'Giấc mơ Mỹ' của VNG dưới góc nhìn chuyên gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngay cả khi vượt qua các rào cản để IPO tại Mỹ, VNG cần phải cho thấy họ đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại khi hoạt động kinh doanh vẫn chủ yếu ở Việt Nam.
VNG lên sàn UPCOM: 'Bước đệm' để IPO tại Mỹ?
VNG lên sàn UPCOM: 'Bước đệm' để IPO tại Mỹ?

Quyết định niêm yết cổ phiếu trên UPCOM của CTCP VNG (VNG - Mã CK: VNZ) được cho là khá bất ngờ. Được ví như 'Tencent của Việt Nam', công ty này từ lâu đã được đồn đoán sẽ IPO tại Mỹ, theo Tech in Asia.

“Nhưng 2022 không hẳn là một năm thuận lợi, đặc biệt là đối với các công ty công nghệ, chứ đừng nói tới một doanh nghiệp xa lạ đến từ Việt Nam. Ví dụ: giá cổ phiếu của Sea Group, tập đoàn cùng ngành được niêm yết tại Mỹ, đã giảm gần 80% giá trị trong năm qua”, Alec Tseung, đồng sáng lập công ty nghiên cứu KT Capital Group tại Hồng Kông, nói.

Vị chuyên gia tài chính này cho rằng, quyết định niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong nước của VNG là hợp lý. Đây được xem như cơ hội để 'kỳ lân' công nghệ này làm quen với việc công bố thông tin và bị giám sát các hoạt động.

Đáng chú ý, dù bắt đầu chào sàn từ ngày 5/1, nhưng cổ phiếu VNZ của công ty không có bất kỳ giao dịch nào trong suốt tháng 1 vừa qua.

Phải tới đầu tháng 2/2023, bất ngờ có 100 cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh và đẩy giá tăng trần hết biên độ (40%) lên 336.000 đồng/cổ phiếu. Liên tục 2 phiên vừa qua, cổ phiếu này cũng chỉ có 100 đơn vị giao dịch trong mỗi phiên nhưng giúp giá tiếp tục lên kịch trần, vượt mặt mọi cổ phiếu từ trước đến nay trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Như vậy, chỉ sau 3 phiên giao dịch, cổ phiếu của VNG được đẩy giá lên mức 444.300 đồng/cp (tương đương 18,95 USD/cp), tăng 85% so với giá tham chiếu ban đầu là 240.000 đồng/cp. Vốn hóa công ty VNG tăng 7.400 tỉ đồng, lên xấp xỉ 15.930 tỉ đồng.

Cũng có suy đoán rằng, VNG đang sử dụng thị trường trong nước làm 'bàn đạp' cho kế hoạch IPO tại Mỹ. Tuy nhiên, VNG đã từ chối bình luận về chủ đề này.

Chia sẻ với Tech in Asia, các nhà phân tích dự đoán, mục tiêu của công ty là niêm yết trên thị trường nước ngoài thông qua VNG Limited. Pháp nhân có trụ sở tại Cayman Island hiện đang nắm giữ 49% vốn điều lệ của VNG.

Nếu niêm yết ở nước ngoài, VNG có thể sẽ lựa chọn mô hình kiểm soát đặc biệt (Variable interest entity, viết tắt: VIE), theo các nhà phân tích trong nước. Điều này sẽ đòi hỏi việc lập một thực thể ở nước ngoài để các nhà đầu tư ngoại có thể mua cổ phiếu. Theo phân tích của Reuters, mô hình này đã được các công ty lớn của Trung Quốc như Alibaba và JD.com sử dụng để vượt qua các yêu cầu IPO nghiêm ngặt.

Song, ngay cả khi VNG vượt qua các rào cản pháp lý và niêm yết ở nước ngoài, công ty này vẫn phải đối mặt với thử thách là liệu họ có đủ sức hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại khi hoạt động kinh doanh chủ yếu ở Việt Nam.

“Khi công ty cố gắng xây dựng một hệ sinh thái đa dạng, giống như nhiều công ty công nghệ châu Á đang làm, đồng nghĩa với việc công ty sẽ phải chịu nhiều tổn thất hơn. Điều này không tốt trong môi trường hiện tại, nơi các nhà đầu tư chú trọng nhiều vào lợi nhuận hơn là tăng trưởng doanh thu”, Tseung của KT Capital cho biết./.

Nguồn tham khảo: Tech in Asia