Áp lực gia tăng
Washington đã gây áp lực lên các đồng minh nhằm ngăn chặn Huawei, một gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc trong việc xây dựng mạng di động 5G và cáo buộc rằng thiết bị của Huawei có thể được sử dụng là công cụ do thám của Bắc Kinh. Huawei phủ nhận tất cả các cáo buộc, nhưng áp lực của Mỹ gây ra sự thay đổi ở Anh. Chính phủ Anh đã cam kết loại bỏ thiết bị Huawei khỏi các yếu tố "cốt lõi" nhạy cảm nhất của 5G như việc truy cập vào dữ liệu cá nhân, và hiện đang thúc đẩy các kế hoạch nhằm chấm dứt sự tham gia của Huawei vào cơ sở hạ tầng 5G của Anh vào năm 2023.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, người trong nhiều năm qua đã tiến hành các cuộc thăm viếng con thoi để thuyết phục các nước từ bỏ Huawei, nhân việc Singapore không lựa chọn Huawei để triển khai mạng 5G ở nước này trong tuần vừa qua, đã phát biểu: “Thủy triều đang quay lưng với Huawei khi các công dân trên toàn thế giới đang thức tỉnh trước nguy cơ của một nhà nước giám sát”.
Ba công ty viễn thông lớn nhất của Singapore tuyên bố rằng họ đã chọn Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan làm nhà cung cấp thiết bị chính cho mạng 5G của họ. Nhà khai thác viễn thông lớn nhất Singapore, Singapore Telecommunications sẽ sử dụng thiết bị của Ericsson, trong khi hãng viễn thông StarHub-M1 đã chọn thiết bị Nokia. Chính phủ Singapore đã chính thức cấp giấy phép hoạt động 5G cho các công ty viễn thông vào thứ tư 24/06/2020. Singapore dự định bắt đầu triển khai dịch vụ 5G vào tháng 1 năm 2021, và phủ sóng toàn bộ đảo quốc vào cuối năm 2025.
Ngày càng nhiều quốc gia chỉ cho phép "các nhà cung cấp đáng tin cậy" từ dùng của ông Pompeo ("trusted vendors") thay vì Huawei phát triển cơ sở hạ tầng 5G của họ, ông Pompeo nói trong tuyên bố hôm thứ tư tuần rồi.
Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ cũng ca ngợi cái gọi là "công ty viễn thông sạch" ("clean telcos") bao gồm Relio Jio của Ấn Độ, Telstra của Úc, SK Telecom và KT của Hàn Quốc Nippon Telegraph & Telephone (NTT) của Nhật Bản vì đã từ chối sử dụng thiết bị của Huawei.
Tuy nhiên loại trừ Huawei không phải là không có thách thức, bởi vì hiện tại chỉ có hai lựa chọn thay thế cho các thiết bị 5G: Nokia của Phần Lan và Ericsson của Thụy Điển.
Anh đã khuyến khích Washington thành lập một câu lạc bộ gồm 10 quốc gia dân chủ có thể phát triển công nghệ 5G của riêng mình, nhưng cho đến nay vẫn có rất ít sự chuyển động.
“Phần lớn các thiết bị mạng di động thương mại được bán trên thế giới đến từ ba ông lớn này”, Sylvain Chevallier, chuyên gia viễn thông tại công ty tư vấn Bearpoint, đề cập đến “ba ông lớn” là Huawei, Nokia và Ericsson.
"Nhưng một thế giới chỉ có ba nhà cung cấp là không tốt cho các nhà khai thác viễn thông, và nếu nó giảm xuống còn hai thì nó còn tệ hơn", Chevallier nói với AFP (Ảnh: Viettel)
|
Cơ hội mới
Ngăn chặn Huawei mang lại một cơ hội tiềm năng hấp dẫn cho các công ty điện tử khác như Samsung và NEC. Nhưng xây dựng mạng 5G thành công không phải là nhiệm vụ đơn giản.
Đó là một bài học Samsung đã học được. Mặc dù là một “tay chơi” lớn trong mạng 3G, nhưng SAMSUNG thấy mình không thể cạnh tranh với ba “ông lớn” trên mạng 4G và phải vật lộn để giành được các hợp đồng thương mại. “Đây là một thách thức đối với Samsung” - Daryl Schoolar, một chuyên gia công nghệ di động tại tập đoàn tư vấn Omdia nói. Tuy nhiên khi xây dựng mạng 5G, Samsung cho đến nay vẫn tập trung vào Bắc Mỹ và một phần của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
“Vì vậy, trong khi các nhà khai thác có thể cảm thấy không chắc chắn về Samsung Networks, họ sẽ cần phải tiến xa hơn trong quá trình hiện diện trên toàn cầu so với NEC” - Schoolar nói thêm.
NEC có một số lợi thế, bao gồm cả quan hệ đối tác tại Nhật Bản với nhà khai thác mạng di động Rakuten.Các công ty đã hợp tác trên mạng 4G và hiện đang cùng phát triển hệ thống 5G. Công ty Nhật Bản cũng là công ty hàng đầu về cáp ngầm, mạng cáp quang và các hệ thống phần mềm quản lý hậu cần.
Chính phủ Anh đã thông báo yêu cầu cả NEC và Samsung tham gia trình diễn thử (demo) nhằm đa dạng hóa các lựa chọn 5G. Và vào thứ năm 25/06/2020, NEC đã công bố hợp tác với nhà khai thác NTT của Nhật Bản nhằm một phần để tăng tốc độ phát triển của mạng 5G.
Samsung và NEC đã gia nhập lực lượng hai năm trước và đã ra mắt một nhóm tiếp thị chung để cung cấp các sản phẩm 5G cho thị trường châu Âu và châu Á.
Tuy nhiên, con đường phía trước sẽ khó khăn, Schoolar nói: “Tôi nghĩ đó là một thách thức lớn đối với NEC. Nó đòi hỏi nhiều hơn là hệ thống radio, đòi hỏi đầu tư vào con người nhằm tích hợp hệ thống, bán hàng, hỗ trợ khách hàng, thiết kế mạng và kỹ thuật” và “Hơn nữa NEC sẽ cần xây dựng niềm tin của nhà khai thác viễn thông rằng họ sẽ vẫn tồn tại để hỗ trợ sau 5 đến 10 năm nữa khi các mạng 5G phát triển”.
Washington đã ủng hộ việc sử dụng công nghệ không độc quyền như Open RAN trong phát triển 5G, hy vọng nó sẽ cung cấp một “điểm vào” (entry point) cho các công ty Mỹ.
Viettel đã đầu tư hàng triệu USD để phát triển chip 5G (Ảnh: Viettel
|
Những cái tên được nhắc tới ở Việt Nam
Tập đoàn Vietel hiện đang cung cấp dịch vụ viễn thông tốc độ cao cho khoảng một nửa dân số Việt Nam, đặt mục tiêu hoàn thành thử nghiệm mạng lưới trạm 5G vào năm 2020 và sản phẩm chính thức sẽ được đưa ra năm 2021.
“Viettel đã đầu tư hàng triệu USD để phát triển chip 5G và cũng đang phát triển các thiết bị có chip 5G. Khi tự phát triển chip 5G, Viettel đang tiếp tục tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác, đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia và đối tác, cả trong và ngoài nước”, đại diện Viettel nói với Nikkei.
Viettel có thể chọn thiết bị do Nokia hoặc Ericsson sản xuất, tùy thuộc vào tiến trình của mình trong các thử nghiệm đang được thực hiện.
Trong cuộc đua này, tập đoàn viễn thông khác của Việt Nam là Vinaphone sẽ hợp tác với Nokia của Phần Lan, còn MobiFone thì hợp tác với Samsung Electronics của Hàn Quốc trong việc phát triển 5G.
Vinaphone và Nokia đã thỏa thuận cùng nhau phát triển các giải pháp 5G. Hai công ty đang thảo luận về kế hoạch xây dựng một trung tâm R&D sẽ bao gồm "internet of thing" (mạng lưới vạn vật kết nối internet) và công nghệ mạng.