|
Mua bán xăng tại một cửa hàng trên phố Láng Hạ. Ảnh: Phạm Hùng |
Như thế, cơ chế giá vận tải còn bất cập, chưa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong giảm giá cước, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Mức giảm gần 1.200 đồng/lít xăng là hợp lý
Ngày 3/9, liên Bộ Công Thương -Tài chính đã có công văn hỏa tốc gửi các doanh nghiệp, yêu cầu điều chỉnh giá bán lẻ. Theo đó, giá xăng RON 92 giảm 1.198 đồng/lít, về mức 17.338 đồng/lít; dầu diesel giảm 111 đồng/lít, còn 13.310 đồng/lít; dầu hỏa giảm 123 đồng/lít, còn 12.286 đồng/lít; dầu mazut giảm 785 đồng/kg, còn 9.351 đồng/kg.
Từ 15 giờ ngày 3/9, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã đồng loạt giảm giá xăng dầu, đưa giá xăng RON 92 về 17.330 đồng/lít. Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) áp dụng giá bán lẻ mới, đồng loạt giảm 110 - 1.200 đồng/lít, trong đó các loại xăng giảm mạnh nhất. Giá xăng RON 92 vùng 1 ở mức 17.330 đồng/lít; diesel 0,5S về mức 13.310 đồng/lít.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã được điều chỉnh 11 lần, trong đó có 4 lần tăng (tổng cộng
5.040 đồng/lít) và 7 lần giảm giá (tổng cộng 5.588 đồng/lít). Đây cũng là lần giảm thứ 5 liên tiếp của giá xăng kể từ khi lập đỉnh 20.710 đồng/lít hồi tháng 6/2015.
Hiện nay, mỗi lít xăng RON 92 đang chịu 20% thuế nhập khẩu, 10% thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí định mức kinh doanh 1.050 đồng, trích Quỹ bình ổn giá 300 đồng, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng, thuế giá trị gia tăng 10%...
Trên thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam là Singapore, giá xăng A92 trong 15 ngày qua giao động trong khoảng 59 USD/thùng. Mặc dù 4 phiên gần nhất, giá xăng dầu thế giới đã hồi phục sau mốc thấp nhất trong vòng 6 năm vào ngày 26/8 nhưng tại thị trường Singapore, mức này thấp hơn nhiều so với chu kỳ tính giá trước đó, khi giá xăng phần lớn giao động quanh mốc 66 USD/thùng. Với mức giá xăng dầu thế giới bình quân này cộng với cơ cấu giá xăng dầu trong nước hiện nay, TS Ngô Trí Long - chuyên giakinh tếđánh giá, mức giảm gần 1.200 đồng/lít xăng là hợp lý.
TS Ngô Trí Long
Nên thay đổi cơ chế giá vận tải
Dù giá xăng dầu liên tục giảm 5 lần từ đầu tháng 6 đến nay, nhưng giá cước vận tải vẫn “bất động”. Ngày 2/9, chị Nguyễn Thúy Hằng mua vé từ Nghệ An ra Hà Nội của Công ty CP Vận tải Thanh Xuân (102 C3 Khuất Duy Tiến, Hà Nội) với mức giá 200.000 đồng/người. Theo chị Hằng, đây là mức giá không đổi từ đầu năm đến nay của doanh nghiệp vận tải này.
Tương tự các doanh nghiệp vận tải đường dài, các doanh nghiệp taxi cũng “làm ngơ” với việc giảm giá cước. Đến nay, Công ty CP Vân Sơn - chủ thương hiệu taxi Mỹ Đình vẫn giữ nguyên giá cước đối với các dòng xe nhỏ 4 chỗ là 6.000 đồng/km đầu tiên, từ km thứ 2 - km thứ 30 là 11.000 đồng/km, từ km thứ 31 trở đi là 9.000 đồng/km.
Lý do mà các doanh nghiệp vận tải giải thích cho việc chưa giảm giá cước là, khi giá xăng tăng cao, cước taxi không tăng, nên đến bây giờ, khi giá xăng giảm, cước taxi vẫn chưa thể giảm ngay. Một số doanh nghiệp khác thì lấy lý do việc cài lại đồng hồ rất “phức tạp” và “tốn kém”, nên các doanh nghiệp này vẫn đang cân nhắc và chưa tính tới phương án giảm giá.
Theo tính toán, giá xăng dầu giảm tác động không nhỏ đến giá cước của các đơn vị kinh doanh vận tải, vì chi phí nhiên liệu trong giá thành vận tải đối với xăng chiếm từ 25 - 35%, chủ yếu là taxi; dầu chiếm khoảng 35 - 40%, chủ yếu là xe vận tải hành khách và hàng hóa. Vì thế, giá xăng dầu giảm, giá vận tải cũng phải giảm ở mức tương ứng.
“Sốt ruột” về việc giá xăng dầu liên tục giảm sâu nhưng giá cước vận tải vẫn án binh bất động, Bộ Tài chính đã phải gửi công văn tới Bộ GTVT, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu. Bộ Tài chính cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý cước vận tải, kể cả đối với trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị vận tải không thực hiện kê khai giảm giá cước. Văn bản gửi đi, đến thời điểm này cũng đã được gần một tuần, song thị trường thì chưa hề có biến chuyển.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Trí Long cho rằng, giá vận tải hiện bao gồm nhiều chi phí, trong đó có chi phí xăng dầu, bến bãi, thuế phí… Xăng dầu chiếm khoảng 25 - 35% trong chi phí vận tải, bởi thế, khi giá xăng dầu giảm, việc giảm giá cước vận tải là yêu cầu tất yếu và chính đáng của khách hàng. Tuy nhiên, ông Long cũng nêu lên một thực tế là cơ chế quản lý giá vận tải hiện chưa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải trong điều chỉnh giá cước: “Các doanh nghiệp vận tải hiện đã cạnh tranh theo thị trường, tuy nhiên, mỗi lần tăng giảm giá cước, họ lại phải gửi báo cáo, kê khai, kẹp chì lại thiết bị… đến các cơ quan chức năng và chờ các cơ quan này tính toán, cho phép. Quy trình rườm rà này gây mất rất nhiều thời gian, chi phí của doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngại tự nguyện giảm giá”. Vì vậy, vị chuyên gia này đề xuất giải pháp là nên tạo môi trường cạnh tranh thực sự cho doanh nghiệp vận tải, trong đó có cơ chế về giá, cho phép doanh nghiệp vận tải có quyền tự quyết trong điều chỉnh tăng, giảm giá cước, loại bỏ những thủ tục rườm rà, gây khó cho doanh nghiệp.
Theo Đầu tư