Giải pháp nào cứu vãn sụp đổ kinh tế bởi “bão” COVID-19?

VietTimes – Gần 40% doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM ngưng hoạt động sau dịch COVID-19. Giải pháp nào cứu vãn sự sụp đổ của nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi “bão” COVID-19?
Nhiều Sở, ngành có mặt tại cuộc họp chiều nay 4/6, về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của TP.HCM (Ảnh: TTBC)
Nhiều Sở, ngành có mặt tại cuộc họp chiều nay 4/6, về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của TP.HCM (Ảnh: TTBC)

Hơn 7.200 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động

Tại cuộc họp Lãnh đạo TP.HCM chiều 4/6, thông tin cho thấy nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn “bão” COVID-19 thực sự đáng quan ngại. Vực dậy tình hình kinh tế sản xuất, ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp và thúc đẩy an sinh xã hội là những chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.

Cùng dự phiên họp có Phó chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND Thành phố Ngô Minh Châu, Phó chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Anh Đức. 

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên tình hình thu ngân sách nhà nước tại TP.HCM có sự sụt giảm. Vì ảnh hưởng của COVID-19, toàn TP.HCM đã có gần 40% doanh nghiệp phá sản, đóng cửa, tạm ngưng hoạt động. Cụ thể, có hơn 7.200 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 39,9 % so cùng kỳ, theo báo cáo của Sở Kế hoạch & Đầu tư.

“Ngăn chặn phá sản là ngăn chặn mất việc làm của người lao động. Đa số doanh nghiệp của thành phố có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 85%, đây là đối tượng dễ bị gãy đổ qua cơn “bão” COVID-19. Vì vậy thành phố cần có giải pháp hết sức cụ thể để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, thúc đẩy mở rộng thị trường” - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo.

“Phải khuyến khích thay thế hàng nhập khẩu, mở rộng hàng nội địa, giãn thuế…” – Ông Nguyễn Thành Phong giao Viện Nghiên cứu Phát triển và Sở Kế hoạch & Đầu tư có kế hoạch cụ thể, trọng tâm trong việc ổn định sản xuất, vực dậy nền kinh tế sau dịch. 

“Du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Nhưng ngay sau dịch, có chương trình người VN đi du lịch VN của Bộ Văn hóa và Tổng Cục Du lịch phát động để kích cầu. TP.HCM đã giao Sở Du lịch TP.HCM đứng ra tổ chức tour đi các tỉnh miền Tây, miền Đông, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, rồi sắp tới mở rộng ra tới tỉnh Hòa Bình, khu vực Tây Bắc, Quảng Ninh và khu vực Đông Bắc, mời các hãng hàng không, các doanh nghiệp du lịch lớn trong nước tham gia vào” – Ông Nguyễn Thành Phong chỉ đạo.

Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị tiếp tục nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phục hồi kinh tế. Theo đó, chương trình phục hồi kinh tế với hai giai đoạn, thứ nhất giải pháp tình thế có phương án bám trụ, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Thứ 2, gắn tái cơ cấu theo chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt tái cơ cấu thị trường là thách thức của các doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống, với các trụ cột là ngân hàng, bảo hiểm, thuế và hải quan… “Các ngành phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy sau dịch. Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất cũng là một mũi công để vực dậy kinh tế, sản xuất trong thời điểm này” - Chủ tịch UBND Thành phố giao Viện Nghiên cứu Phát triển và Sở Kế hoạch & Đầu tư có kế hoạch cụ thể, trọng tâm trong việc ổn định sản xuất, vực dậy nền kinh tế sau dịch.

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tính đến ngày 27/5/2020, vốn ngân sách Thành phố đã giải ngân tại kho bạc nhà nước Thành phố là hơn 5.295 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 15,6% tổng kế hoạch vốn do UBND TP. Hồ Chí Minh giao (33.940 tỉ đồng). Số vốn giải ngân trên cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ 3.051 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 9,5%). Vốn ngân sách trung ương giải ngân trong tháng 5/2020 là 3.184 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 41,1% tổng kế hoạch vốn do UBND Thành phố phân khai chi tiết (7.751 tỉ đồng).

“Cần tối ưu hóa đầu tư công thông qua các biện pháp kích thích tài khóa, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ngăn chặn mất việc của người lao động. Theo Ngân hàng Thế Giới, khi giải ngân đầu tư công tăng 10% sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP 0,6%. Doanh nghiệp và đơn vị cần khai thác lợi ích từ chương trình chuyển đổi số, hiện nay thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh với việc thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ trực tuyến công, đó là những tín hiệu tích cực cần tận dụng tốt” - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói.

Nhiều Sở, ngành có mặt tại cuộc họp chiều 4/6, cùng trả lời chất vấn từ các cơ quan báo đài (Ảnh: TTBC)
Nhiều Sở, ngành có mặt tại cuộc họp chiều 4/6, cùng trả lời chất vấn từ các cơ quan báo đài (Ảnh: TTBC)

Trả lời câu hỏi của VietTimes gửi tới Sở Khoa học công nghệ và Sở Công thương, về dự kiến gì về các nhóm giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng kinh tế vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết: “Theo kế hoạch của UBND TP.HCM, Sở Công thương được giao nhiệm vụ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, hỗ trợ kết nối việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đi qua khó khăn. Theo số liệu tổng hợp, đến hôm nay đã có 511 trường hợp doanh nghiệp đã gửi hồ sơ đến Ngân hàng, đang được giải quyết”.

Ông Nguyễn Phương Đông cho biết thêm: “Về đổi mới KHCN trong doanh nghiệp, Sở Công thương tham mưu cho UBND trình HĐND TP.HCM về chương trình kích cầu, đang triển khai thực hiện”.

Giải quyết nhanh các vấn đề ở Thủ Thiêm

Sau những vấn đề trọng tâm để vực dậy nền kinh tế TP.HCM, tránh sự đổ gãy của doanh nghiệp gây ra sự mất việc làm hàng loạt cho người lao động, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị cần giải quyết rốt ráo các vấn đề ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2) và Khu Công nghệ cao (quận 9).

Theo đó, ông Phong đề nghị các ban ngành liên quan tập trung giải quyết vấn đề liên quan tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Khu Công nghệ cao. Cụ thể, các vấn đề cơ bản tại Thủ Thiêm phải quyết liệt bám sát Kết luận 1037 để giải quyết trong tháng 7/2020. Song song đó, một số dự án ở Thủ Thiêm sẽ khởi công trước Đại hội Đảng bộ Thành phố và lập danh mục các dự án tại đây sẽ làm trong năm tới 2021. 

Ông Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị các đơn vị liên quan đẩy mạnh tốc độ giải ngân liên quan đến ODA, trong đó trọng tâm là dự án Metro số 1.

Ngoài ra, các cấp các ngành cần “chạy đua” theo thời gian để hoàn thành đề án sắp xếp lại đơn vị hành chính quận, phường/xã. Hiện nay Sở Nội vụ đã chuẩn bị xong kế hoạch để báo cáo lên Bộ Nội vụ và lập đề án. Theo đó, có nội dung đầu tiên là không tổ chức hội đồng nhân dân quận, phường. Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tháng 10/2020 sẽ báo cáo Quốc hội về đề án này.

Được biết, theo đề án này thì TP.HCM sẽ giảm xuống còn 16 quận so với 19 quận hiện hữu. Thành phố không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận nhưng riêng nhưng Thành phố sáng tạo phía Đông thì vẫn có Hội đồng nhân dân. Thành phố phía Đông mà tâm điểm là quận 2, 9, Thủ Đức sẽ lấy nền tảng là khu đô thị đổi mới sáng tạo. Sau khi thành lập “thành phố trong thành phố” này sẽ nhập vào quy hoạch chung.