Nhận định trên được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra tại lễ kỷ niệm thành lập một tập đoàn công nghệ lớn tại Việt Nam. Theo đó, ông mong muốn các doanh nghiệp công nghệ lớn phải đi tiên phong trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, đồng thời thiết kế và làm ra sản phẩm công nghệ Make in Vietnam, chung tay xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Nhìn lại chặng đường phát triển của doanh nghiệp công nghệ số trong 25 năm qua, Bộ trưởng ghi nhận những đóng góp tích cực của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều ngành trọng điểm của quốc gia. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đặt ra vấn đề, liệu thành quả đó đã xứng đáng với tiềm lực của Việt Nam chưa?
“25 năm là dài đối với một doanh nghiệp, nhất là một doanh nghiệp công nghệ. Thường thì cứ mỗi 10 năm, nhiều thì 15 năm, là doanh nghiệp phải tái tạo lại chính mình. Có thể là làm cái gì đó mới, có thể là làm theo một cách mới. Vậy, 25 năm qua, chúng ta đã có lần nào đổi mới căn bản chưa? Chúng ta vẫn luôn tự hào là một doanh nghiệp công nghệ, thậm chí là doanh nghiệp công nghệ cao. Nhưng một năm, mỗi người của chúng ta chỉ tạo ra được lợi nhuận là 2.000 USD, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu chỉ 3%. Đã có khi nào chúng ta nghĩ đây là con số cao hay thấp chưa?” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu vấn đề.
Nhận định về những vướng mắc còn tồn tại trong các tổ chức, Bộ trưởng cho rằng doanh nghiệp dễ bị mắc kẹt trong “văn hóa của việc dễ” nếu chọn làm những việc dễ trước. Từ đó, chính những việc khó sẽ trở thành thách thức lớn.
Bàn về vai trò định hướng của người đứng đầu, Bộ trưởng phân tích: “Một người lãnh đạo có tầm nhìn khi có hai việc để lựa chọn thì sẽ chọn việc khó hơn để làm. Việc khó hơn không chỉ hình thành văn hoá chinh phục việc khó mà còn tạo ra lợi nhuận lớn hơn, bởi vì việc khó hơn thì sẽ có ít cạnh tranh hơn”.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. |
Việt Nam sẽ tập trung phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, thời gian tới, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ phát triển theo 4 loại hình chính.
Thứ nhất, khoảng 10 - 20 doanh nghiệp công nghệ lớn có tiềm lực tài chính, thị trường và nhân lực sẽ làm chủ nghiên cứu, phát triển các công nghệ cốt lõi. Các doanh nghiệp thương mại dịch vụ lớn có thể chuyển thành các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Thứ hai, các doanh nghiệp công nghệ đã có 10 - 20 năm kinh nghiệm đang chủ yếu làm gia công sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các nền tảng chuyển đổi số.
Thứ ba, các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp sẽ làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Thứ tư, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá.
Nhận định “tái sinh” là quá trình tất yếu của một doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khuyến khích các đơn vị đặt mục tiêu cao, bởi “chỉ có thử thách vĩ đại mới tạo ra doanh nghiệp vĩ đại”.
“Chúng ta hôm nay, sau 25 năm, tuyên bố tái sinh. Đây là cam kết mạnh mẽ về sự tái tạo, về sự chuyển mình cho một sứ mạng mới. Phải là một sứ mạng quốc gia lớn lao, phải là một mục tiêu cao đến mức gần như không khả thi, phải là một thử thách lớn, phải là một khát vọng lớn mới có thể giúp các bạn có đủ năng lượng để thực hiện được sự chuyển đổi này” – Bộ trưởng Bộ TT&TT nhấn mạnh.