Chốt phiên giao dịch Thứ Tư (ngày 31/08), giá vàng giao tháng Mười hai trên sàn Comex tại Sở giao dịch New York Mercantile trôi sâu $5,10 (-0,4%) xuống đóng cửa ở $1.311,40/oz – khoét đáy kể từ ngày 23/6. Tính chung trong cả tháng 8, giá vàng trượt tổng cộng 3,4% - căn cứ theo dữ liệu của FactSet.
Trong khi, giá bạc giao Tháng Mười hai lại nhích 3 cents (+0,2%) lên chốt ở $18,71/oz. Nhưng tính chung cả tháng 8, giá bạc đã giảm tổng cộng 8,1%.
Trong số các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,4% lên $18,65/oz, trong khi giá bạch kim giảm 0,3% xuống $1.048,8/oz và giá palladium giảm 0,9% xuống $671,6/oz.
Trên phương thức giao dịch điện tử, tính đến thời điểm 9h48’ sáng nay (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay Comex đang đứng ở $1.310,64/oz.
Cùng lúc, tại thị trường châu Á, giá vàng miếng giao ngay trên sàn Kitco lại được yết ở $1.310,50/oz.
Về diễn biến thị trường, giá vàng phiên 31/8 đã bắt đáy 2 tháng sau số liệu việc làm Mỹ tốt hơn dự báo, tăng đồn đoán Fed sẽ nâng lãi suất, USD lên cao nhất 3 tuần.
Số liệu mới công bố cho thấy, các nhà tuyển dụng tư nhân của Mỹ trong tháng 8 tạo thêm được 177.000 việc làm mới, cao hơn so với dự đoán 175.000 việc làm của các nhà kinh tế học và hỗ trợ đồn đoán tích cực về báo cáo việc làm phi nông nghiệp tháng 8, công bố vào thứ Sáu 2/9.
Đồn đoán Fed nâng lãi suất trong năm nay ngày một tăng sau khi các quan chức cao cấp Fed bày tỏ lạc quan về kinh tế Mỹ. Hôm thứ Sáu 26/8, Chủ tịch Fed Janet Yellen cho rằng khả năng nâng lãi suất đã được củng cố trong khi Phó chủ tịch Fed Stanley Fischer nhận định Ngân hàng trung ương Mỹ có thể thắt chặt chính sách tiền tệ ngay trong tháng 9 tới.
Hôm 31/8, Chủ tịch Fed Boston Eric Rosengren cho biết, Fed nên xem xét nâng lãi suất sớm hơn, trong khi Chủ tịch Fed Chicago Charles Evans tỏ ra ra tin tưởng rằng kinh tế Mỹ vẫn đang tiếp tục đà tăng trưởng.
Theo số liệu của CME Group, tỷ lệ dự đoán Fed nâng lãi suất vào tháng 9 hiện đạt 27%, tăng so với 24% một ngày trước đó.
Bất chấp bất ổn về thời điểm nâng lãi suất, trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CNBC, ông George Milling-Stanley, trưởng bộ phân chiến lược đầu tư vàng tại State Street Global Advisors vẫn cho rằng giá vàng có thể thử mốc $1.400/oz vào cuối năm nay.
Còn tại thị trường trong nước, mở cửa phiên giao dịch sáng nay (Thứ Năm ngày 01/09), giá vàng SJC đang trôi thấp.
Cụ thể, đến thời điểm 10h06’ sáng nay, giá vàng miếng SJC của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang đứng ở 36,06 – 36,33 triệu đồng/lượng (MV-BR), giảm 70 nghìn đồng chiều mua và 60 nghìn đồng chiều bán so với chốt phiên trước đó.
Tương tự, tại các đại lý của Doji, giá vàng miếng SJC cũng được Tập đoàn điều chỉnh giảm 50 nghìn đồng chiều mua và 40 nghìn đồng chiều bán về yết ở 36,18 – 36,25 triệu đồng/lượng (MV-BR) đối với giao dịch lẻ; và đắt hơn 10 nghìn đồng chiều mua, đồng thời rẻ hơn 10 nghìn đồng chiều bán đối với giao dịch buôn ở thị trường Hà Nội. Hiện, doãng chênh lệch 2 chiều mua - bán ở Doji là 70 nghìn đồng/lượng.
Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đang được chào giá ở mức 36,18 – 36,23 triệu đồng/lượng (MV-BR). Trong khi, giá nhẫn tròn trơn loại Rồng vàng Thăng Long lại được yết ở 35,43 – 35,88 triệu đồng/lượng (MV-BR). Đáng chú ý là khá lâu rồi giá nhẫn tròn trơn chiều bán mới trượt xuống dưới mốc 36 triệu đồng/lượng.
Còn chênh lệch nội – ngoại, quy đổi theo tỷ giá hối đoái USD/VND mà ngân hàng Vietcombank đang niêm yết, tính ra giá vàng trong nước hiện đang nhỉnh hơn thế giới khoảng một triệu đồng mỗi lượng (chưa tính thuế và chi phí gia công).
X.T