|
Xung đột Palestine - Israel bùng nổ sẽ ảnh hưởng mạnh đến kinh tế, tài chính khu vực và thế giới (Ảnh: diplomatist). |
Giá dầu và vàng quay đầu tăng
Những ngày gần đây, giá dầu và giá vàng quốc tế có xu hướng biến động mạnh. Đầu tháng 10, giá dầu quốc tế giảm mạnh nhiều ngày liên tiếp, giá dầu thô WTI giao tháng 11 giảm hơn 9% trong tuần trước, dầu thô Brent giao tháng 12 giảm hơn 11%. Vàng ở London cũng đã chịu 9 đợt giảm giá liên tiếp, từ hơn 1.900 USD/ounce xuống gần mốc 1.800 USD.
Tuy nhiên, sau khi xung đột Palestine - Israel bùng nổ, sáng ngày 9/10, giá dầu quốc tế tăng mạnh, dầu thô WTI và dầu thô Brent kỳ hạn đều tăng hơn 5%, giá vàng London cũng tăng hơn 1%.
Một số nhà phân tích cho rằng rủi ro địa chính trị gia tăng giữa Palestine và Israel có thể khiến người dân tìm đến vàng như kênh trú ẩn an toàn.
Theo CNBC, ông Vivek Dar, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa năng lượng và khai khoáng tại Ngân hàng Commonwealth, cho rằng mặc dù giá dầu thô đã tăng mạnh nhưng điều này có thể chỉ là tạm thời và xung đột không trực tiếp khiến bất kỳ nguồn cung dầu lớn nào gặp nguy hiểm.
Theo ông, cả Israel và Palestine đều không phải là nước sản xuất dầu lớn, nhưng cuộc xung đột xảy ra ngay sát các khu vực sản xuất và xuất khẩu dầu lớn trên thế giới. Thị trường lo ngại xung đột sẽ lan rộng trong khu vực.
Ông Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên tại Eurasia Group, cho rằng: "Cũng có nguy cơ xung đột khu vực leo thang. Nếu các nhà cung cấp dầu lớn bị cuốn vào, có thể nảy sinh vấn đề về nguồn cung".
Báo cáo nghiên cứu của Guosen Futures đề cập rằng theo dõi hướng đi của cuộc xung đột Palestine - Israel, giá dầu có thể tăng trở lại.
Báo cáo nghiên cứu của Galaxy Securities đề cập rằng tình hình ở Trung Đông cực kỳ phức tạp sau khi xung đột Palestine - Israel bùng phát. Giá dầu thô đã trải qua đợt giảm ngắn hạn, nhưng xu hướng tiếp theo lại đầy bất ổn. Ping An Securities cũng cho rằng, có 2 yếu tố chính tác động đến giá dầu tuần này: Ngày 6/10, Arab Saudi phát tín hiệu tăng sản lượng để hỗ trợ giá dầu giảm; ngày 7/10, xung đột quy mô lớn nổ ra giữa Palestine và Israel, làm tăng thêm các biến số mới ảnh hưởng tới xu hướng của giá dầu trong tương lai.
Tác động tới các thị trường toàn cầu
Từ góc độ thị trường bên ngoài, xung đột Palestine - Israel đã dẫn đến tâm lý e ngại rủi ro ngày càng gia tăng, khiến thị trường chứng khoán ở nhiều nước sụt giảm.
Hợp đồng tương lai (futures contract) của cả ba chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ đều giảm vào hôm đầu tuần này. Tính đến thời điểm hiện tại, hợp đồng tương lai Nasdaq 100 giảm hơn 0,8% và hợp đồng tương lai S&P 500 giảm gần 0,9%.
Các chỉ số chính của châu Âu đều giảm vào khi mở cửa ngày 9/10, với chỉ số CAC40 của Pháp giảm hơn 0,8%, chỉ số DAX của Đức giảm hơn 0,6%, chỉ số STOXX50 của Eurozone giảm 1% và chỉ số FTSE 100 của Anh hiện duy trì mức tăng 0,03%. .
Trước đó, chỉ số chứng khoán chuẩn TA-35 của Israel đã giảm 7,6%, mức giảm lớn nhất trong hơn 3 năm và gây ra sự sụt giảm chung về chỉ số chứng khoán ở Trung Đông.
Tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, ngày 9/10, các cổ phiếu dầu mỏ hạng A liên quan khi mở cửa: Sinopec giảm hơn 3%, PetroChina giảm hơn 4% và CNOOC từng giảm hơn 5%. Chỉ số vàng cũng lao dốc ngay từ đầu phiên, có thời điểm giảm tới gần 3%, nhiều cổ phiếu vàng cũng giảm điểm. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn củng cố, nhiều cổ phiếu dầu và vàng đã từ đáy tăng lên và chuyển màu, xóa đi những khoản lỗ ban đầu.
Đối với chứng khoán Hong Kong, lĩnh vực kim loại quý và dầu mỏ thậm chí còn có mức tăng ấn tượng hơn. Tính đến thời điểm chiều 9/10, China Gold International và Zhaojin Mining đã tăng hơn 5%, Zijin Mining, Shandong Gold và Lingbao Gold đều tăng; China Oil and Gas Holdings, Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc CNPC, Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc Sinopec, Tập đoàn Dầu khí hải dương Quốc gia Trung Quốc CNOOC... đều tăng hơn 2%.
Lý Đại Tiêu, nhà kinh tế trưởng của Yingda Securities, nói với Economic View: "Nếu tình hình xung đột không mở rộng, tác động lên thị trường cổ phiếu hạng A sẽ hạn chế".
Vị chuyên gia cho rằng nếu xung đột Palestine - Israel không tiếp tục mở rộng, xét về tình hình hiện tại, do cả hai quốc gia đều không phải là quốc gia sản xuất dầu lớn và chỉ nằm trong khu vực sản xuất dầu tập trung, điều tiếp theo là tác động lên giá dầu có thể hạn chế.
Ngoài ra, báo cáo nghiên cứu của Caixin Securities cho rằng cần đề phòng nguy cơ leo thang xung đột Palestine - Israel, điều này có thể làm gia tăng căng thẳng về khí đốt tự nhiên ở Nam Âu, Đông Địa Trung Hải và Trung Đông, do đó ảnh hưởng đến việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương châu Âu và Mỹ.
Xung đột ở Trung Đông: Tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn cho kinh tế toàn cầu
Chuyên gia kinh tế: Giảm phát ở Trung Quốc có thể trở thành mối quan ngại toàn cầu
Thương mại suy yếu làm dấy lên lo ngại về nền kinh tế toàn cầu bị đứt gãy
Theo Economic View