Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với game online sẽ dọn đường cho game lậu lên ngôi?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nếu thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên sân nhà, thị phần thuộc về game lậu và dẫn đến nguy cơ về quản lý nội dung, văn hoá, tài chính,…, đại diện VNG Games nói.

Các doanh nghiệp Việt Nam vốn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước, lại phải cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài, không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào.
Các doanh nghiệp Việt Nam vốn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước, lại phải cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài, không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào.

Thông tin được ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến VNG Games trao đổi tại Hội thảo “Góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 5/7.

Chỉ 15% số doanh nghiệp game Việt Nam đã đăng ký còn hoạt động

Ông Thắng phân tích thực tế trong ngành game hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trò chơi trực tuyến ở Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ các công ty nước ngoài.

Trên thực tế, tại Việt Nam, kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến là ngành kinh doanh có điều kiện. Tất cả các game muốn kinh doanh đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cụ thể ở đây là Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông). Bên cạnh việc phải đảm bảo các yêu cầu về yếu tố nội dung, trò chơi trực tuyến khi đưa ra thị trường, luôn có sự phân loại độ tuổi rất rõ ràng và khuyến cáo người dùng trước khi sử dụng.

Trong khi đó, hầu hết những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game được phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam. Những game này không bị quản lý bởi các cơ quan quản lý chuyên ngành, đồng thời cũng không phải đóng bất cứ khoản thuế nào cho nhà nước Việt Nam.

vt_Ông Lã Xuân Thắng.JPG
Ông Lã Xuân Thắng lo ngại các doanh nghiệp game Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà.

Khác với hàng hoá thông thường, các sản phẩm trên môi trường internet rất khó quản lý theo phạm vi biên giới, lãnh thổ. Một người dùng Việt Nam rất dễ dàng trả tiền cho 1 dịch vụ trò chơi của nước ngoài chỉ bằng vài thao tác đơn giản. Trước đây, khi thẻ tín dụng còn chưa nhiều thì việc này còn tương đối khó khăn, còn hiện nay, khi thanh toán điện tử ngày càng đa dạng thì việc thanh toán dịch vụ ra nước ngoài này là rất phổ biến.

"Các cơ quan quản lý rất nỗ lực, cố gắng để ngăn chặn tình trạng này nhưng thực sự là chưa có được các giải pháp khả thi" - ông Thắng nêu quan điểm.

Cũng theo đại diện VNG Games, các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ với nhà nước, phải cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài, không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chỉ còn khoảng 15% số doanh nghiệp game Việt Nam đã đăng ký còn hoạt động. 85% đã ngừng hoặc chuyển hoạt động ra nước ngoài để được hưởng các cơ chế ưu đãi toàn diện từ thủ tục, hạ tầng cho đến thuế suất.

Nêu số liệu về mảng sản xuất và kinh doanh game của VNG, ông Thắng thông tin, năm 2022, doanh thu của VNG Games giảm 12% so với năm 2021, tổng số thuế mảng game năm 2022 nộp cho ngân sách nhà nước là khoảng 758 tỉ đồng, giảm 14% so với năm 2021 (khoảng 883 tỉ đồng). Số lượng nhân viên mảng sản xuất và kinh doanh game năm 2022 giảm 11% xuống còn 1.132 người và năm 2023 tiếp tục giảm xuống còn khoảng 980 người (giảm 13%).

"Nếu chồng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, với những thực tế đã nêu ở phần trên, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà. Thị phần sẽ thuộc về các sản phẩm lậu, không phép và dẫn đến công tác quản lý về nội dung, văn hoá, tài chính,… sẽ trở nên rất nặng nề" - Giám đốc VNG Games kiến nghị.

Chưa đến 2% số người chơi game tại Việt Nam trả phí trong game

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thùy Dung - Giám đốc SohaGame bày tỏ quan điểm ủng hộ mục tiêu của Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong việc bảo vệ sức khỏe trẻ em, định hướng người tiêu dùng. Tuy nhiên, bà Dung cho rằng, mục tiêu đúng đắn nhưng giải pháp sẽ không giải quyết được mục tiêu mà dự luật mong muốn.

vt_Bà Nguyễn Thùy Dung.JPG
Bà Nguyễn Thùy Dung - Giám đốc SohaGame.

Dẫn báo cáo của Apple Store và Google Play, bà Dung nêu con số chỉ có 2,4% người chơi trả phí trong tổng số người chơi game tại thị trường Việt Nam đối với hệ điều hành iOS; và chỉ 1,7% người chơi trả phí đối với hệ điều hành Android.

“Nghĩa là, chưa đến 2% số người chơi game tại thị trường VN có trả phí trong game. Như vậy, đối tượng tác động được vào chỉ chiếm dưới 2% tổng số lượng người chơi mà chúng ta muốn kiểm soát thông qua việc áp thuế” – Giám đốc SohaGame nói.

Ngoài ra, trong tổng số 100.000 game phát hành tại Việt Nam hiện nay, hàng năm Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử chỉ cấp phép dưới 500 game, nghĩa là người Việt Nam tiếp cận chưa đến chưa đến 1% số game được quản lý.

“Như vậy, chỉ có 2% người chơi trong 1% game trên các kho ứng dụng sẽ chịu tác động bởi thuế tiêu thụ đặc biệt”, bà Dung nêu số liệu và khẳng định việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với Game gần như không ảnh hưởng, không có giá trị định hướng hành vi tiêu dùng.

Theo dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) do Bộ Tài chính soạn thảo, trò chơi trực tuyến (game online) là một đối tượng phải áp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Lý giải về đề xuất trên, Bộ Tài chính cho rằng kinh doanh game online hiện có doanh thu lớn, mức lợi nhuận cao so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút mọi độ tuổi, tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ tham gia. Theo Bộ Tài chính, cần nghiên cứu bổ sung loại hình kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất hợp lý để đảm bảo hạn chế dịch vụ, góp phần định hướng sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và góp phần tăng cường quản lý hoạt động này.