“Ta là ai? Ta từ đâu đến? Ta làm gì? Ta đi về đâu?”
“… Làm gì có quốc gia tốt và quốc gia xấu! Giữa các quốc gia đừng quá tin cậy theo ai và cũng đừng đả phá một ai. Quốc gia đều có các chính thể của mình, mà chính thể có thể thay đổi theo thời gian.
Đừng mơ tưởng tình bạn với kẻ hơn hẳn mình. Không có tình bạn giữa hai quốc gia. Chỉ có quan hệ đồng minh theo giai đoạn khi có cùng lợi ích.
Như vậy ta không cần cảm xúc than phiền về những điều bất như ý, không phê phán chính phủ của mình mà hãy đoàn kết xung quanh, góp sức và biến những điều bất lợi thành tích cực, thế mạnh để thành công” (Quốc gia tốt và quốc gia xấu, trang 190). Hiếm ai dám nhìn trực diện và nhận xét một cách độc đáo khác thường như vậy.
Từ cách nhìn thời cuộc, các mối quan hệ quốc tế đang ngày càng phức tạp và đầy rủi ro như hiện nay, tác giả cuốn sách “Giấc mơ Việt Nam- Khát vọng tương lai” (dày 254 trang; NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2021) đặt ra những câu hỏi (và tự trả lời) cho Việt Nam chúng ta: “Ta là ai? Ta từ đâu đến? Ta làm gì? Ta đi về đâu?”
Cuốn sách, nói như TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính- Tiền tệ quốc gia, không hoàn toàn là một tác phẩm chính luận với kết cấu chương hồi chặt chẽ, truyền thống.
Cuốn sách là tập hợp những ý tưởng, tư duy, nghiền ngẫm theo một hệ thống khoa học - triết học nhưng không kém phần lãng mạn. Sợi chỉ xuyên suốt của mạch nguồn tư duy ấy là cái nhìn trực diện và đúc kết một cách độc đáo khác thường.
Chính vì thế cuốn sách cuốn hút người đọc từ đầu đến cuối!
“Tác giả đã khái quát những chân lý Thành - Bại tưởng chừng như hiển nhiên nhưng vô cùng sâu sắc mà bất cứ một thể chế nào muốn hoạch định một chiến lược phát triển dài hạn đều không thể bỏ qua”- TS Lê Xuân Nghĩa. |
Từ góc độ Kinh tế- Văn hóa và Lịch sử tác giả Nguyễn Lý Trần Lê đã phác thảo một bức tranh đơn giản nhưng sinh động, tương đối đầy đủ về Việt Nam dưới góc nhìn khác nhau thông qua các chủ đề: “Việt Nam và quá khứ”, “Nguy cơ hôm nay”, “Tâm hồn Việt Nam”, “Thiết kế tương lai” và cuối cùng là, “Giấc mơ Việt Nam”.
Đọc cuốn sách ta thấy những vấn đề anh đưa ra, anh nhìn nhận, phân tích chỉ nhằm làm rõ một vấn đề quan trọng: có thể học được những gì từ thành công và thất bại của Việt Nam và các quốc gia khác trong quá trình phát triển trở thành cường quốc, xác định thách thức và thời cơ vàng của Việt Nam trong vài thập kỷ tới.
Với khối lượng nghiên cứu đồ sộ từ hoạt động thực tiễn hơn 30 năm không ít thăng trầm của mình “tác giả đã khái quát những chân lý Thành- Bại tưởng chừng như hiển nhiên nhưng vô cùng sâu sắc mà bất cứ một thể chế nào muốn hoạch định một chiến lược phát triển dài hạn đều không thể bỏ qua”- TS Lê Xuân Nghĩa.
Có một mô hình phát triển lý tưởng để “Việt Nam hóa” không?
Để đi tìm lời giải cho câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng hóc búa này, ta hãy xem những trang viết của Nguyễn Lý Trần Lê:
“Việc học hỏi các nước thành công về kinh tế và xã hội là bắt buộc. Nhưng mỗi nước đều có những mô hình phù hợp đặc thù dân tộc và hoàn cảnh quốc gia đó. Các mô hình cũng vận động theo thời gian.
Không có một mô hình phát triển lý tưởng nào chung cho mọi quốc gia. Nền dân chủ tự do và cách thức vận hành quốc gia của Mỹ rất khác so với các nước Bắc Âu, Đức, Pháp hay Nhật Bản. Cùng là nền kinh tế tư bản, các nước này đều có các chính sách phát triển riêng.
Nhật Bản và Đài Loan, dù cạnh Trung Quốc, nhưng lại là đồng minh của Hoa Kỳ, chỉ cần lo tối đa việc phát triển kinh tế- tri thức- văn hóa. Hơn nữa Nhật Bản đã có bề dày phát triển kinh tế- xã hội theo phương Tây hơn 100 năm, nên họ học theo mô hình phương Tây khá nhanh và linh hoạt.
Còn Hàn Quốc phải dựa vào Mỹ để đối đầu với CHDCND Triều Tiên, nhưng giai đoạn đầu họ phát triển gần như là do đường lối độc tài sáng suốt vì dân của một người.
Còn Singapore là một quốc gia thành phố, mảnh đất tách ra từ Malaysia, dựa vào dân chủ kiểu Mỹ- Anh để tập hợp lực lượng, nhưng độc tài về chính trị, kết hợp linh hoạt giữa tư tưởng Nho giáo với kỹ trị phương Tây, chẳng có tài nguyên gì ngoài một vị trí địa lý tình cờ mà thuận lợi, với một chính đảng mạnh mà thành công.
Bìa cuốn sách |
Israel là một quốc gia nhỏ bé, “thập diện mai phục” bởi kẻ thù, không có gì ngoài trí tuệ, và tận dụng danh tiếng của Hoa Kỳ như một “ngáo ộp” ở xa, chỉ biết trông cậy vào chính mình để tồn tại, vừa phòng thủ, vừa tấn công, đi đêm và “gián điệp” liên tục, đều nhằm bảo vệ đất nước phải sau hơn 2.000 mới dựng lại được, cho nên đã phải tự lực gần như toàn diện: kinh tế, thương mại, quốc phòng, khoa học kỹ thuật…
Mỗi nước thành công này đều có gì đó cho ta học tập, nhưng từng phần ghép hình để cho mô hình của riêng ta mà thôi. Không thể sao chép y nguyên được. Duy nhất có một thứ chung cho các quốc gia này là phát triển đất nước nhờ giương cao ngọn cờ yêu nước và dân tộc, kêu gọi lòng tự hào, tự trọng, danh dự, phẩm giá quốc gia để người dân đồng lòng vì một mục đích chung”.
“Ta làm gì? Ta đi về đâu?”
Phát triển kinh tế- xã hội, an ninh, quốc phòng Việt Nam tương xứng với tầm vóc dân tộc, tận dụng thời cơ vàng trong những thập kỷ tới cũng đã được tác giả phân tích một cách sâu sắc. Duy trì các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân với các tập đoàn công nghiệp, dịch vụ và thương mại trụ cột, bảo vệ thị trường nội địa, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc tế trên nền tảng khoa học công nghệ và năng xuất lao động đều được tác giả đề cập với cách nhìn độc đáo, mới mẻ và thực tế.
Giấc mơ Việt Nam- Khát vọng tương lai. |
Từ trước đến nay chúng ta đã có rất nhiều diễn đàn, rất nhiều sáng kiến, hiến kế của các chuyên gia trong và ngoài nước cho một lộ trình phát triển của Việt Nam, nhưng đọc “Giấc mơ Việt Nam- Khát vọng tương lai”chúng ta vẫn thấy có gì đó khác biệt:
“Dù có bao nhiêu tư vấn xuất sắc đi chăng nữa mà chúng ta không tự thay đổi thì không ai giúp được chúng ta. Sự thay đổi cần từ hai phía:
Từ trên xuống: hoạch định lại đường lối, chính sách kinh tế, sửa đổi và bảo hộ có trọng điểm các ngành kinh tế được lựa chọn của đất nước; kiên quyết đấu tranh với tham nhũng; tăng cường kỷ luật thực thi chính sách thông qua lựa chọn đúng các nhà lãnh đạo phù hợp trong bộ máy chính quyền.
Từ dưới lên: đào tạo sâu rộng trong mọi trường lớp cả công và tư về tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, khuyến khích học sinh, sinh viên học tập để xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh; nâng cao đức tính tốt, phẩm giá người Việt”.
Hay “Chúng ta bị ám ảnh bởi việc có được càng nhiều càng tốt, không bỏ sót một thứ gì, ngành nào cũng có, và luôn tiếp nhận mọi thứ. Tuy nhiên, điều này đã hủy diệt sự thành công lớn, không đủ sức cạnh tranh với người đi trước, không tạo ra các trụ cột vững chắc cho kinh tế- xã hội.
Chúng ta phải học cách từ bỏ. Một chiến lược phát triển đất nước là phải tập trung lựa chọn theo ngành, vùng. Các thứ tự ưu tiên theo thời gian và thế mạnh, và tích lũy nội lực để cho một kế hoạch dài hạn hơn với đích lớn hơn tiếp theo, xây dựng và thực hiện các chính sách nhất quán xuyên suốt.
Có những nơi nhà nước không tham gia mà để thị trường quyết định, chỉ điều tiết chính sách, đưa ra định hướng; có vài nơi Chính phủ can thiệp trực tiếp (cả với tư nhân và nhà nước) để đầu tư, hỗ trợ và cam kết đi theo đường lối của quốc gia, tạo ra các mũi nhọn tiên phong, hình thành nên trụ cột kinh tế đất nước”.
“Cuốn sách thể hiện ước mơ, mong muốn cháy bỏng của tác giả về một Việt Nam hùng cường". |
Đồng thời trong cuốn sách này tác giả cũng đã đề xuất kịch bản chiến lược phát triển với tầm nhìn đến năm 2075. “Đây có thể coi là một chiến lược dài hạn nhất, tham vọng nhất và có cách nhìn mới nhất nhằm đưa quy mô kinh tế Việt Nam đạt TOP 5 thế giới sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, tại sao không?”- TS Lê Xuân Nghĩa.
“Cuốn sách thể hiện ước mơ, mong muốn cháy bỏng của tác giả về một Việt Nam hùng cường, do đó có những nội dung tác giả để trí tưởng tượng rất bay bổng; có những nội dung được tác giả nhắc lại nhiều lần, ở nhiều phần khác nhau nhằm nhấn mạnh ý tưởng của mình; cũng có những vấn đề tác giả đưa ra cách tiếp cận khá mới để giải quyết…” (Lời NXB).
“Cuốn sách Giấc mơ Việt Nam- Khát vọng tương lai đề cập khá toàn diện đến các cơ hội và thách thức của Việt Nam hiện nay”- TS Lê Đăng Doanh.
Đọc “Giấc mơ Việt Nam- Khát vọng tương lai còn ngổn ngang những điều để tìm sự đồng thuận hay giữ sự khác biệt… nhưng cái men mà cuốn sách này đã thấm tới tôi và hy vọng là tới tất cả những ai sẽ đọc nó giữa bộn bề cuộc sống”- Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc.