Andrew Shearer, cố vấn chủ chốt về an ninh châu Á thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) cho rằng Mỹ nên có cách thức răn đe trong vòng 6 tháng đến một năm nếu như tòa án phán quyết bất lợi cho Trung Quốc. Việc điều động cùng lúc hai cụm tác chiến tàu sân bay tới khu vực là một bước đi đúng đắn nhưng có thể chưa đủ, ông Sheare nhận định.
“Bắc Kinh nhìn nhận Mỹ bị phân tán về mặt chính trị bởi các cuộc bầu cử sắp tới và có thể xem đây là cơ hội để xác quyết các yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ diện tích bên trong cái gọi là “đường chín đoạn”, ông Sheare đánh giá. Ranh giới của “đường lưỡi bò” liếm hầu như trọn Biển Đông và mở rộng cách bờ biển Trung Quốc tới 1.000 dặm và Bắc Kinh tuyên bố ngang ngược rằng yêu sách chủ quyền của nước này “có tính lịch sử”.
Sau khi thông báo sự hiện diện của hai cụm tác chiến tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN-74) và USS Ronald Reagan (CVN-76) ở vùng biển sát Biển Đông là động thái quan trọng, bà Amy Searight - giám đốc chương trình Đông Nam Á của CSIS, nói rằng không hề có giải pháp dễ dàng nếu như Trung Quốc thúc đẩy việc bồi lấp bãi cạn Scarborough và quân sự hóa địa điểm này, một nguồn xung đột mà tòa án sẽ phải phân xử. Bãi cạn trên nằm cách thủ đô Manila của Philippines không đầy 200 dặm và là một ngư trường giàu có. Hải quân Trung Quốc đã kiểm soát bãi cạn Scarborough vào năm 2013.
Theo bà Searight, nguy cơ rất cao đối với Trung Quốc, Mỹ cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cựu quan chức bộ ngoại giao mỹ nhận định rằng nếu quân sự hóa bãi cạn Scarborough, Bắc Kinh sẽ tạo ra một “tam giác chiến lược” có thể làm đột ngột gia tăng năng lực phóng chiếu quyền lực của Trung Quốc.
Một căn cứ không quân ở bãi cạn Scarborough sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc áp đặt một khu nhận diện phòng không và hạn chế lưu thông hàng hải trên hầu khắp Biển Đông, ông Ernest Bower, chủ tịch hội đồng cố vấn chương trình Đông Nam Á của CSIS nhận định.
Vẫn chưa rõ những quốc gia khác bao gồm các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc, các đồng minh ở châu Âu và các đối tác ASEAN sẽ phản ứng như thế nào trước việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết của tòa án quốc tế. Ngay từ đầu, Bắc Kinh đã khăng khăng một mực chỉ muốn đàm phán song phương với Philippines và bác bỏ quyền phân xử của tòa án quốc tế The Hague về vấn đề này.
Philippines đã có một tổng thống mới và vẫn không thể biết ông Rodrigo Duterte sẽ hành xử và đàm phán ra sao với Trung Quốc. Ông Bower cho rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ASEAN muốn thiết lập sự cân bằng như đã từng làm khi Nhật Bản trỗi dậy trên Thái Bình Dương vào những năm 1970. “Chẳng ai muốn thấy Trung Quốc bị cô lập. Họ phải có khả năng giữ thể diện”, ông Bower nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong chuyến công du gần đây tới châu Á đã tuyên bố rằng “Trung Quốc đang xây bức Trường Thành tự cô lập” với những chiến thuật bắt nạt và tham vọng kinh tế, ngoại giao cũng như quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Shearer cho biết không trông chờ nhiều ở ASEAN nhưng hy vọng ở các thỏa thuận song phương giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác riêng rẽ ở khu vực. Đồng thời trong khi chờ đợi một phán quyết chống lại việc yêu sách chủ quyền phi pháp, Mỹ và các nước khác cần hành động ngay tức thì nhằm biểu lộ sự ủng hộ đối với phán quyết của tòa quốc tế cũng như quyền tự do lưu thông qua các vùng biển quốc tế.
Còn theo bà Searight, chương trình nghị sự của chính quyền và thượng viện Mỹ khóa mới cần bao gồm việc xem xét thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển nhằm giúp Mỹ ứng phó tốt hơn trong việc giải quyết các tranh chấp biển.