Giới lãnh đạo quân đội Ấn Độ: Nếu đàm phán với Trung Quốc thất bại, có thể sẽ dùng vũ lực

VietTimes – Tình hình căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ hiện nay đã kéo dài hơn 100 ngày, quân đội hai bên vẫn chưa hoàn toàn cách ly tiếp xúc, nhiều vòng đàm phán vẫn chưa phá được thế bế tắc. Lãnh đạo cấp cao quân đội Ấn Độ nói, lựa chọn quân sự đang được đặt trên bàn.
Các lãnh đạo quân đội Ấn Độ nói do đàm phán bế tắc, sự lựa chọn quân sự đã được đặt lên bàn. Ảnh: Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh đến thăm các đơn vị ở biên giới với Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều).

Theo trang tin Hoa ngữ Đa Chiều ngày 24/8, truyền thông Ấn Độ India Today cùng ngày đưa tin, Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ, tướng Bipin Rawat nói với India Today hôm 24/8 rằng, “sự lựa chọn quân sự để giải quyết hành vi vượt qua biên giới của quân đội Trung Quốc ở khu vực Ladakh hiện đã được đặt lên bàn”.

Ông cũng nói thêm rằng cách lựa chọn biện pháp quân sự sẽ chỉ được sử dụng nếu các cuộc đàm phán giữa hai quân đội và lựa chọn ngoại giao thất bại.

Tướng Bipin Rawat nhấn mạnh rằng việc vượt qua đường kiểm soát thực tế (LAC) là do hai bên có sự giải thích khác nhau về LAC.

Qua nhiều vòng đàm phán chỉ huy quân sự cấp quân đoàn ở biên giới và gặp gỡ giữa các quan chức ngoại giao, tình hình căng thẳng ở biên giới Trung - Ấn vẫn bế tắc không giải quyết được (Ảnh: Đa Chiều).

Theo các tin cho biết, trong cuộc đối thoại với phía Trung Quốc, quân đội Ấn Độ đã mạnh mẽ yêu cầu phía Trung Quốc phải khôi phục lại tình trạng biên giới trước tháng 4 năm nay để giải quyết tranh chấp. Nguồn tin nói, quân đội Ấn Độ đánh giá quân đội Trung Quốc không có thái độ nghiêm túc trong việc giải quyết xung đột biên giới.

Bài báo của India Today chỉ ra rằng, trong khi hai bên đang tham gia vào các cuộc đàm phán ngoại giao và quân sự, quân đội Ấn Độ đang chuẩn bị kỹ lưỡng để duy trì sức mạnh hiện tại ở tất cả các khu vực trọng yếu ở phía đông Ladakh trong mùa đông khắc nghiệt. Một quan chức quân đội yêu cầu giấu tên trước đó đã nói rằng "quân đội Ấn Độ đã sẵn sàng cho một trận chiến lâu dài trên tuyến kiểm soát thực tế”.

Các nguồn tin cũng cho biết, Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ, tướng Naravane đã chuyển tới tất cả các chỉ huy cấp cao của quân đội, những người chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của các đơn vị tiền tiêu trên tuyến kiểm soát thực tế một thông điệp: cần giữ cảnh giác cao độ và trạng thái sẵn sàng tấn công để ứng phó  với bất kỳ "sự cố không mong muốn" nào do phía Trung Quốc gây ra. Ông Naravae cũng cho biết, quân đội Ấn Độ vẫn đang mua sắm một số vũ khí, đạn dược và trang thiết bị mùa đông cho quân đội ở tiền tuyến.

Quân đội Trung Quốc vẽ hình bản đồ Trung Quốc và viết hai chữ "Trung Quốc" tại khu vực phía bắc hồ Pangong nơi Ấn Độ nói thuộc lãnh thổ của mình (Ảnh: Đa Chiều).

Đồng thời, tờ Times of India ngày 23/8 đưa tin, Trung Quốc không hề thể hiện ý định rút quân ra khỏi khu vực xung đột quân sự ở phía đông Ladakh, mà tiếp tục xây dựng đường sá, cầu cống, bãi đáp trực thăng và các cơ sở quân sự khác dọc theo tuyến kiểm soát thực tế để hỗ trợ quân đội của họ tại địa điểm đối đầu thực tế.

Một quan chức quân sự cấp cao khác của Ấn Độ ngày 22/8 cho biết: "Trung Quốc nghiện chiến thuật bóng bàn, quay qua quay lại giữa các cuộc đàm phán ngoại giao và quân sự, không có ý định nghiêm túc cố gắng giải quyết xung đột. Tình hình trên thực địa không thay đổi".

Tin cho biết, một quan chức khác bày tỏ, Trung Quốc quyết tâm thực hiện chiến lược đẩy ranh giới tuyến kiểm soát ở Ladakh về phía tây. Kể từ khi quân đội Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ Ấn Độ tại nhiều địa điểm trong khu vực núi cao này vào đầu tháng 5, Trung Quốc đang phát triển các cơ sở hạ tầng quân sự của họ với tốc độ cấp số nhân.

Các quan chức Ấn Độ cho biết, từ việc làm đường tại nhiều địa điểm gần với tuyến kiểm soát thực tế, nâng cao hiệu quả chiến đấu của các căn cứ không quân, đến việc đặt cáp quang ở các khu vực Pangong Tso (hồ Pangong) và Gogra-Hot Springs, Trung Quốc đã làm tất cả những điều này có mục đích rõ ràng.

Trung Quốc triển khai nhiều vũ khí, trang thiết bị quân sự hiện đại đến gần biên giới với Ấn Độ (Ảnh: CCTV).

Tờ Times of India ngày 24/8 cũng đưa tin, quân đội Trung Quốc từ chối rút hoàn toàn khỏi khu vực Finger ở hồ Pangong, dường như họ đang tìm cách kéo dài thời gian.

Được biết, đợt căng thẳng này giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu từ đầu tháng 5. Vào ngày 15/6, cuộc đụng độ chết người đã xảy ra giữa hai quân đội ở Thung lũng Galwan đã khiến nhiều người thiệt mạng. Sau cuộc hội đàm khẩn cấp giữa các quan chức cấp cao ngoại giao và quân sự của hai bên, tình hình tuy đã bớt căng thẳng, nhưng khu vực hồ Pangong vẫn là mấu chốt lớn nhất của cục diện bế tắc.

Theo báo chí Ấn Độ đưa tin, PLA đã chiếm đóng khu vực giữa Finger 4 và Finger 8 trên bờ phía bắc của hồ Pangong, phía Ấn Độ cho rằng đây là lãnh thổ của Ấn Độ. Ấn Độ yêu cầu PLA rút khỏi khu vực này, nhưng PLA hy vọng sẽ duy trì được sự hiện diện của một lực lượng quân sự nhất định tại đây.

Ngoài ra, Ấn Độ cũng cáo buộc PLA chiếm đóng lãnh thổ Ấn Độ ở Đồng bằng Depsang, ngăn cản binh lính Ấn Độ thực hiện các cuộc tuần tra truyền thống trong khu vực này.

Trong một diễn biến khác có liên quan đến tình hình khu vực, Đa Chiều ngày 25/8 đưa tin, khi mà Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục bế tắc trên tuyền kiểm soát thực tế (LAC) ở Ladakh, New Delhi và Washington sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến "2+2" đầu tiên giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng hai nước vào tháng 9. Hai bên cuối cùng có thể ký “Hiệp định hợp tác và trao đổi cơ bản” (BECA), sẽ giúp cải thiện độ chính xác của hệ thống vũ khí và phần cứng hệ thống tự động hóa của Ấn Độ dùng cho mục đích quân sự.

Báo The Print ngày 23/8 viết, các nguồn tin cho biết kể từ tháng 7 đến nay, kế hoạch tổ chức các cuộc hội đàm cấp bộ trưởng “2+2” hình thức trực tuyến đang được triển khai, bất chấp căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh ngày càng gia tăng, các cuộc đàm phán về cách ly tiếp xúc quân đội hai bên không có tiến triển.

Vòng đàm phán "2+2" này sẽ do Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh chủ trì, trong khi phía Mỹ sẽ do Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper tham dự.

Trong vòng đàm phán này, hai bên có thể ký một thỏa thuận cơ sở về quốc phòng của “Hiệp định hợp tác và trao đổi cơ bản” (BECA), cho phép Ấn Độ sử dụng kiến thức chuyên môn của Mỹ về tình báo không gian và sử dụng nó cho các mục đích quân sự, nâng cao độ chính xác của hệ thống vũ khí và phần cứng tự động hóa.

Ấn Độ mới mua thêm các máy bay Rafale của Pháp để tăng cường sức mạnh quân sự (Ảnh: Indian Air Force).

Dự thảo hiệp định này đã được chuẩn bị tại Washington vào tháng 3. Theo các nguồn tin, việc hoàn thiện đã bị trì hoãn do đại dịch COVID-19.

Một quan chức cấp cao của Ấn Độ đề nghị giấu tên cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng sau cuộc họp 2+2 này, cấu trúc Ấn Độ - Thái Bình Dương và khuôn khổ Bộ tứ sẽ được củng cố hơn nữa và “Hiệp định hợp tác và trao đổi cơ bản” (BECA) cũng nằm trong chương trình nghị sự”.

Chính phủ Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi ủng hộ Ấn Độ trong Sự kiện Ladakh. Nhóm vận động tranh cử của ông Joe Biden gần đây tuyên bố rằng họ sẽ hợp tác với Ấn Độ để thiết lập một cấu trúc Ấn Độ - Thái Bình Dương dựa trên các quy tắc. Cấu trúc này không cho phép Trung Quốc đe dọa Ấn Độ.

“Tranh chấp Trung-Ấn đã tăng thêm cơ hội và sự cần thiết để tăng cường hợp tác an ninh Mỹ - Ấn. Diễn đàn '2+2' tạo cơ hội cho Mỹ và Ấn Độ thảo luận về cách nắm bắt cơ hội mới này và cách thúc đẩy quan hệ song phương phát triển” – ông Mukesh Aghi, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ - Ấn cho biết.

Các nguồn tin cho biết do bế tắc ở biên giới Trung-Ấn, Ấn Độ cũng đang xem xét mua thêm vũ khí từ Mỹ, mặc dù thương mại quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ đã tăng đều đặn từ 1 tỷ USD năm 2008 lên tới 18 tỷ USD vào năm 2019.