Những cánh cổng tri thức khai phóng trực tuyến
Giải Sách hay là một giải thưởng thường niên do Viện Giáo dục Ired, Dự án khuyến đọc sách hay và Sáng kiến OpenEdu đồng tổ chức.
Các học giả đã phải làm việc rất tích cực trong 6 tháng với vai trò “màng lọc tri thức” để có thể thẩm định hết mấy trăm cuốn sách, lựa chọn ra các đề cử và quyết định cuốn nào được vinh danh ở mỗi hạng mục. Giải thưởng bao gồm 7 hạng mục: Nghiên cứu, Giáo dục, Kinh tế, Quản trị, Văn học, Thiếu nhi và Phát hiện mới.
Nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn phát biểu khai mạc
|
Độc giả yêu quý tri thức được gửi đề cử sách hay và được đăng ký online để tham dự lễ trao giải. “Giải sách hay là giải chứ không có thưởng, không có hiện vật, không có hiện kim. Trải qua hành trình 10 năm và vẫn có thể trao giải, mà lại thu hút sự chú ý của công chúng, các bạn trẻ đến kín hết cả khán phòng thế này, chúng tôi rất xúc động” – Nhà giáo dục Giản Tư Trung nói.
Nhà giáo dục Giản Tư Trung tự sự: “Trước kia, người Việt mình không đọc sách vì thiếu sách còn ngày nay thì không đọc sách vì quá nhiều sách nên không biết đọc sách gì. Chính vì thế giải Sách hay ra đời có tác dụng thiết thực là khuyến khích độc giả đọc những cuốn sách hay”.
Nhà giáo dục Giản Tư Trung chia sẻ về hành trình 10 năm khuyến đọc của giải Sách hay
|
“Ví dụ cuốn “Khuyến học” của tác giả người Nhật Fukizawa Yukichi, hồi chưa đoạt giải chỉ in có 1.000 cuốn mà bán mãi không hết, nhưng sau khi được vinh danh ở Giải Sách hay năm 2011 thì “Khuyến học” đã tái bản tới mấy chục lần, với con số ấn bản đáng tự hào” – Nhà giáo dục Giản Tư Trung chia sẻ - “Tầm nhìn 10 năm tới của giải Sách hay, chúng tôi sẽ khuyến đọc sách hay để bớt đi sách dở và khuyến đọc sách thật để bớt đi sách giả”.
Cuốn “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản” của tác giả Nguyễn Quốc Vương được trao giải sách hay 2020 ở hạng mục sách Giáo dục.
“Ngoài phần “Học gì từ giáo dục Nhật Bản”, trong cuốn sách của tác giả Nguyễn Quốc Vương còn có phần “Học gì từ giáo dục lịch sử của Nhật Bản”? Thực tế là lâu nay học sinh VN chán môn sử, thậm chí có tác giả đã đưa ý kiến nên bỏ môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông. Chúng tôi đưa quan điểm ngược lại rằng không nên bỏ môn Lịch sử mà nên thay đổi cách dạy và học môn lịch sử để những bài học sử trở nên thú vị, bổ ích với học sinh. Thực ra, để làm cho học sinh yêu môn sử không quá khó. Chân thành học hỏi thì sẽ biết cách để con cháu chúng ta không những thích mà còn mê môn sử. Bởi vì bản chất của con người là tò mò về quá khứ, không ai là không thích lịch sử cả” – Nhà giáo dục Giản Tư Trung nhấn mạnh.
Tác giả Nguyễn Quốc Vương phát biểu khi nhận giải Sách hay 2020
|
Cái tên Nguyễn Quốc Vương được chú ý trong những tác giả viết và dịch sách giáo dục
|
Dịch phẩm được xướng tên ở hạng mục sách Giáo dục là cuốn sách khá giản dị “Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng” (dịch giả Châu Văn Thuận chuyển ngữ, công ty sách Thời đại và NXB Hồng Đức phát hành).
“Nếu cuốn sách này được trao giải từ cách đây khoảng 5 năm về trước thì chưa gây hiệu ứng xã hội lắm như được trao giải năm nay. Vì tác giả Fareed Zakaria đặt ra vấn đề giáo dục Mỹ và châu Âu càng lúc càng rời xa nền giáo dục khai phóng. Trong bối cảnh COVID-19 hoành hành khắp thế giới như hiện nay, chúng ta sẽ nhìn rõ hơn các vấn đề của Mỹ và châu Âu. Như tác giả đặt ra, chúng ta cần phải quay về với giáo dục khai phóng để học sinh, sinh viên có thể tìm thấy chính mình chứ không phải chỉ đi học lấy một cái nghề. Nếu như giáo dục phổ thông giúp cho con người ta có nền tảng văn hóa thì giáo dục đại học giúp con người có tầm cỡ văn hóa. Nếu một thanh niên bước vào đại học mà chỉ lo học nghề chứ không lo học những thứ khác để khai phóng chính mình thì lúc ra trường, anh ta vẫn “chưa lớn”, không có tầm, không nhận thức được về chính mình, không tự do” – Nhà giáo dục Giản Tư Trung nói.
Dịch giả Trần Văn Thuận nhận giải Sách hay 2020 với việc chuyển ngữ cuốn "Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng
|
“Không có nhân tính, quốc tính và cá tính thì có thể là người giỏi nhưng vẫn không phải là người lớn. Bài học với phương Tây là trở về với giáo dục khai phóng, còn với chúng ta là cần tiến tới giáo dục khai phóng” – Nhà giáo dục Giản Tư Trung nhấn mạnh.
Hạng mục Sách Kinh tế trao cho 2 tựa sách: Tác phẩm: Thần kỳ Kinh tế Tây Đức (Tác giả: Tôn Thất Thông); Dịch phẩm: Sự Giàu và Nghèo của các Dân tộc (Tác giả: Davis S. Landes, Dịch giả: Sơn Phạm và Vũ Hoàng Linh).
Hạng mục Sách Quản trị trao cho 2 tựa sách: Tác phẩm: Lý thuyết trò chơi và ứng dụng trong quản trị - kinh doanh (Tác giả: Lê Hồng Nhật); Dịch phẩm: Định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Tác giả: Klaus Schwab, Dịch giả: Nguyễn Vân và Thành Thép).
Nhà văn Trần Thùy Mai được vinh danh
Hạng mục sách Văn học vinh danh bộ tiểu thuyết Thái hậu Từ Dụ của nhà văn Trần Thùy Mai, NXB Phụ Nữ ấn hành năm 2019. Bộ tiểu thuyết lịch sử dày dặn gần 600 trang (Quyển Thượng và Quyển Hạ) viết về người phụ nữ đặc sắc bậc nhất trong lịch sử chế độ quân chủ ở nước ta.
Nhà Văn Phan Nhật Chiêu công bố Hạng mục Văn Học
|
Bằng một lối viết trân trọng và khoan thai, nhẹ nhàng mà sâu sắc, thận trọng tỉ mỉ mà không rối rắm, tác giả dựng lại chân dung của một người đàn bà, vừa dân dã vừa quý tộc, quê đất Gò Công nay thuộc Long An, tên thật là Phạm Thị Hằng, xuất thân gia đình danh giá bậc nhất, từ cao tổ, tằng tổ, tổ phụ đều nho học và quý phái, thân phụ là thượng thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng, gia phong vừa nghiêm khắc vừa giản dị, 14 tuổi đã được tuyển làm phủ thiếp cho cháu đích tôn Nguyễn Phúc Miên Tông của vua Gia Long, người sau này là vua Thiệu Trị, từ đó sống giữa một triều đình tiếp mấy đời vua, một nội cung đầy mưu mô hiểm nguy mà người phụ nữ Nam Bộ này dần từng bước làm chủ bằng chính tình thương người chân thật và cách sống cứ đơn sơ, thanh bạch giữa vàng son nhung lụa.
Một người phụ nữ kỳ lạ, có thể kết hợp cái trang trọng phù hoa của một triều đại lớn vừa đang lên đã rối rắm dấu hiệu lúng túng, suy đồi trước áp lực xâm lăng hung hãn của phương Tây, với cái chân chất hiền hòa dân dã, thậm chí có màu sắc đôi chút quê mùa tự nhiên của phương Nam, hóa giải thành hài hòa ổn định nhẹ nhõm, rất Việt, rất Huế, ngay giữa một thời hỗn loạn của đất nước.
Khán phòng không còn một ghế trống
|
Khán phòng đông kín người tham dự, ở lại đến phút cuối để đón chờ thông tin về các cuốn sách hay (Ảnh: Hòa Bình)
|
Thiệu Trị đã phong bà từ phu thiếp, lên đến cung tần, rồi nhất giai quý phi, chỉ chưa kịp chính thức tấn phong Hoàng hậu trước lúc ông qua đời. Ngay từ khi ông còn sống, mỗi lần thiết triều, bà đều được ngồi sau màn, cùng vua toan tính việc nước. Hồng Nhậm Tự Đức, con trai bà lên ngôi, mới tôn vinh bà là Thái hậu Từ Dụ … Đã có bao nhiêu giai thoại về Thái hậu, từ việc tự bà đã tìm đến khâm sứ Pháp ở Huế kiên trì xin miễn thuế giảm sưu cho dân khi người Pháp huy động quá đáng sức người sức của để xây cầu Tràng Tiền, đến chuyện bà sai Nguyễn Tri Phương đi tìm Tự Đức đến sắp ngày giỗ Tiên đế rồi mà còn mải mê đi săn, khi Tự Đức về chịu tội bà một mực quay mặt vào tường không thèm nghe, khiến nhà vua phải tự mình đi tìm một cây roi rồi nằm sấp chờ mẹ đánh phạt …
“Dưới ngòi bút đã thật chín muồi của Trần Thùy Mai, chúng ta không chỉ có được chân dung đậm nét về một người đàn bà đặc sắc và hết sức độc đáo của lịch sử, mà còn cả một bức tranh triều chính và chừng nào đó cả xã hội thật sinh động” – Đại diện Hội đồng trao giải Sách hay 2020 nói về bộ sách của nhà văn Trần Thùy Mai được trao giải.