Cuộc xung đột ở Ukraine đang rơi vào bế tắc trong những ngày gần đây khi lệnh ngừng bắn dù đang được thực hiện nhưng tình trạng giao tranh, thương vong ở miền đông lại đang xảy ra gần như hàng ngày.
"Kẻ thù đã tăng cường những vụ bắn phá nhằm vào các cứ điểm của chúng tôi bằng các loại vũ khí mà theo thỏa thuận Minsk phải được rút vùng chiến sự”, phát ngôn viên của quân đội Kiev - ông Andriy Lysenko cho biết trong một cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp. Theo lời ông Lysenko, phần lớn các cuộc tấn công xảy ra ở xung quanh khu vực sân bay Donetsk nằm trong quyền kiểm soát của quân đội Ukraine .
Phát ngôn viên Lysenko cho biết, trong 24 giờ qua, lực lượng ly khai miền đông Ukraine đã bắn về phía quân chính phủ 18 lần với những vũ khí có cỡ nòng từ khoảng 120 mm đến 122 mm.
Theo thỏa thuận hòa bình Minsk được Kiev và lực lượng ly khai ký kết hôm 12/2 và được chính thức thực thi từ ngày 15/2, những vũ khí có cỡ nòng lớn hơn 100 mm, trong đó có pháo binh, súng cối hạng nặng và các hệ thống rocket, đều phải được rút ra khỏi vùng chiến tuyến.
Về phía quân ly khai, lực lượng này cáo buộc quân đội chính phủ ở thành phố Avdiivka đã dùng xe tăng bắn phá ác liệt các cứ điểm của họ gần sân bay Donetsk , hãng tin DAN hôm qua đưa tin.
Lực lượng ly khai tố cáo quân đội Kiev liên tục vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, dùng các loại vũ khí hạng nặng như pháo binh, súng cối và rocket để tấn công họ liên tiếp. Tối hôm 9/4, xe tăng quân đội Ukraine bị cáo buộc bắn phá dữ dội các cứ điểm của lực lượng ly khai và các cuộc tấn công này chỉ dừng lại vào buổi sáng ngày hôm qua (10/4).
Phát ngôn viên quân đội Ukraine - ông Vladislav Seleznyov cho rằng, không thể có chuyện xe tăng của quân chính phủ bắn phá các cứ điểm của lực lượng ly khai. Theo lời ông này, Kiev đã rút các vũ khí như vậy ra khỏi vùng chiến tuyến.
Cuộc chiến ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên từ cách đây một năm khi lực lượng ly khai phản đối chính quyền mới thân phương Tây được dựng lên ở thủ đô Kiev . Chính quyền Kiev đã phát động một chiến dịch quân sự mạnh tay nhằm đàn áp lực lượng ly khai miền đông, khiến cuộc chiến ở nơi đây bùng phát dữ dội.
Hơn 6.000 dân thường, binh lính Ukraine và quân ly khai đã thiệt mạng kể từ khi cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nổ ra hồi tháng 4 năm ngoái. Tình hình bắt đầu lắng dịu khi lệnh ngừng bắn mới nhất được áp dụng từ hôm 15/2. Thỏa thuận ngừng bắn này đã đem lại cho người ta hy vọng về khả năng chấm dứt cuộc chiến ở miền đông Ukraine khi nó giúp giảm đáng kể tình trạng giao tranh bạo lực.
Trong nhiều ngày, người ta đã ghi nhận dấu hiệu khả quan là không có báo cáo thương vong nào được đưa ra. Tuy nhiên, mọi việc đang có chiều hướng xấu trở lại trong mấy ngày gần đây khi liên tiếp có báo cáo về những vụ bạo lực, đụng độ xảy ra và đã bắt đầu có những báo cáo thương vong đầu tiên. Diễn biến này có nguy cơ phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn mong manh.
Canada đưa quân vào “cứu” Kiev ?
Trong bối cảnh tình hình Ukraine đang gây lo ngại trở lại, chính phủ Canada dã quyết định đưa quân vào Ukraine để tham gia một vai trò không liên quan đến các hoạt động chiến đấu ở nước này, đài CTV News dẫn nguồn tin từ các quan chức Canada cho biết. Binh lính Canada sẽ đến Ukraine trong vài tuần hoặc vài tháng tới. Tuy nhiên, chi tiết về nhiệm vụ của đội quân này chưa được công bố chi tiết.
Các binh lính Canada có thể được cử đến Ukraine để tham gia nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện cho lực lượng Kiev và có thể hợp tác với binh lính Mỹ, nguồn tin trên cho hay.
“Trong khi chính phủ Canada vẫn đang vạch ra các chi tiết về nhiệm vụ của lực lượng được triển khai đến Ukraine thì các nguồn tin tiết lộ với CTV News rằng nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo sẽ là một trong những lựa chọn được đặt lên bàn. Canada có thể sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh Mỹ hiện đã đang có mặt tại khu vực”, phóng viên CTV News Mercedes Stephenson cho hay.
Chính phủ theo đường lối bảo thủ của Canada có thiên hướng muốn can thiệp nhiều hơn, sâu hơn vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine . Hồi tháng 2, Canada đã cập nhật thêm vào danh sách các biện pháp trừng phạt Nga lệnh cấm vận đi lại với 37 cá nhân người Nga và người Ukraine, trong đó có tập đoàn dầu mỏ Rosneft của Nga.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Aleksandr Lukashevich đã miêu tả những biện pháp trừng phạt mới của Canada là một bước đi chống Nga. Bước đi này giống như “một nỗ lực vụng về nhằm cản trở việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn đạt được ở Minsk hôm 12/2 với vai trò đóng góp tích cực của Nga”
Hồi tháng 12 năm ngoái, Canada từng ký một thỏa thuận đưa lực lượng quân cảnh đến Ukraine để “tìm hiểu khả năng hợp tác” và nước này không ngần ngại thể hiện mong muốn giúp chính quyền Kiev trong các vấn đề an ninh.
Theo: VnMedia