Giải mã nghịch lý NSLĐ: Khu vực FDI được kỳ vọng cao nhưng năng suất lại thấp hơn khu vực nhà nước?

 Khu vực FDI được kỳ vọng cao, có bộ máy quản lý hiện đại, mạng lưới sản xuất toàn cầu, tại sao năng suất lại không cao? Số liệu thống kê có vấn đề hay không?

Ông Nguyễn Đức Thành, đại diện Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) trình bày báo cáo tại Hội thảo năng suất lao động ở Việt Nam - Nguồn gốc và thách thức cho tăng trưởng sáng ngày 28/4 cho biết, xét theo các ngành kinh tế, khu vực nông nghiệp năng suất còn thấp, khu vực công nghiệp có năng suất cao hơn cả. Vì thế, giống như một nước công nghiệp hóa điển hình, năng suất khu vực công nghiệp của Việt Nam đóng vai trò dẫn dắt toàn bộ nền kinh tế.

Tuy nhiên, phân tích sâu hơn, nhóm nghiên cứu nhận thấy một điểm đặc biệt khó giải thích. Việt Nam mong muốn công nghiệp hóa, mở rộng thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhưng năng suất của khu vực chế biến chế tạo - khu vực được kỳ vọng nhiều nhất - lại không tăng lên theo thời gian, trong suốt giai đoạn từ năm 2000 đến nay.

Xét theo thành phần sở hữu, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thường được cho là khu vực có năng suất cao, vì cách thức hoạt động hiệu quả. Nhưng điều này chỉ đúng trong giai đoạn trước năm 2000, rồi sau đó, năng suất của khu vực này giảm rất mạnh. Điều này diễn ra song hành trong bối cảnh năng suất của khu vực chế biến, chế tạo bị kẹt lại từ năm 2000. Trong khi đó, khu vực tư nhân, ban đầu có năng suất rất thấp, nhưng được cải thiện với tốc độ ổn định liên tục.

Đặc biệt, trong thời kỳ dịch, năng suất lao động của khu vực nhà nước lại là cao nhất. Ông Thành lý giải, năng suất lao động của khu vực nhà nước cao đến từ một số nguyên nhân. Thứ nhất, đây là khu vực được cải cách liên tục, vì thế các doanh nghiệp nhà nước có năng suất thấp, hiệu quả kém đều bị loại bỏ hoặc được cổ phần hóa, góp phần cải thiện năng suất.

Thứ hai, điểm quan trọng hơn là tất cả các doanh nghiệp khu vực nhà nước đều là các doanh nghiệp có cường độ vốn cao. Khi lượng vốn sử dụng lớn, năng suất lao động tự nhiên sẽ cao vì người lao động làm việc với một lượng vốn khổng lồ.

Ngoài ra, các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhà nước đều mang tính độc quyền hoặc có sự bảo hộ của nhà nước như viễn thông, năng lượng...

"Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà năng suất lao động trong khu vực này lại cao như vậy, đó là kết quả của quá trình tập trung cho khu vực nhà nước" - ông Thành nhận định.

Đối với khu vực tư nhân, năng suất ngày càng được cải thiện nhưng cường độ vốn lại thấp, quy mô doanh nghiệp nhỏ và hoạt động trong những lĩnh vực cạnh tranh rất khốc liệt. Chính vì thế, năng suất lao động của khu vực này còn thấp về tuyệt đối mặc dù liên tục được cải thiện.

Còn khu vực FDI, năng suất đã từng rất cao, nhưng lại giảm xuống và duy trì ở mức trung bình. Khu vực được kỳ vọng cao, có bộ máy quản lý hiện đại, mạng lưới sản xuất toàn cầu, tại sao năng suất lại không cao? Số liệu thống kê có vấn đề hay không?

Để trả lời câu hỏi này, nhóm nghiên cứu cho hay, trong giai đoạn đầu, khu vực đầu tư nước ngoài quả là một khu vực ưu việt, vì họ đầu tư vào những ngành thâm dụng vốn ở thời điểm đó như năng lượng, khai khoáng... Nhưng từ sau năm 2000 trở đi, dường như, các nhà đầu tư nước ngoài nhận thấy những hoạt động đó không hiệu quả, dần dần, họ dịch chuyển sang những ngành thâm dụng lao động.

"Khi đầu tư vào những ngành thâm dụng lao động, họ sẽ chọn những công nghệ, sử dụng cách thức hoạt động sao cho không cần cải thiện năng suất mà chỉ cần lao động giá rẻ với quy mô lớn để đạt được mục tiêu. Điều này cũng cho thấy, chúng ta đang có vấn đề về mặt chính sách trong việc phát triển các ngành chế biến, chế tạo, cải thiện môi trường kinh doanh cho cả khu vực tư nhân trong nước và khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trong việc tạo động lực cho họ cải tiến công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất ở Việt Nam theo hướng tăng năng suất" - ông Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Nếu nhìn vào đặc điểm của thị trường lao động, theo ông Thành, có thể các nhà đầu tư nước ngoài đã chọn Việt Nam như một điểm đến vì lao động giá rẻ chứ chưa phải vì môi trường kinh doanh tốt, sáng tạo hay để đặt các cơ sở sản xuất thâm dụng vốn và công nghệ.

Một số nghiên cứu, khảo sát cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2007-2013, lao động chưa qua đào tạo lại tăng lên (56 -> 66% trong công nghiệp và xây dựng; 31 -> 56% trong dịch vụ). Như vậy, lượng lao động phổ thông được sử dụng đang nhiều hơn.

Trong chuỗi giá trị toàn cầu, sự tham gia của Việt Nam tăng lên đáng kể, ngày càng có nhiều giá trị được tạo ra ở Việt Nam, về mặt quy mô. Nhưng nếu xét về tỷ trọng, suốt trong giai đoạn từ năm 1995-2015, tỷ trọng giá trị được tạo ra trong nước thậm chí còn giảm.

Trong quá trình lao động Việt Nam còn được sử dụng ở mức độ phổ thông như vậy, cần đặc biệt lưu ý đến nguy cơ nguồn cung lao động giá rẻ ở khu vực nông thôn chững lại, mà lao động ở những vùng còn lại lại không được nâng cấp, Việt Nam sẽ rất dễ bị kẹt ở bẫy thu nhập trung bình, ông Thành cảnh báo.

Theo Tổ Quốc

Theo http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/giai-ma-nghich-ly-nsld-khu-vuc-fdi-duoc-ky-vong-cao-nhung-nang-suat-lai-thap-hon-khu-vuc-nha-nuoc-420212841142439.htm