Theo đó, NHNN yêu cầu Chủ tịch HĐQT/HĐTV, Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố thực hiện một số nội dung nhằm kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh khi dịch nCoV có diễn biến phức tạp.
Cụ thể, các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ và Thống đốc NHNN.
Các chi nhánh, phòng giao dịch, chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV (nhất là những ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu, ...) để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay,… theo quy định pháp luật hiện hành.
Các tổ chức tín dụng phải chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong quá trình xử lý các đề nghị tháo gỡ khó khăn về hoạt động vay vốn.
Đối với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh và theo dõi diễn biến dịch nCoV, ảnh hưởng của dịch bệnh trên địa bàn để chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, thống kê dư nợ vay bị thiệt hại, kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Cơ quan NHNN tại các địa phương cũng cần phối hợp với các Sở, ban, ngành, kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố các giải pháp xử lý rủi ro, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn bị thiệt hại theo quy định.
Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố báo cáo UBND tỉnh, thành phố và NHNN để được xem xét, xử lý.
Trước đó, theo phản ánh của truyền thông trong nước, việc Chính phủ Trung Quốc hạn chế giao dịch hàng hóa để tránh tình trạng tập trung đồng người tạo điều kiện cho dịch nCoV có cơ sở lây lan trên diện rộng khiến hoạt động thương mại nông, lâm, thủy sản của hai nước chịu nhiều tác động tiêu cực.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ngành hàng đầu tiên chịu tác động là sản phẩm hoa quả. Trong đó, quả thanh long và dưa hấu đang gặp khó. Đây là hai mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn phục vụ thị trường Trung Quốc trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán và lễ sau Tết.
Đứng trước các khó khăn, Bộ NN&PTNT đã đưa ra các biện pháp ứng phó. Trong trường hợp bệnh dịch kéo dài nhiều tháng, cơ quan này sẽ phối hợp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ trong các hệ thống, chuỗi siêu thị lớn, ưu tiên thị trường nội địa.
Không chỉ riêng ngành nông nghiệp, nhiều lĩnh vực sản xuất khác của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng do nguồn cung nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc./.