Trong khi đó, giá rao bán của nhiều sàn giao dịch, môi giới về một số dự án cũng tăng lên so với mức được các nhà trung gian này đưa ra cách đây vài tháng.
Tuy chưa có thống kê chính thức nào về mức tăng giá tại các dự án, nhưng theo thông tin các sàn giao dịch cho biết, mức giá căn hộ tại Hà Nội đã tăng khoảng từ 5 - 15% tùy từng dự án. Cá biệt ở một số dự án, mức giá đã tăng lên tới 5 - 10 triệu đồng/m2.
Không những thế, tại nhiều dự án như Vinhomes Nguyễn Chí Thanh, Mardarin Garden (Trung Hòa), FLC Complex Phạm Hùng, Discovery Complex Cầu Giấy, HomeCity Trung Kính…, giá giao dịch thứ cấp trên thị trường đã tăng đáng kể.
Một trường hợp cụ thể là dự án như FLC Complex Phạm Hùng. Tại Hội thảo “Cơ hội và tiềm năng Tập đoàn FLC” ngày 15/1, chủ đầu tư đã công bố giá bán từ 27,5 – 28,5 triệu đồng/m2. Nhưng hiện nay, theo một nguồn tin, giá thứ cấp trên thị trường đã được đẩy lên đến 30 - 30,5 triệu đồng/m2, thậm chí căn nhỏ diện tích 54m2 có giá đến 31 triệu đồng/m2, tăng đến 15% trong chưa đầy một tuần.
Nguyên nhân do đâu? Theo phân tích sơ bộ, nhiều diễn biến thời gian gần đây đã tạo ra bối cảnh thuận lợi hơn cho thị trường bất động sản Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại tự thỏa thuận mức lãi suất cho vay đối với kỳ hạn trên 6 tháng khiến cho các gói vay linh hoạt hơn.
Đặc biệt, những động thái gần đây cho thấy, hàng loạt ngân hàng thương mại đã điều giảm lãi suất cho vay đối với nhiều loại kỳ hạn. Do đó, người mua nhà sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận các giải pháp cho vay với lãi suất tốt hơn từ phía ngân hàng.
Chẳng hạn, tại một hội thảo giới thiệu dự án được Tập đoàn FLC tổ chức hôm 15/1 vừa qua, 3 “đại gia” ngân hàng là Vietinbank, Vietcombank và BIDV đã phối hợp với doanh nghiệp đưa ra các chương trình cho vay với các điều kiện hấp dẫn, thu hút gần một nghìn khách đăng ký vay mua nhà FLC.
Thứ hai, cuối năm thông thường là thời điểm dòng kiều hối đổ về Việt Nam khá mạnh mẽ. Dự kiến năm 2014 sẽ có khoảng 12 tỷ USD kiều hối chuyển về Việt Nam, một tỷ lệ lớn trong đó sẽ đổ vào thị trường bất động sản.
Thứ ba, các Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, sẽ có hiệu lực trong năm nay, đều được sử đổi, bổ sung theo hướng tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phục hồi, như tạo hành lang cho hoạt động tái cấu trúc và kích cầu thị trường.
Các sàn giao dịch cho biết, những điều kiện thông thoáng hơn đối với người nước ngoài mua nhà cũng đã khiến nhu cầu mua nhà ở phân khúc căn hộ cao cấp gia tăng mạnh trong dịp đầu năm 2015.
Thứ tư, các kênh đầu tư thay thế như vàng, ngoại tệ hiện đang triệt tiêu các cơ hội kinh doanh do được kiểm soát chặt chẽ hoặc do chính sách duy trì ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, nên dòng tiền chủ yếu đổ vào kênh bất động sản, chứng khoán.
Song, không phải dự án nào cũng được lợi lớn từ xu hướng phục hồi này. Những dự án dẫn đầu xu hướng tăng nhiệt đều là dự án của các chủ đầu tư có uy tín, đặc biệt trong cam kết về tiến độ xây dựng và bàn giao nhà, như Vingroup, FLC hay Hòa Phát. Đây cũng là các dự án hội tụ các yếu tố có tính cạnh tranh cao như vị trí đẹp, thiết kế hợp lý, tiện ích đầy đủ…
Như Vinhomes Nguyễn Chí Thanh nằm ngay mặt con đường từng được gắn biển là đẹp nhất Hà Nội, FLC Complex Phạm Hùng nằm ở giữa khu hành chính mới của Hà Nội, trên đường Phạm Hùng sát với công viên Cầu Giấy…
Theo Bizlive