Trong gần một trăm năm tồn tại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tổng bí thư đương nhiệm Tập Cận Bình mới là người thứ hai được chọn lựa rõ ràng bởi các đồng nghiệp của mình. Người đầu tiên là Mao Trạch Đông. Cả hai người đều đánh bại các đối thủ, và do đó có được tính chính danh mà những người tiền nhiệm không có. Vậy tại sao ông Tập lại được chọn?
Các tin đồn ở Bắc Kinh từ lâu cho thấy các vị lãnh đạo cao niên sắp từ nhiệm đã tìm kiếm một người thay thế trong thế hệ “thái tử Đảng”, nghĩa là con của những lãnh đạo cách mạng thế hệ đầu. Các “thái tử” được xem là có nhiều quyền lợi gắn với cách mạng hơn phần lớn mọi người, và vì thế họ sẽ là những người kiên định nhất trong việc bảo vệ quyền lực của Đảng.
Cha của ông Tập là Tập Trọng Huân, từng là một phó thủ tướng có uy tín, thành viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, và được biết đến với những quan điểm ôn hòa, nhưng ông làm mất lòng Mao vào năm 1962 và bị thanh trừng, rồi sau này được phục chức và nắm lại quyền lực sau khi Mao chết. Thế là Tập Cận Bình còn có thêm tính chính danh khác là “con cháu cách mạng” (born red), như Evan Osnos viết trong tờ The New Yorker.
Không thể chối cãi rằng những di sản này lý giải một phần cho sự tự tin rõ ràng của ông Tập. Nhưng một yếu tố khác có thể là sự rèn luyện mà ông đã trải qua khi còn là một thiếu niên, phải tự lo cho mình trước những đe dọa của Hồng Vệ Binh và sau đó lao động ở vùng quê trong 6 năm. Theo một tiểu sử chính thức, “ông đến làng khi còn là một thiếu niên ít nhiều mất phương hướng, và rời làng khi là một người đàn ông 22 tuổi với quyết tâm làm một điều gì đó cho nhân dân”.
Khác với người tiền nhiệm Giang Trạch Dân, người được hưởng nền giáo dục trong khối Xô-viết và rồi thăng tiến thông qua sự nghiệp công chức trong ngành công nghiệp tương đối ổn định, và Hồ Cẩm Đào, người khởi nghiệp làm công chức trong ngành công nghiệp và rồi thăng tiến thông qua Đoàn Thanh niên Cộng sản, ông Tập không có những bao bọc như thế trong những năm đầu tiên.
Lý lịch này có thể giải thích vì sao ông Tập chấp nhận nhiều biện pháp rủi ro sau khi trở thành Tổng Bí thư hơn Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào. Điều được công nhận rộng rãi trong giới am hiểu Trung Quốc là Tập Cận Bình là lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình, với xu hướng phát triển sự sùng bái cá nhân.
Ông Tập không phải là người trội nhất trong số những người bằng vai phải lứa như Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào, mà ông trội hơn hẳn. Trong cuốn sách mới xuất bản gần đây Chinese Politics in the Era of Xi Jinping (Chính trị Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình), Willy Wo-Lap Lam, một nhà quan sát giới tinh hoa Trung Quốc kỳ cựu, giải thích rằng từ khi lên nắm quyền Tổng Bí thư vào năm 2012 và Chủ tịch nước vào năm 2013, ông Tập đã tập trung quyền lực vào tay mình đến mức phi thường.
Ông thành lập và lãnh đạo Ủy ban An ninh Quốc gia Trung ương, có thẩm quyền phụ trách quân đội, công an, và tất cả các cơ quan an ninh quốc gia và đối ngoại, đồng thời làm bí thư Quân ủy Trung ương, ví trí gắn liền với chức Tổng Bí thư của ông. Trong một nước đi chắc chắn sẽ cắt bớt quyền lực của nhân vật số hai của chế độ, thủ tướng Lý Khắc Cường, người được cho là điều hành nền kinh tế, Tập đã thành lập và lãnh đạo một Nhóm lãnh đạo Trung ương về Thúc đẩy cải cách toàn diện. Ông Tập cũng nắm quyền lãnh đạo các nhóm lãnh đạo trung ương về ngoại giao, an ninh mạng và công nghệ thông tin.
Thật sự là ông Tập có thể được xem là quyền lực hơn cả ông Đặng nữa, mặc dù tác giả Lam không nói rõ như thế. Khi thúc đẩy cải cách, Đặng còn phải chịu xuống nước và len lỏi dưới áp lực của những đồng nghiệp cấp cao không mặn mà với cải cách. Mối đe dọa duy nhất của ông Tập là một thái tử Đảng khác là Bạc Hy Lai, nhưng ông này đã bị hạ bệ trong một vụ án màu mè liên quan đến việc vợ ông ta giết một người nước ngoài. Những đồng nghiệp của ông Tập trong Bộ Chính trị và Ban thường vụ, những người không được cân nhắc cho chức vụ cao nhất, được xem là bớt nguy hiểm hơn một ông Bạc từng rất lôi cuốn.
Đằng sau chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”
Một nhiệm vụ vô cùng khó khăn mà ông Tập đặt ra cho mình là trấn áp nạn tham nhũng trong Đảng. Cả Giang Trạch Dân lẫn Hồ Cẩm Đào đều đã cảnh báo về những mối đe dọa xuất phát từ vấn nạn rộng khắp này. Theo như ông Hồ nói, thất bại trong việc trấn áp tham nhũng sẽ “như một cú đấm mạnh vào Đảng và có thể dẫn đến sự sụp đổ của Đảng và đất nước”. Tập cũng nói giống Giang và Hồ, rằng “giữ vững sự liêm chính và chống tham nhũng là điều quan trọng cho sự sống còn của Đảng và nhà nước”.
Trong một dịp khác, ông noi theo Mao bằng cách trích lời một triết gia cổ đại “Nhiều mối mọt sẽ làm mục gỗ, và một vết nứt đủ lớn sẽ làm sập tường”. Nhưng khác với những gì Giang và Hồ đã làm để ngăn chặn tham nhũng, ông Tập đã phát động một chiến dịch rất lớn. Theo lời ông “Chúng ta phải thật quyết tâm chống tham nhũng…, bền bỉ trong nỗ lực chống tham nhũng cho đến khi chúng ta giành thắng lợi cuối cùng, chứ không đầu voi đuôi chuột.” Ông có thể sẽ hối hận vì đã hứa là sẽ không đầu voi đuôi chuột.
Ông Tập đã tuyên truyền về sự cần thiết của việc chống tham nhũng từ rất lâu trước khi ông trở thành lãnh đạo Đảng. Tại một hội nghị chống tham nhũng vào năm 2004, ông cảnh báo các quan chức: “kiềm chế vợ chồng, con cái, họ hàng, bạn bè và thuộc cấp, và thề là sẽ không sử dụng quyền lực cho lợi ích riêng”. Tập biết điều ông nói. Em gái Tập và gia đình bà đang thâu tóm những khoản đầu tư trị giá hàng trăm triệu USD khi ông Tập đang thăng tiến trên con đường lãnh đạo, cho dù các phóng viên điều tra phương Tây không tìm ra bằng chứng nào cho thấy gia đình riêng của ông Tập liên quan trực tiếp dến những khoản đầu tư trên.
Nhưng đây không phải là chuyện riêng lẻ trong giới lãnh đạo tối cao. Sau khi thủ tướng Ôn Gia Bảo nghỉ hưu vào tháng 3/2013, một nguồn tin phương Tây khác tường thuật rằng gia đình ông Ôn, chỉ tính mẹ, vợ, con và anh em, có tổng giá trị tài sản lên đến 2,7 tỉ USD. Những bài báo điều tra của nước ngoài như vậy cần nhiều tháng nghiên cứu khó khăn, nhưng trong hàng ngũ tối cao của đảng thì việc nắm rõ thông tin về tài sản của các lãnh đạo khác sẽ dễ dàng hơn.
Để đối phó với tham nhũng, ông Tập đã cất nhắc Vương Kỳ Sơn, một đồng nghiệp lâu năm mà ông Tập tin dùng trong nhóm 7 người của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, để điều hành Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ương. Ủy Ban có nhiệm vụ truy tìm cả “hổ” lẫn “ruồi”, để đánh bật gốc tham nhũng ở mọi cấp độ. Vào năm 2014, nỗ lực của các nhà điều tra dưới quyền Vương đã dẫn đến hơn 71 ngàn quan chức bị trừng phạt vì vi phạm 8 quy định chống tham nhũng. Nhiều người chắc chắn mắc tội chỉ vì sống xa hoa bằng công quỹ, không hạn chế bữa tiệc xuống chỉ còn “4 món ăn và một món súp”, biện pháp truyền thống của đảng nhằm kiềm chế chi tiêu.
Nhưng hàng tá quan chức cao cấp đã bị cách chức, thậm chí trong một tỉnh, hàng ngũ của đảng đã bị kỷ luật từ trên xuống dưới. Có thể xem thành tích lớn nhất của Ủy ban Kiểm tra là việc hồi hương 500 quan chức chạy trốn và thu hồi tài sản bất chính có giá trị lên đến 500 triệu USD. Ông Vương mong có thể thuyết phục được nhiều quốc gia, trong đó có cả Mỹ, quốc gia mà Trung Quốc chưa ký hiệp định dẫn độ, hỗ trợ ông trong nỗ lực này.
Con hổ lớn nhất bị sa lưới đến thời điểm này là Chu Vĩnh Khang, một ủy viên thường vụ Bộ Chính trị cho đến khi ông ta phải nghỉ hưu vì lý do tuổi tác vào năm 2012. Ông ta từng phụ trách Ủy ban Chính Pháp Trung ương, cơ quan giám sát các bộ máy an ninh và thực thi pháp luật, trong đó có cảnh sát, dân quân và tình báo nội địa: đây không phải là một cá nhân có thể bị thanh trừng dễ dàng kể cả khi họ đã về hưu.
Vì thế, trước khi bắt, Ủy ban Kiểm tra phải đánh bật gốc rễ của ông ta bằng cách bắt giữ những người thân cận với Chu trong các cơ quan cấp trung ương và cấp tỉnh mà ông ta từng điều hành. Tháng trước, Chu bị phạt tù chung thân, trở thành quan chức cao cấp nhất bị thanh trừng vì tham nhũng trong lịch sử nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Cho đến thời điểm này, hình như có một thỏa thuận “mang tình đồng chí” rằng các cựu thành viên của Ban Thường vụ được phép nghỉ hưu trong an bình, vì thế các quan chức cao cấp có thể hy vọng rằng Chu bị bắt vì lý do bè phái hơn là tham nhũng, vì ông ta từng ủng hộ Bạc Hy Lai, kẻ đối địch một thời của Tập Cận Bình. Trong trường hợp đó thì các cựu thành viên của Ban Thường vụ trước đây và trong tương lai có thể thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng nếu Chu không phải là con hổ cuối cùng mà là đầu tiên trong danh sách thì những lo lắng căng thẳng trong các cấp cao nhất của đảng sẽ tăng lên. Các đồng nghiệp của Mao quá sợ ông ta nên không dám hợp nhất chống lại Mao và thậm chí còn rơi rụng dễ dàng trong Cách mạng Văn hóa: thêm vào đó, nếu họ hạ bệ Mao, người được xem như là Lenin và Stalin của cách mạng Trung Quốc, thì họ sẽ làm mất tính chính danh của ĐCSTQ. Ông Tập không có tầm cỡ đến mức đó, nên ông ấy cần sự can đảm nếu ông muốn tiếp tục “săn hổ”.
Như Mao Trạch Đông trước kia, ông Tập dựa vào Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) làm hàng phòng thủ cuối cùng của mình. Một năm trước, 18 vị tướng đương chức, trong đó có những tướng lãnh đạo các tổng cục của PLA, và 7 chỉ huy địa phương, hứa trung thành với Tập trong tư cách chủ tịch Quân ủy Trung ương. Nhưng việc PLA công khai thể hiện sự trung thành với ông Tập là dấu hiệu của cả sức mạnh lẫn thế yếu.
Mao không cần phải công khai chứng minh sự trung thành đến mức này. Và kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng nhắm đến một số tướng lĩnh cao cấp, trong đó có một cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương và ủy viên Bộ Chính trị, các chức cao nhất mà một người lính có thể nhận được, những lời hứa này có thể được đưa ra như một cách để tránh bị vào tù. Vẫn còn chưa rõ mức độ trung thành của các vị tướng đến đâu nếu chiến dịch mở rộng điều tra đến thêm nhiều vị tướng nữa.
Diệt ruồi cũng đem đến nhiều rủi ro. Trong nhiều phương diện, đây là việc quan trọng hơn đả hổ. Người dân Trung Quốc có thể vui mừng khi một con “hổ” bị tiêu diệt, nhưng những con ruồi, những người cấp thấp hơn, có những hoạt động mang tính trấn lột ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Nếu tham nhũng trong 80 triệu đảng viên rộng khắp như theo ngụ ý của các lãnh đạo Trung Quốc và như người dân Trung Quốc vẫn tin, thì hàng chục triệu người có thể liên quan.
Giả sử như 10 phần trăm đảng viên thông thường tham nhũng (chắc chắn đây là tính ở mức thấp), thì con số này đã lên đến 8 triệu người. Thêm tiếp các thành viên gia đình, những người cũng có thể được xem là tham nhũng như trường hợp của Ôn Gia Bảo cho thấy. Thêm vợ chồng, con số này tăng lên 16 triệu, thêm một đứa con, 24 triệu, thêm một người anh chị em, 32 triệu, và thêm vợ chồng người đó nữa, thế là có 40 triệu người đáng bị truy tố.
Và đó chỉ là ở mức tham nhũng 10%. Tinh thần của đảng viên sẽ sụp đổ song song với sự gia tăng sức mạnh tổ chức của đảng như trong Cách mạng Văn hóa. Ngay bây giờ, các cuộc thăm hỏi bắt buộc tới các đồng nghiệp trong tù của các quan chức chắc chắn làm họ rất kinh sợ.
(còn nữa)
Theo QPAN