Giấc mơ nỏ thần và triết lý “đói khát” của Viettel

VietTimes -- “Triết lý của Viettel là luôn làm cho Viettel đói khát. Tay không xây dựng nên hệ thống điện thoại di động “đói khát” về vốn và kinh nghiệm. Bước ra thế giới “đói khát” mọi thứ: Thị trường, phong tục, tập quán. Chuyển sang làm công nghiệp quốc phòng thì còn “đói khát” gấp bội”- TGĐ Viettel Nguyễn Mạnh Hùng nói vậy.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: “Đam mê là một động lực, đói khát là một động lực, khát vọng là một động lực”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng: “Đam mê là một động lực, đói khát là một động lực, khát vọng là một động lực”.

Luôn làm cho Viettel " đói khát”

Về chuyên môn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội là người được đào tạo bài bản. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Thông tin Quân sự Ulianov (Liên Xô cũ), chuyên ngành Kỹ sư vô tuyến điện; Thạc sĩ viễn thông, Chương trình đào tạo sau đại học, Trường Đại học Tổng hợp Sydney, Australia; Chương trình đào tạo sau đại học: Thạc sỹ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Thực tình mà nói, những người được đào tạo bài bản như vậy ở Việt Nam là không hiếm, thậm chí không ít người còn được đào tạo và tu nghiệp ở các trường đại học danh tiếng trên thế giới bài bản hơn ông nhiều. Tuy nhiên, “Kiến trúc sư trưởng” của “Đế chế” Viettel Nguyễn Mạnh Hùng lại là người có tố chất thủ lĩnh, lãnh đạo nổi trội. Nhìn ở khía cạnh này, ở Việt Nam hiện nay, người như ông Hùng, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Viettel cũng là doanh nghiệp nhà nước hiếm hoi thành công.

Ông Hùng trưởng thành ở Viettel, đi lên từ vị trí trợ lý kỹ thuật, Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng Đầu tư Phát triển. Năm 2000 ông được bổ nhiệm giữ chức Phó giám đốc Công ty Viễn thông Quân đội. Năm 2010, được bổ nhiệm giữ chức Phó  Tổng giám đốc và  năm 2014 giữ chức Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội. Năm 2016, tại Đại hội Đảng XII, ông Nguyễn Mạnh Hùng được bầu làm Ủy viên Trung ương. Ông được phong hàm Thiếu tướng năm 2012.

Ông Hùng là người có nhiều ý tưởng, nhiều khi hết sức độc đáo; thậm chí dưới con mắt của một số người, đôi khi là “hoang đường”. Tuy nhiên chính những ý tưởng phong phú (mà có người bảo là hoang đường ấy) kết hợp với sự quyết liệt đã làm nên một nhà quản lý tài ba Nguyễn Mạnh Hùng. Vậy, tố chất thủ lĩnh nào tạo ra Nguyễn Mạnh Hùng- “Kiến trúc sư trưởng”?

Chúng ta hãy nghe ông nói: “Ở Viettel, lãnh đạo chỉ có 3 việc: Một là, chỉ nghĩ ra việc khó, thật khó. Hai là, thật khó tính và thứ ba là, thay người. Tôi vẫn nghĩ người giỏi có nhiều. Việc vĩ đại tạo ra người vĩ đại. Viettel có nhiều người giỏi do được làm nhiều việc vĩ đại. Giao việc khó cho người giỏi làm, nếu không làm được sau 3 tháng thì giao cho người khác làm”.

Câu hỏi là “Người Viettel có động lực gì khác biệt?” , ông Hùng nói: “Đam mê là một động lực, đói khát là một động lực, khát vọng là một động lực. Hiện nay Viettel có đủ những động lực này. Thêm nữa, hiện nay Việt Nam mình luôn bị những thế lực này thế lực kia đe dọa, rình rập đe dọa đến lãnh thổ quốc gia. Đấy chính là động lực. Nếu đang yên ổn, đang hòa bình, không ai động vào thì có nhốt nhân viên vào doanh trại để làm những dự án quan trọng chắc gì họ đã làm được. Nhưng kẻ thù đang đe dọa tổ quốc, không có đường lùi nữa họ sẽ làm với 200% sức lực”.

Rồi ông Hùng bảo, triết lý của Viettel là luôn làm cho Viettel đói khát. Tay không xây dựng nên hệ thống điện thoại di động. Đó là “đói khát” về vốn và kinh nghiệm. Bước ra thế giới “đói khát” mọi thứ: Thị trường ở đó ra sao, cơ chế của họ thế nào, rồi tập quán, thói quen nữa. Chuyển sang làm công nghiệp quốc phòng thì còn “đói khát” gấp bội”.

Làm “Alo” cho 90% dân số

Có người từng đặt câu hỏi cho ông Hùng: “Người ta bảo Nguyễn Mạnh Hùng Viettel là Steve Job của Việt Nam, ông nghĩ sao?”. Ông Hùng bảo: “Tôi không phải Steve Job vì Steve Job rất giỏi về marketing, là người rất khó tính. Tôi chỉ giống Steve Job ở độ khó tính. Tôi có ước mơ khác, nếu Steve Job muốn làm iPhone cho 5% người dùng thì tôi muốn làm iPhone cho 95% người còn lại. Cho nên Viettel làm cái gì cũng đại trà, phổ cập”.

Với triết lý ấy, năm 2000, Viettel đã bước vào thị trường viễn thông với số vốn rất ít ỏi. Sau 13 năm, năm 2013, doanh thu của Viettel đã tăng 3.033 lần, từ 53,7 tỷ đồng lên 162.886 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tăng 28.086 lần, từ 1,25 tỷ đồng lên 35.086 tỷ đồng, giữ vị trí số 1 về doanh thu và số lượng thuê bao điện thoại duy trì trên mạng lưới. Tổng doanh thu của Viettel năm 2013 vượt VNPT hơn 43.886 tỷ đồng, số thuê bao duy trì trên mạng của Viettel cũng đã vượt VNPT hơn 13,8 triệu thuê bao. Chưa dừng lại ở đó, Viettel đã vươn ra nước ngoài. Hiện Viettel đã đầu tư ở 9 nước thuộc 3 châu lục, với tổng dân số 146 triệu người. Tại các quốc gia như Lào, Campuchia, Mozambique, Haiti… các doanh nghiệp của Viettel đã trở thành doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng lưới, thuê bao và doanh thu lớn nhất.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (trái) và TS Nguyễn Bá Hải trao đổi một vài ý tưởng về mắt thần cho người khiếm thị.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (trái) và TS Nguyễn Bá Hải trao đổi một vài ý tưởng về mắt thần cho người khiếm thị.

Từ chỗ gần như là con số 0, Viettel trở thành một trong 20 Công ty viễn thông và CNTT lớn nhất toàn cầu, một trong 10 Công ty viễn thông lớn nhất về đầu tư ra nước ngoài. Các lĩnh vực chính Viettel hướng đến là viễn thông, CNTT, đầu tư ra nước ngoài và nghiên cứu sản xuất thiết bị.

Vì sao Viettel thành công trong thị trường viễn thông?

“Làm điện thoại cho 90% dân số. Vì vậy mục tiêu của Viettel là “bình dân hóa” điện thoại di động, hay nói một cách khác là biến điện thoại di động thành “cơm bình dân”, ông Hùng nói. Với triết lý ấy, thay vì tập trung vào những thành phố lớn đang có sự thống trị của VNPT, Viettel đã chủ động khai thác ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Hướng đi của Viettel không chỉ giúp diện phủ sóng đến được nhiều vùng miền hơn mà qua đó còn khiến giá cước di động liên tục hạ năm này qua năm khác. Bên cạnh đó, nhiều mẫu điện thoại giá rẻ cũng được Viettel đưa ra nhằm tạo điều kiện cho những người dân thu nhập thấp có cơ hội được tiếp cận với loại hình điện thoại di động.

Với chiến lược này, Viettel đã có đủ lực để “đánh chiếm” thị trường ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... Qua đó dần vươn lên dẫn đầu thị trường viễn thông Việt Nam với lần đầu tiên vượt mặt VNPT về doanh thu vào năm 2012. đồng thời tiến quân sang các thị trường châu Á, Phi và Mỹ Latin.

Giấc mơ về chiếc nỏ thần

Giữa năm 2013, Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố “từ bỏ khái niệm nhà mạng viễn thông” (tại Diễn đàn cấp cao Vietnam ICT Summit 2013), hay nói theo ngôn ngữ bình dân mà ông Hùng hay dùng là, bỏ “nghề alo” để chuyển sang làm dịch vụ nội dung số và công nghệ thông tin. Tuyên bố này được coi là khẳng định sự chuyển mình của Viettel cũng như lời thách thức đối với các nhà mạng khác của Việt Nam cần phải thay đổi mô hình kinh doanh trước khi quá muộn.

Viettel chính thức chuyển sang làm nhà cung cấp dịch vụ. Ông Hùng bảo: “Về dịch vụ hiện Viettel có rất nhiều, ngày trước việc chính là đi đào đất lắp cáp quang còn việc chính bây giờ là tạo ra các dịch vụ để đưa vào đời sống như giáo dục, điện lực, làm mobile banking, bệnh án điện tử…”

Chưa dừng lại ở đó, cuối năm 2015, ông Hùng thông báo Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Viettel xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Và người chèo lái con thuyền Viettel bắt đầu mơ tới việc sản xuất những sản phẩm quốc phòng hiện đại đủ sức để không thế lực thù địch nào đe dọa được an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”. Ông Hùng gọi đó là giấc mơ về chiếc nỏ thần.

Hỏi: “Lấy đâu ra tiền để nghiên cứu và sản xuất… Boeing chẳng hạn?”  "Triết lý của Viettel về công nghiệp quốc phòng là xây dựng một nền tảng công nghiệp có đủ tiềm lực đầu tư nghiên cứu, sản xuất ra những sản phẩm quốc phòng tối tân- ông Hùng nói, “Hiện nay Viettel đã thay đổi về chất đến mức nghĩ đến việc đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông quân đội”.

Ừ thì cứ cho là Viettel kiếm ra đủ tiền để làm điều đó đi thì con người Viettel có đủ kiến thức để làm Boeing không? Ông Hùng bảo: “Nếu chỉ lựa chọn từ số 90 triệu người Việt Nam thì hiếm, nhưng trong 7 tỷ người trên thế giới thì có nhiều”.

Ông Hùng lập luận: “Suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều người không có việc để làm, các nước phương Tây cho những người 60 tuổi về hưu để những người mới ra trường có việc làm, thế nhưng những người 60 tuổi, năng lực còn nhiều, kinh nghiệm lớn và họ chỉ muốn cống hiến. Viettel nhằm đúng vài những đối tượng ấy. Hiện nay có khoảng 20 người nước ngoài trên 60 tuổi đang làm cho Viettel. Cái này không phải do tôi nghĩ ra mà chính là Hàn Quốc nghĩ ra. Hàn Quốc khi vươn lên mới thấy rằng nhiều nhà quản lý, công nghệ của Nhật Bản về hưu nên cứ ngày thứ 2 đưa máy bay chở những người này mang sang Hàn Quốc, thứ 6 lại đưa về Nhật Bản. Những người này có đặc điểm là con cái đã lớn, đã có nhà cửa, tiền không phải là mục tiêu, chỉ muốn cống hiến. Họ chuyển giao cho Hàn Quốc và Hàn Quốc đã đi lên. Những người như thế khi về 1 người có thể dẫn thêm được 10 người, 20 người có người dẫn được 50 người”.

Bước khỏi thị trường truyền thông

Việc Viettel bước vào làng truyền thông, đặc biệt là lĩnh vực truyền hình mấy năm về trước, cho đến bây giờ, thực tình, tôi không hiểu đấy có phải là ý tưởng của ông Nguyễn Mạnh Hùng hay không? Đây là câu chuyện mà người ta sẽ còn phải nói nhiều.

Khoảng dăm năm trước đây khi Viettel tuyên bố “nhảy” vào làng truyền hình đã có không ít ông lớn của làng truyền thông lo sốt vó. Bài học nhỡn tiền về viễn thông bình dân của Viettel đã cho mọi người thấy điều đó. Nhưng rồi, giờ đây, hầu như không còn mấy ai nhắc tới Viettel với câu chuyện truyền hình.

Khi được hỏi vì sao Viettel rút khỏi lĩnh vực truyền thông báo chí, ông Hùng nói: “Viettel muốn làm truyền hình là để làm giáo dục, tác động để làm thay đổi nền giáo dục nước nhà. Đã bước vào rồi, nhưng lại nhảy ra. Bởi vì những gì người khác làm được rồi thì để cho họ làm, nếu như không tìm ra sự khác biệt, không độc đáo thì đừng nên làm”.

Tôi thì nghĩ rằng, Viettel không thành công trong lĩnh vực truyền hình là do khi bước vào lãnh địa khó khăn này, Viettel vẫn với triết lý “làm cho 90% dân số” như khi làm viễn thông. Không hiểu đã có lúc nào đó ông Hùng nghĩ rằng, Viettel sẽ thành công trong lĩnh vực truyền hình nếu với triết lý ngược lại là “làm vì 10% người xem” không? 10% này là các nhà hoạch định chính sách, các nhà thực thi chính sách và quản lý xã hội, nếu ông muốn “làm giáo dục, tác động để làm thay đổi nền giáo dục”, như ông nói.

Vai trò của Hoàng Anh Xuân

Sẽ là không trọn vẹn nếu nói về những bước tiến thần kỳ của Viettel trong thời gian qua và, chắc chắn là trong thời gian tới nữa, về giấc mơ chiếc nỏ thần, về “Kiến trúc sư trưởng” Nguyễn Mạnh Hùng mà không nhắc đến ông Hoàng Anh Xuân, người tiền nhiệm của ông Hùng.

Trước khi ông Hoàng Anh Xuân về Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng từng tư vấn cho các lãnh đạo Viettel làm dịch vụ gọi điện thoại đường dài IP (VOiP) nhưng chả ai nghe. Trong bối cảnh viễn thông ở thời kỳ độc quyền tuyệt đối, việc một công ty nhỏ xíu đề xuất cung cấp dịch vụ cạnh tranh với người khổng lồ VNPT, là một quyết định không dễ dàng đưa ra cũng như rất khó thực hiện thành công.

Khi ông Xuân về, Viettel liền triển khai. Kết quả sau đó thì nhiều người đã biết. Dịch vụ VOiP 178 (“Mã số tiết kiệm của bạn”) khi gọi đường dài và quốc tế giúp Viettel hoàn vốn chỉ trong 1 ngày. Nó còn giúp cho công ty quân đội có lưng vốn 10 triệu USD để đầu tư cho thông tin di động, bước nhảy vọt thần kỳ của Viettel sau này.

Hiện Viettel đã đầu tư ở 9 nước thuộc 3 châu lục, với tổng dân số 146 triệu người. Trong ảnh, Viettel triển khai dịch vụ tại Mozambique.
Hiện Viettel đã đầu tư ở 9 nước thuộc 3 châu lục, với tổng dân số 146 triệu người. Trong ảnh, Viettel triển khai dịch vụ tại Mozambique.

Ông Hùng từng kể rằng, trong một chuyến công tác Thái Lan, ông gặp Tổng giám đốc của Tập đoàn Viễn thông AIS, bà Yingluck Shinawatra (sau này là Thủ tướng Thái Lan). Ông nhờ bà Yingluck gỡ rối vì đang đầu tư thông tin di động thì hết tiền. Người sau này là Thủ tướng Thái Lan hỏi lại ông Hùng: “Anh có biết hiện thế giới có bao nhiêu nhà cung cấp hạ tầng di động 2G không?”. Ông trả lời là có hàng trăm. Tổng giám đốc AIS hỏi tiếp: “Thế anh có biết là còn bao nhiêu công ty muốn đầu tư hạ tầng 2G không?”. Ông trả lời không biết. 

Bà Yingluck nói: “Chỉ còn hơn chục công ty. Thế giới đang chuyển sang 3G, việc sản xuất thiết bị 2G đã khấu hao hết mà lại có hàng trăm công ty bán với rất ít người mua. Những nhà cung cấp giờ muốn đẩy đi không được nên nếu các anh đàm phán tốt có thể mua rẻ như cho, hoặc được trả chậm tới vài năm. Đó là cách giải bài toán về vốn”.

Ông Hùng nghe xong gọi điện về cho Tổng giám đốc Hoàng Anh Xuân và đề xuất phương án mua trả chậm với số trạm phát sóng lên tới 4.000 chiếc, con số chưa từng có trong lịch sử ngành viễn thông Việt Nam. “Anh Xuân sau khi nghe tôi trình bày phương án, nói: “Chơi luôn”. Chúng tôi sau đó vượt qua được cửa tử về tiền”, ông Hùng kể lại. Chính cái “chơi luôn” ấy là bước ngoặt quan trọng trên hành trình biến Viettel thành “Đế chế” viễn thông số 1 của Việt Nam hiện nay.

Ông Xuân đã “rửa tay gác kiếm” sau khi hoàn thành xứ mệnh của mình. Ông Hùng hiện đang tiếp tục chèo lái con thuyền Viettel lao ra biển lớn. Nhưng rồi, sau ông Nguyễn Mạnh Hùng thì sao?

“Tôi là người tham gia tạo ra Viettel nên tôi yêu nó như đứa con của mình. Để yêu được Viettel như thế người ta phải tham gia sinh ra nó. Chúng tôi đang để cho thế hệ trẻ Viettel sinh ra một Viettel mới của chính họ- “Viettel 2.0”. Như thế Viettel sẽ có thế hệ sau giỏi hơn vì chúng tôi để lại cho họ một việc khó hơn”.

Đây là phát hiện quan trọng: Triết lý “đói khát” sinh ra khao khát, đam mê để vươn lên mạnh mẽ của ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông đang dẫn dắt Viettel đi lên với triết lý ấy.

L.T.B