Ông Rahul Roy-Chowdhury rời Google hai năm trước để đảm nhiệm vị trí Giám đốc sản phẩm toàn cầu của Grammarly. Đầu tháng này, ông đã trở thành Giám đốc điều hành công ty, cùng thời điểm ra mắt ứng dụng GrammarlyGO.
Grammarly là ứng dụng kiểm tra chính tả và ngữ pháp tiếng Anh, hỗ trợ người dùng học tiếng Anh. Còn Grammarly Go là ứng dụng mới được công ty phát triển thêm. Ứng dụng này tích hợp AI tạo sinh (Generative AI) để giúp người dùng có thể soạn thảo văn bản, chỉnh sửa, lên ý tưởng và trả lời một cách nhanh chóng.
Công nghệ AI bên trong Grammarly GO chính là mô hình ngôn ngữ GPT 3.5 của OpenAI chạy trên máy chủ Azure của Microsoft.
Trong khi nhiều người đang sử dụng ChatGPT để viết, soạn thảo văn bản và sửa đổi nội dung (bằng tiếng Anh) thì ông Rahul Roy-Chowdhury không coi đó là đối thủ của Grammarly GO.
Ông Rahul Roy-Chowdhury nói: “Nếu bạn để ý đến những thứ mới lạ khác thì bạn sẽ mất tập trung vào mục tiêu của mình. Mục tiêu của chúng tôi chính là giúp đỡ người dùng học tiếng Anh. Nếu có đổi mới sáng tạo thì đó là điều rất tốt. Chúng tôi sẽ cung cấp những dịch vụ tốt nhất cho người dùng”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi không chộp lấy công nghệ mới và cố gắng tìm cách sử dụng nó. Mà chúng tôi cố gắng tìm ra các vấn đề của người dùng để tìm cách giải quyết tốt nhất vấn đề đó".
Ông Roy-Chowdhury thừa nhận việc ứng dụng AI cũng đem lại những rủi ro.
“AI là một công nghệ rất mạnh mẽ – có lẽ nó công nghệ mạnh mẽ nhất đang định hình thế giới của chúng ta ngày nay. Chúng tôi với tư cách là những người áp dụng AI có trách nhiệm mang công nghệ này đến với người dùng một cách an toàn, có trách nhiệm, mà không làm gia tăng sự thiên vị, không làm gia tăng rủi ro. Điều này thực sự khiến người dùng trở thành trung tâm của trải nghiệm”.
“Với bất kỳ công nghệ mạnh mẽ nào, nó sẽ mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng có rủi ro. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần phải cân nhắc và có chủ ý về cách triển khai các công nghệ này trên quy mô lớn".
"Tôi nghĩ rằng nên có những điều luật riêng cho AI. Nó rất cần thiết và hữu ích", ông Roy-Chowdhury nói.
Cuối cùng, ông Rahul Roy-Chowdhury tin rằng thành công không được quyết định bởi các yếu tố bên ngoài mà bởi các quyết định bạn đưa ra khi đối mặt với chúng.
“Sáu tháng trước, không ai có thể biết “llm” [mô hình ngôn ngữ lớn] là viết tắt của từ gì,” ông nói. “Trong 12 tháng qua, thời gian chúng ta dành cho giao tiếp bằng văn bản đã tăng 18% nhưng hiệu quả của giao tiếp đó đã giảm 12%, vì vậy làm nhiều hơn, nhanh hơn không phải là một giải pháp”.
Ông nói: “Không có loại công nghệ nào có thể thay đổi cuộc sống và thay thế khả năng của chính chúng ta. Tôi muốn công nghệ hỗ trợ chúng ta chứ không phải để thay thế chúng ta".
Theo Forbes