Thưa ông, là người gắn bó mật thiết với nông nghiệp-nông thôn và nông dân, ông suy nghĩ như thế nào về chuyện nhiều nhà đầu tư lảng tránh lĩnh vực nông nghiệp?
-Hôm qua (30/7), Thủ tướng chủ trì Hội nghị toàn quốc về các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng.
Hội nghị này là dịp để Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp nông nghiệp và các hiệp hội ngành nghề cùng nhìn lại, đánh giá tình hình đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp về các kết quả đạt được; những hạn chế, tồn tại; nguyên nhân và đề xuất giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Phát triển nông nghiệp thông minh là xu thế khách quan và tất yếu nhất là đến 2050 nhu cầu lương thực trên thế giới yêu cầu tăng 70% về sản lượng nên các nước “vựa lúa” như Việt Nam càng cần phải sản xuất nhiều hơn, sạch hơn.
Một nông dân ở ấp An Hòa, xã An Phú (Củ Chi, TP.HCM) nuôi bò sữa cho thu nhập khoảng trăm triệu đồng/tháng
|
Hẳn ông còn nhớ, chúng ta có cả một chương trình hành động triển khai nghị quyết 26 của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng thực tế mỗi khi bàn về nông nghiệp, nông thôn, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng “vùng này bị lấy đi nhiều hơn đầu tư vào”?
-Để có một nền nông nghiệp phát triển bền vững và hiệu quả cao như nêu trên, chúng ta cần phải xây dựng lại, tạo ra các yếu tố cấu thành mới của một hệ thống mới hoàn toàn, chứ không phải là tái cấu trúc. Bởi vì tái cấu trúc chỉ là sự sắp xếp lại các yếu tố hiện hữu cấu thành hệ thống nông nghiệp một cách hợp lý hơn, để có thể nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.
Điều này chỉ có thể thực hiện được khi và chỉ khi các yếu tố cấu thành hiện hữu của nền nông nghiệp còn “dư địa” phát triển. Nhưng theo tôi, hiện nay, các yếu tố đang cấu thành nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt đến ngưỡng cực đại. Vì thế phải tạo ra các yếu tố cấu thành mới về chất để tạo ra nền nông nghiệp an toàn và đạt hiệu quả cao cả kinh tế, xã hội và môi trường, nhờ ứng dụng công nghệ cao trong tất cả các khâu của chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp từ trang trại đến bàn ăn đối với từng mặt hàng nông sản ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái.
Ông hình dung như thế nào về một nền nông nghiệp tiên tiến mà chúng ta cần phải hướng đến?
-Doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp là một trong hai yếu tố quan trọng nhất để xây dựng lại nông nghiệp như ta muốn có.
Theo đó, doanh nghiệp phải đóng vai trò nhạc trưởng trong lãnh đạo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản ở mỗi vùng nông nghiệp sinh thái. Hoặc khi ta vẫn nói “sạch từ trang trại đến bàn ăn” bởi vì, ba vấn đề: một là, thương hiệu và thị trường, hai là áp dụng công nghệ mới, ba là vốn sản xuất thì chỉ có doanh nghiệp mới có khả năng giải quyết được.
Yếu tố trọng yếu thứ hai, là phải tạo ra được các trang trại gia đình (kinh tế hộ nông dân) sản xuất nông sản hàng hóa qui mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, với tư cách là một yếu tố cấu thành nên chuỗi giá trị ngành hàng nông sản. Bởi vì doanh nghiệp không thể quản lý được chuỗi giá trị ngành hàng nông sản bao gồm hàng vạn hộ nông dân như hiện nay.
Mặt khác, doanh nghiệp cũng không thể thay nông dân và trang trại gia đình, trong các khâu sản xuất mang tính sinh học. Bởi vì đối tượng sản xuất nông nghiệp là sinh vật (cây và con). Nên tất yếu phải thực hiện được “nhất thì nhì thục” như ông cha đã dạy. Mà chỉ có trang trại gia đình (kinh tế hộ nông dân) mới có đủ các yếu tố để thực hiện “nhất thì nhì thục” đó là tinh thần trách nhiệm cao của chủ trang trại và các thành viên trong gia đình đối với việc thực hiện đúng lúc, đúng cách các tác động kỹ thuật đến từng cây và con trên đồng ruộng, ao cá, đàn gia súc; qui mô sản xuất (diện tích đất trồng trọt và số đầu gia súc, gia cầm) phù hợp với khả năng quản trị của chủ trang trại gia đình.
Cho nên trang trại gia đình luôn luôn là lực lượng sản xuất nông sản chủ yếu trong nền kinh tế thị trường từ truyền thống đến hiện đại. Sự khác nhau chỉ là ở chỗ qui mô và trình độ công nghệ sản xuất. Vì vậy, muốn tạo ra các trang trại gia đình trong nền kinh tế thị trường hiện đại, thì tích tụ và tập trung ruộng đất là yếu tố tất yếu. Muốn vậy, phải hình thành thị trường đất nông nghiệp đích thực.
Làm nông nghiệp giờ phải ứng dụng công nghệ cao thì mới thành công
|
Ông có thể ví dụ cụ thể, ở các nước tiên tiến họ làm thế nào không?
-Do yếu tố trách nhiệm cao và tầm hạn quản trị, mà ở cả những nước có nền nông nghiệp phát triển như Mỹ, trang trại gia đình vẫn là lực lượng sản xuất quan trọng nhất. Trang trại gia đình ở Mỹ vẫn chủ yếu sử dụng sức lao động của gia đình, nếu có thuê thì chỉ lúc thời vụ. Ở các nước phát triển, có những trang trại gia đình rộng tới hàng ngàn ha và họ áp dụng cơ giới hóa, tin học hóa, tự động hóa.
Có một phóng sự của VTV làm cách nay 10 năm mà tôi luôn sử dụng để minh họa mỗi khi tham gia giảng bài.
Phóng sự đó kể về trang trại của một gia đình nông dân Mỹ. Họ có 1000 ha đất chuyên canh trồng ngô. Để quản lý diện tích đó, cặp vợ chồng nông dân già đó đã sử dụng công nghệ vệ tinh. Hệ thống sẽ cập nhật và báo về máy tính của ông ấy nếu phát hiện ô thửa bao nhiêu dấu hiệu sâu bệnh. Căn cứ vào thông tin đó, ông nông dân già sẽ gọi điện hoặc email cho các công ty dịch vụ bảo vệ thực vật đến khám bệnh, kê toa cho ngô.
Đấy, làm nông nghiệp giờ phải ứng dụng công nghệ cao như vậy thì mới ăn thua, giờ mà còn tư duy kiểu “lão nông tri điền” thì chết. Giờ là thời của “thanh nông tri điền” rồi.
Chỉ khi người nông dân phải thành thị dân đích thực thì họ mới sẵn lòng bán và cho thuê ruộng đất lâu dài.
Ông có quan sát thấy, hơn chục năm trở lại đây, có không ít nông dân, đặc biệt là những nông dân trẻ đã chọn con đường ly hương, ra thành phố làm công nhân công nghiệp?
-Việc phát triển công nghiệp trong nhiều năm qua không tạo ra điều kiện để cho nông dân trở thành thị dân một cách bền vững. Các KCN tuy tạo ra việc làm nhưng sản xuất ở các KCN vẫn chủ yếu là lắp ráp, gia công, giá trị gia tăng thấp. Sản xuất như vậy, nên người ta sử dụng cơ bắp là chính và chỉ tuyển dụng công nhân lao động giản đơn, ít cần huấn luyện, trả lương thấp.
Muốn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Chính phủ chỉ cần có một số chính sách ưu đãi đối với những doanh nghiệp thực sự đóng vai trò lãnh đạo chuỗi giá trị ngành hàng,
|
Vì lương thấp, công nhân buộc phải tăng ca, khiến cho sức khỏe hao mòn nhanh chóng. Do lao động cơ bắp nên đến ngoài 35-40 tuổi, công nhân hết sức lao động, bị sa thải, lại phải trở về làm nông dân như trước.
Mặc khác phải tạo ra nguồn cầu, đó là việc đào tạo và hình thành một tầng lớp nông dân chuyên nghiệp thay thế cho nông dân cha truyền con nối, một tầng lớp “thanh nông tri điền” thay thế cho “lão nông tri điền”. Vì chỉ có những nông dân này mới có nhu cầu tích tụ và tập trung ruộng đất, biết quản trị trang trại gia đình một cách hiệu quả, có nhu cầu và biết liên kết với nhau để thành lập các hợp tác xã đích thực (liên kết ngang) và có khả năng liên kết với doanh nghiệp (liên kết dọc) để hình thành nên chuỗi giá trị nông sản.
TS Khải: "Khi đất đai trở thành hàng hóa thuận mua vừa bán, sẽ tạo ra thị trường đất đai đúng nghĩa"
|
Nhưng để có thể ứng dụng công nghệ cao thì phải có đầu tư, theo ông, có cách gì để hấp dẫn nhà đầu tư đổ vốn vào khu vực nông nghiệp?
-Muốn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Chính phủ chỉ cần có một số chính sách ưu đãi đối với những doanh nghiệp thực sự đóng vai trò lãnh đạo chuỗi giá trị ngành hàng, như: giảm hoặc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vài năm đầu, tài trợ một phần lãi suất tín dụng khi doanh nghiệp vay ngân hàng để đầu tư ứng dụng công nghệ cao.
Mặc khác, cần tạo ra khung pháp lý để hình thành và phát triển thị trường đất đai một cách lành mạnh.
Nếu như chưa thể thừa nhận quyền sở hữu tư nhân của nông dân đối với ruộng đất (do Luật Đất đai vẫn khẳng định quan điểm đất đai là sở hữu toàn dân), thì ít nhất cũng nên thừa nhận quyền sử dụng ruộng đất là quyền tài sản, tức là hàng hóa thuận mua vừa bán.
Nhà nước không có quyền thu hồi, đền bù giá trị sử dụng đất theo thang bảng giá của chính quyền địa phương. Khi đất đai trở thành hàng hóa thuận mua vừa bán, sẽ tạo ra thị trường đất đai đúng nghĩa, đồng thời xóa được nguy cơ tiềm ẩn, thường trực của tham nhũng đất đai và mâu thuẫn xã hội, xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư với nông dân, chính quyền với nông dân.
Cám ơn ông!