|
Ông Trần Phương Huy - Giám đốc Công ty VTC Intecom. |
Góp ý về dự án Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt, ông Trần Phương Huy đặt vấn đề, mục tiêu của áp thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, tăng thu ngân sách Nhà nước, Tuy nhiên, nếu áp dụng thuế này với ngành game lại hoàn toàn khác.
Đưa ra số liệu của Liên minh Game Việt Nam rằng cứ 100 người tham gia game online thì chỉ có dưới 10 người trả tiền (con số chính xác là 5,8 người), có tới 90% người chơi không trả tiền, ông Huy cho rằng, việc điều chỉnh hành vi người thu thuế là điều chỉnh hành vi của 5,8% số người chơi game. Đây chỉ là con số rất nhỏ. Như vậy, mục tiêu điều chỉnh hành vi này không thể đạt được.
Lãnh đạo VTC Intecom đề xuất áp dụng bài học thành công từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Tính đến tháng 3/2023, đã có 82 triệu thẻ CCCD gắn chip được cấp, hơn 45 triệu tài khoản đã được định danh điện tử mức 2.
"Chúng ta nên bổ sung quy định cấp CCCD gắn chip cho nhóm đối tượng dưới 14 tuổi, để khi trẻ vị thành niên tạo tài khoản chơi game trực tuyến sẽ phải gửi xác thực đến cơ quan quản lý, giúp Nhà nước và cả doanh nghiệp quản lý tài khoản của người chơi game trên nền tảng trực tuyến chặt chẽ hơn trong 1-2 năm tới, từ đó quản lý và kiểm soát hành vi người tiêu dùng thay vì áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt" - Giám đốc VTC Intecom đề xuất.
Kiến nghị không áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online, ông Huy cho rằng game online là ngành đặc thù, có khả năng xuyên biên giới, trên toàn thế giới.
Dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy thanh toán trực tuyến tại Việt Nam luôn đạt mức tăng trên 50%, Giám đốc VTC Intecom cho rằng, ngay khi chưa áp thuế, người tiêu dùng đã sử dụng dịch vụ nước ngoài.
"Do đó, việc áp thuế với ngành game online đang vô tình gia tăng tính cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến bảo hộ ngược cho nước ngoài" - ông Trần Phương Huy khẳng định.
Doanh nghiệp Việt phải dần bán mình cho các công ty nước ngoài
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - đại diện Liên minh các nhà sản xuất và phát hành game Việt Nam (Vietnam Game Development Alliance - VGDA) nêu quan điểm, Việt Nam mặc dù có tiềm năng để phát triển ngành game, nhưng phải đối mặt với nhiều định kiến, chưa thực sự được khuyến khích phát triển. Vì vậy doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn và có tốc độ phát triển còn hạn chế.
Việt Nam cùng với Đông Nam Á được xem là thị trường mới nổi, với lượng người dùng internet lớn và đang tăng nhanh. Mức tăng trưởng doanh thu ngành game ở Đông Nam Á từ 2020-2025 trung bình ước tính là 8.2%/năm, chỉ số này ở Việt Nam là gần 9%.
Doanh thu dự kiến toàn từ ngành game ở thị trường Việt Nam 2022 là 0.8 tỉ USD, Việt Nam vẫn xếp sau các nước trong khu vực như Indonesia (1.8 tỉ USD), Thailand (1 tỉ USD), Malaysia (0.9 tỉ USD), Philippines (0.85 tỉ USD). Tuy nhiên, với tỉ lệ tăng trưởng trung bình 9% 1 năm, cao hơn trung bình của khu vực, cùng với lượng người dùng lớn. Việt Nam vẫn là một thị trường rất béo bở trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy vậy, trong suốt nhiều năm qua ở Việt Nam, xã hội và cộng đồng vẫn dành cho game cái nhìn không thật sự thiện cảm và cho rằng trò chơi trực tuyến chứa các nội dung không lành mạnh, bạo lực, ảnh hưởng lệch lạc, tiêu cực tới giới trẻ, không được khuyến khích phát triển như các ngành giải trí – sáng tạo nội dung số khác.
Mặt khác, trong suốt nhiều năm, doanh nghiệp phát triển game nội địa phải chịu sự cạnh tranh cực kỳ gay gắt từ các tập đoàn game và công nghệ toàn cầu, và dần mất đi sức cạnh tranh ngay trên chính sân nhà. Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp Việt rời bỏ thị trường thì cũng có nhiều doanh nghiệp phải đang dần bán mình cho các công ty nước ngoài.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, ngành game có một khác biệt rất lớn nếu so với các ngành nghề kinh doanh khác, đó là vì môi trường kinh doanh chủ yếu trên internet. Với môi trường kinh doanh là internet, khoảng cách địa lý không còn quan trọng, các doanh nghiệp lớn mạnh có thể nhanh chóng phát hành sản phẩm và tiếp cận thị trường toàn cầu, bao gồm Việt Nam, với mức tăng trưởng không giới hạn. Các doanh nghiệp nhỏ ở các nước đang phát triển phải chịu sự cạnh tranh trực tiếp ngay trên chính sân nhà của mình, vì việc quản lý của chính phủ trên môi trường internet là cực kỳ khó khăn và bị động./.