Đài truyền hình nhà nước Iran dẫn các nguồn tin của Lực lượng Vệ binh Cách mạng tuyên bố, tất cả 35 tên lửa đã đánh trúng các mục tiêu của Mỹ, giết chết ít nhất 80 “kẻ khủng bố Mỹ” và làm bị thương 200 người khác, một số máy bay trực thăng và thiết bị của quân đội Mỹ bị ‘hư hại nghiêm trọng’. Báo cáo cũng nói rằng nếu Hoa Kỳ thực hiện bất kỳ sự trả đũa nào, Iran sẽ lập tức tấn công 100 mục tiêu khác của Mỹ ở Trung Đông.
Trang tin Đông Phương dẫn các nguồn tin quân sự Mỹ nói, hầu hết số tên lửa được Iran phóng rạng sáng 8/1 là tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fatah-110 và Qiam-1; trong đó loại Qiam-1 đặc biệt được chuyên dùng cho việc tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Trung Đông.
Hai loại tên lửa đạn đạo Qiam-1 (trái) và Fatah-110 (phải) được Iran tấn công các căn cứ Mỹ (Ảnh: Đông Phương).
|
Các chuyên gia chỉ ra rằng công nghệ tên lửa của Iran trong những năm gần đây đã đạt được những tiến bộ như biến đổi lượng tử. Từ chỗ là thủ đoạn chiến tranh tâm lý hoặc tuyên truyền chính trị trong quá khứ, hiện tên lửa Iran đã trở thành thứ vũ khí chiến trường thực sự.
Bộ Quốc phòng Mỹ ước tính Iran có hơn 2.000 tên lửa đạn đạo và đang tập trung phát triển hỏa lực tấn công tầm xa. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Khatami trước đây đã tuyên bố rằng tên lửa Fatah-110 là “100% do Iran sản xuất”, là vũ khí chiến thuật linh hoạt, tàng hình và được điều khiển tấn công chính xác. Dữ liệu cho thấy tên lửa Fattah-1 có tầm bắn tối đa 300 km và đầu đạn nặng 226 kg, loại Qiam-1 có tầm bắn tối đa 800 km và đầu đạn nặng 340 kg.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fatah-110. (Ảnh: Sohu).
|
Fatah-110 sử dụng một tầng nhiên liệu rắn để đẩy tên lửa lên cao với khả năng mang đầu đạn chứa thuốc nổ mạnh hay bom chùm. Phía trước của tên lửa có ba cánh hình tam giác và phía sau có bốn cánh để giữ ổn định.
Tên lửa có thể gắn trên ba loại hệ thống phóng di động. Thứ nhất là hệ thống phóng tương tự loại tên lửa phòng không S-75 Dvina (SA-2), thứ hai là bệ dùng chung với các tên lửa Zelzal và cuối cùng là hệ thống mới có tên Zolfaghar có thể mang và phóng được hai tên lửa.
Trong vụ tấn công trả thù Mỹ sáng 8/1, một số báo cáo tiết lộ tên lửa Qiam-1 cũng được sử dụng. Đây là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn do Iran sản xuất, có tầm bắn 800km, mang theo đầu đạn nặng 340kg.
Tên lửa đạn đạo Qiam-1. (Ảnh: Eaworldview).
|
Qiam-1 được phát triển trên nền tảng tên lửa Shahab-2 của Iran, vốn là một bản sao được cấp phép của Hwasong-6 do Triều Tiên sản xuất. Cả hai loại này đều được phát triển từ phiên bản gốc là tên lửa Scud-C của Liên Xô.
Tờ Washington Post của Mỹ đưa tin, quan chức tình báo của Bộ Quốc phòng Mỹ giấu tên nói rằng trước đây, loại tên lửa mô phỏng tên lửa Scud của Liên Xô cũ là thứ tiên tiến nhất của Iran. Hơn một thập kỷ trước lãnh tụ tinh thần tối cao Ali Khamenei, đã ra lệnh cải tiến công nghệ tên lửa và đầu tư hàng triệu USD cho việc nghiên cứu phát triển hệ thống hướng dẫn để cải thiện độ chính xác và cải thiện các tên lửa cũ. Trong số đó, Qiam-1 có thể tinh chỉnh quỹ đạo trong quá trình bay và Fatah-110 cũng được trang bị hệ thống dẫn đường quang điện và quang học để tăng tỷ lệ đánh trúng các mục tiêu cụ thể.
Cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ (USCENTCOM) Joseph Votel cho biết công nghệ tên lửa của Iran đã tiến những bước nhảy vọt. Người ta đã thấy Iran đã sử dụng tên lửa kết hợp tên lửa đạn đạo với máy bay không người lái để đột phá hệ thống phòng thủ tên lửa và đánh trúng các mục tiêu. Ông nói, tốc độ học tập của Iran và việc làm chủ thành công phương pháp tấn công khiến người ta lo ngại.
Vị trí hai căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq bị tên lửa Iran tấn công. (Ảnh: Daily Mail)
|
Vào tháng 9/2019, cuộc tấn công được cho là của Iran vào các cơ sở dầu mỏ của Ả Rập Saudi bằng tên lửa và máy bay không người lái đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia. Người ta suy đoán rằng một khi hai nước tham chiến, Iran có thể thực hiện lại các kỹ năng đó và gây thiệt hại nghiêm trọng cho các mục tiêu bao gồm căn cứ quân sự, cơ sở dầu mỏ của Mỹ và Israel.
Ngoài ra, có cơ quan truyền thông Trung Quốc nói các tên lửa Iran sử dụng để tấn công Mỹ lần này là Fatah-313 (?) và Qiam-1. Tên lửa loại Fattah-313 được phát triển từ tên lửa đạn đạo B610 do Trung Quốc sản xuất trên cơ sở cải tiến tên lửa phòng không Hồng Kỳ-2 (HQ-2). Báo Trung Quốc cho rằng, vì thế, loại tên lửa này có thể có thể được coi là “có huyết thống Trung Quốc” (!).