Giãn trích lập dự phòng nợ cơ cấu do ảnh hưởng của dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo thông tư số 03/2021/TT-NHNN, việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ kéo dài đến hết ngày 31/12/2021.
Giãn trích lập dự phòng nợ cơ cấu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 3 năm (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet)
Giãn trích lập dự phòng nợ cơ cấu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 3 năm (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN (Thông tư số 03) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó đã bổ sung thêm quy định về trích lập dự phòng rủi ro.

Theo đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ phải thực hiện trích lập dự phòng cụ thể đối với khách hàng có số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi. Số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung là chênh lệnh giữa số tiền dự phòng cụ thể phải trích lập đối với toàn bộ dư nợ khách hàng, với số trích lập trên dư nợ được cơ cấu của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong trường hợp số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung dương, TCTD thực hiện trích bổ sung tối thiểu 30% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung, muộn nhất vào 31/12/2021; tối thiểu 60% tại ngày 31/12/2022 và 100% tại ngày 31/12/2023.

Từ ngày 1/1/2024, TCTD căn cứ quy định của NHNN về trích lập dự phòng rủi ro trong hoạt động của TCTD để trích lập dự phòng rủi ro đối với toàn bộ dư nợ, cam kết ngoại bảng của khách hàng, bao gồm cả số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại thông tư.

Trong Thông tư số 03, NHNN cũng đã giới hạn việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng đến hết ngày 31/12/2021.

Các TCTD quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2021 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Việc thực hiện miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng theo quy định tại thông tư thực hiện đến ngày 31/12/2021.

TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của NHNN về phân loại nợ trong hoạt động của TCTD tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/1/2020 đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 23/01/2020 thuộc diện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và điều chỉnh nhóm nợ theo quy định của NHNN trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 29/3/2020.

Trong báo cáo FiinPro Digest ban hành ngày 19/3/2021, dữ liệu từ FiinGroup cho thấy, cả năm 2020, lợi nhuận sau thuế của khối ngân hàng niêm yết vẫn tăng trưởng mạnh ở mức 16,1%. Tổng thu nhập hoạt động tăng 12,8% còn chi phí dự phòng rủi ro tăng 19,7% so với năm 2019.

Đơn vị này cho rằng, dự phòng rủi ro vẫn chưa phản ánh đầy đủ tác động của Covid-19 lên lợi nhuận do các ngân hàng được giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN. Tuy nhiên, FiinGroup cũng dự báo các ngân hàng sẽ cân đối giữa lợi nhuận và chi phí dự phòng. Việc chi phí dự phòng tăng nhưng lợi nhuận vẫn tăng mạnh là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng và tác động của Covid-19 lên chi phí dự phòng và qua đó ảnh hưởng đến mức độ lợi nhuận của ngân hàng trong thời gian tới./.