể theo hướng lành mạnh hơn.
Giữ cân nặng ở mức vừa phải
|
Các nhà khoa học trên thế giới đã chứng minh béo phì là một căn bệnh, do nồng độ triglyceride và cholesterol trong cơ thể có hại cao, còn lượng cholesterol có lợi thấp; kèm theo tiểu đường và huyết áp cao, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, góp phần gây ra suy tim ở 45% dân số Mỹ.
Do đó, bạn hãy duy trì một trọng lượng thích hợp, khỏe mạnh bằng cách thường xuyên kiểm tra chỉ số khối cơ thể (BMI) để biết trọng lượng lý tưởng phù hợp với chiều cao và cố gắng duy trì nó.
Huyết áp ổn định
|
Huyết áp cao hoặc tăng huyết áp gây ra căng thẳng về thể chất và bệnh tim mạch;tích tụ mảng bám, lượng cholesterol, chất béo và các chất khác trong động mạch, làm giảm khả năng bơm máu của tim. Nghiêm trọng hơn, tăng huyết ảnh hưởng tới nhịp tim, không cho phép tim bơm máu hết công suất, cuối cùng dẫn đến suy tim.
Tập thể dục thường xuyên
|
Tập thể dục là phương pháp tốt nhất để có một cơ thể khỏe mạnh. Vì vậy, hãy tập thể dục ít nhất 4-5 lần một tuần để giữ cho tất cả các cơ khỏe mạnh, trong đó có cơ tim; làm cho máu và oxy được bơm hiệu quả đến tất cả các bộ phận của cơ thể.
Chế độ ăn uống thân thiện với tim
|
Thực phẩm là nhiên liệu cho tâm hồn và cơ thể của chúng ta. Việc ăn đúng cách có thể giúp bạn tránh xa tới 80% loại bệnh tật. Tuy nhiên, do cơ thể mỗi người khác nhau nên không phải chế độ ăn lành mạnh nào cũng có thể áp dụng. Bạn cần hiểu loại thức ăn mà cơ thể cần để bổ sung, sau đó kết hợp các chế độ ăn giữ cho trái tim khỏe mạnh, tránh xa các bệnh tim mạch.
Ngủ đủ giấc
|
Khi mọi người quá bận rộn, họ thường xuyên không ngủ đủ giấc. Họ thức trắng đêm, thức dậy sớm để đến trường đại học hoặc đi làm. Sau đó, họ cảm thấy thèm những thực phẩm không lành mạnh để thỏa mãn tâm lý căng thẳng vốn là hậu quả của việc thiếu ngủ. Thiếu ngủ còn khiến họ trở nên lười biếng, không di chuyển. Dần dần, họ tạo cơ hội cho các căn bệnh tới tàn phá cơ thể, trong đó có bệnh tim.
Do đó, để tránh xa bệnh tật và bệnh viện, bạn hãy tuân thủ nghiêm ngặt thời gian ngủ, đảm bảo cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ trước khi khởi động ngày hôm sau.
Không hút thuốc
|
Khói thuốc xâm nhập vào cơ thể chúng ta, làm hỏng lớp lót của động mạch dẫn đến tích tụ chất béo, xơ vữa động mạch, thu hẹp các động mạch gây ra các cơn đau tim và suy tim. Thuốc lá chưa bao giờ có lợi cho sức khỏe tim mạch của con người, do đó, các chuyên gia luôn cực lực phản đối việc hút thuốc lá.
Không sử dụng đồ uống có cồn
|
Uống quá nhiều rượu và đồ uống có cồn khiến bạn bị suy gan, suy tim. Mặc dù đã có những nghiên cứu chỉ ra một hàm lượng chất cồn vừa phải sẽ giúp củng cố sức khỏe cơ thể, song, rất ít người cưỡng lại được cám dỗ và dần dần trở nên nghiện rượu và các chất có cồn khác.
Việc lạm dụng chất có cồn, rượu bia chưa bao giờ tốt cho cơ thể, vì vậy các chuyên gia y tế luôn khuyến cáo bạn không sử dụng rượu.
Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tim mạch
|
Một số người tin rằng không cần phải đến bác sĩ cho đến khi cơ thể thực sự có vấn đề. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm bởi bạn không có khả năng tự phát hiện bệnh sớm, để rồi khi cơ thể biểu hiện các vấn đề bất thường quá rõ ràng thì bệnh đã ở trong giai đoạn nặng.
Hãy kiểm tra tim, sức khỏe toàn cơ thể thường xuyên, tăng cơ hội điều trị khỏi bệnh.
(Theo Boldsky)