Đó là ý kiến của PGS.TS. Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai trong cuộc trò chuyện với VietTimes nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 năm nay.
PGS.TS. Đào Xuân Cơ đánh giá cao mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa báo chí với ngành Y tế trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19, cũng như hoạt động phản biện của báo chí trước những "mảng tối" trong ngành Y đã góp phần làm trong sạch ngành. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng mong muốn các nhà báo có cái nhìn cảm thông hơn với các thầy thuốc khi họ phải hoạt động trong một môi trường đầy áp lực của cảnh "làm dâu trăm họ", mà nhiều khi, lỗi không thuộc về cán bộ y tế.
|
PGS.TS. Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai |
- PV VietTimes: Mối quan hệ giữa báo chí với ngành y tế, đặc biệt trong đại dịch COVID-19, thật gắn bó khăng khít và sẻ chia, thấu hiểu. Là người luôn đồng hành cùng báo chí từ khi còn là bác sĩ điều trị, đến nay trong vai trò của một người quản lý ở một bệnh viện đa khoa lớn nhất nước, xin ông chia sẻ cảm nhận của mình về vai trò của báo chí, cũng như đóng góp của báo chí với ngành y nói chung, với Bệnh viện Bạch Mai nói riêng…
PGS. TS. Đào Xuân Cơ: Trong nhiều năm qua, báo chí luôn là người đồng hành rất tích cực cùng ngành y tế trong công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ, giúp người dân hiểu các kiến thức y học thường thức, để từ đó có thể chăm sóc, phát hiện và phòng ngừa bệnh tật. Có thể nói báo chí đã giúp ngành y truyền thông hiệu quả các kiến thức y tế, để nâng cao sức khoẻ cho nhân dân, phòng ngừa các bệnh lây nhiễm cũng như không lây nhiễm.
|
PGS.TS. Đào Xuân Cơ – Giám đốc BV Bạch Mai - luôn là người quan tâm và ủng hộ hoạt động báo chí |
Ngoài công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, báo chí còn góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền các tấm gương hết lòng vì người bệnh, tôn vinh những thành tựu của y tế, để nhân dân hiểu, đồng cảm với những hy sinh, đóng góp của ngành y đối với nhân dân, đặc biệt trong giai đoạn chống lại đại dịch COVID-19 vừa qua.
Những thông tin báo chí phản ánh trong các dịch bệnh, như dịch COVID-19, đã giúp người dân hiểu và chủ động phòng, chống bệnh dịch, đồng thời, hiểu được những khó khăn, vất vả và sự hy sinh thầm lặng của các nhân viên y tế, để sẻ chia, thấu hiểu và ủng hộ ngành y tế suốt 2 năm đại dịch. Những tấm gương thầy thuốc tận tuỵ phục vụ người bệnh, phục vụ nhân dân được báo chí tôn vinh kịp thời, thực sự là nguồn động viên cán bộ, nhân viên y tế tiếp tục tận hiến, cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh.
Với Bệnh viện Bạch Mai, báo chí cũng luôn sát cánh cùng Bệnh viện để tuyên truyền các hoạt động của Bệnh viện, giúp Bệnh viện xây dựng và phát triển vị thế, lòng tin của Nhân dân. Chúng tôi rất trân trọng và ghi nhận những đóng góp tích cực, những nỗ lực của các anh chị cơ quan báo chí trong từng nhiệm vụ, từng công việc để góp phần vào thành công trong cuộc xây dựng và phát triển Bệnh viện.
- Ông nghĩ sao khi bên cạnh việc ngợi khen, báo chí cũng phản ánh về mặt chưa tốt của một số ít người, đơn vị trong ngành y?
Theo tôi, báo chí đã làm tốt vai trò phản biện xã hội khi nêu ra những vấn đề còn hạn chế, tồn tại của ngành y. Tuy nhiên, những việc làm, những con người chưa tốt chỉ là phần rất nhỏ, là “con sâu làm rầu nồi canh” ở ngành y, còn tuyệt đại đa số cán bộ, nhân viên ngành y đều là những người hết lòng hy sinh, tận tuỵ với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, trong bối cảnh công việc vất vả, nhiều áp lực, thu nhập còn khó khăn.
Vì thế, báo chí cũng cần có sự cảm thông với các cán bộ y tế khi phải lao động trong một môi trường vất vả, nhiều sức ép như vậy. Có những trường hợp người thầy thuốc đã làm hết sức mình để cứu chữa bệnh nhân, nhưng kết quả không như mong đợi, vì nhiều lý do, cả khách quan lẫn chủ quan. Trong hoàn cảnh ấy, gia đình bệnh nhân có thể có những phản ứng thái quá, báo chí không nên vì thế mà vội đưa ra những lời đánh giá không đúng về các bác sĩ.
- Riêng trong đại dịch COVID-19, mối quan hệ gắn bó, sẻ chia giữa báo chí với ngành y, với Bệnh viện Bạch Mai, càng rõ nét hơn bao giờ. Ông đánh giá thế nào về những đóng góp của báo chí trong đại dịch vừa qua?
Cùng cả nước, ngành y nói chung, Bệnh viện Bạch Mai nói riêng, đã trải qua những tháng ngày vô cùng khó khăn trong dịch COVID-19, nhưng thật mừng là đã luôn có sự thấu hiểu, sẻ chia và ủng hộ của báo chí.
Báo chí có vai trò vô cùng quan trọng trong công cuộc phòng chống đại dịch COVID- 19. Các nhà báo đã bám sát tình hình, cập nhật thông tin kịp thời, chính xác để người dân nắm và hiểu được sự nguy hiểm của dịch COVID. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng ngừa và thực thi các biện pháp để hạn chế sự lây truyền của COVID
Ngay từ khi dịch xuất hiện, báo chí đã liên tục đồng hành để tuyên truyền các chủ trương chính sách, định hướng dư luận, giúp người dân thống nhất ý chí, đồng lòng để chung tay đẩy lùi COVID, thực hiện các chiến dịch mà Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Quốc gia đưa ra, như chiến dịch 5K, tiêm vắc xin…
Trong đại dịch COVID cũng như những đại dịch trước đó, các nhà báo luôn là các chiến sĩ xung kích trên mặt trận chống dịch. Nhiều nhà báo xông pha vào tâm dịch để phản ánh, nhiều phóng viên đã “3 cùng” với nhân viên y tế, để từ đó có những bài báo, phóng sự truyền hình từ trong tâm dịch. Góc nhìn chân thực nơi bệnh phòng qua kỹ năng nghiệp vụ của nhà báo đã giúp nhân dân có cái nhìn chính xác nhất về sự nguy hiểm của dịch COVID cũng như những hy sinh thầm lặng, những mất mát quặn lòng mà các chiến sĩ áo trắng cống hiến trong đại dịch COVID.
- Xin cảm ơn những chia sẻ mà ông đã dành cho bạn đọc VietTimes!
Thanh Hằng (thực hiện)
ảnh: Thế Anh